| Hotline: 0983.970.780

Nếp cái hoa vàng được mùa

Thứ Ba 14/11/2017 , 13:50 (GMT+7)

Lúa nếp cái hoa vàng trung bình đạt 45 tạ/ha, giá trị sản phẩm/ha canh tác trên 76 triệu đồng, lợi nhuận gần 40 triệu, có thể coi là trà vụ được mùa riêng ở miền Bắc.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng NN-PTNT huyện Kinh Môn (Hải Dương), hiện tại bà con nông dân các địa phương trên địa bàn đang rất phấn khởi, thu hoạch nốt những diện tích lúa cuối cùng trong vụ mùa này.

13-53-03_thu_hoch_lu
Thu hoạch lúa

Hân hoan trong niềm vui được mùa, ông Nguyễn Văn Thịnh ở thôn An Thuỷ, xã Hiến Thành hào hứng khoe với chúng tôi: “Gia đình ông cấy hơn 1 mẫu lúa nếp cái hoa vàng, mới thu hoạch 5 sào đã được gần 8 tạ thóc, chưa kịp phơi phóng gì thương lái đã đến mua ngay với giá 1.600.000 đồng/tạ, bán rồi mới thấy tiếc vì giá lúa sẽ còn lên, và cũng chỉ Kinh Môn mới có loại thóc gạo này”.

Ông Trần Văn Phú ở thôn Tân Xá, xã Duy Tân cấy 6 sào nếp cái hoa vàng, cả nhà vẫn đang thu hoạch nhưng ông Phú đã cầm chắc: “Phơi già đổ bồ phải được 9 tạ thóc, trừ mọi chi phí đầu tư vẫn còn lãi 4 tạ rưỡi, để giáp tết bán sẽ được ngót hai chục triệu chứ chả chơi”.

Ông Phú cũng cho biết thêm, lúa nếp cái hoa vàng năm nay ít phải phun thuốc trừ sâu, vì không có sâu bệnh mấy.

Đi thăm khắp các cánh đồng lúa mùa muộn đang thu hoạch rộ, chúng tôi thật ấn tượng! Ruộng nếp hoa vàng nào cũng đều vàng nuột như tơ, bông dài óng ả, không đổ ngã, không tì vết sâu bệnh, có thể coi là điều hiếm có!

Đáng chú ý, trong điều kiện thời tiết vụ mùa năm nay, có mưa lớn kéo dài bất thường, nhiều diện tích lúa ở các địa phương trong khu vưc bị ngập úng, sâu bệnh và chuột gây hại nặng. Lúa nếp cái hoa vàng lại là giống thu hoạch muộn hơn các giống lúa đại trà gần 1 tháng (do đặc tính sinh lý của giống), nên rất dễ bị sâu bệnh tập trung phá hại, nhất là chuột (do lúa có mùi thơm). Vì thu hoạch muộn nên nếp cái hoa vàng chủ yếu cấy chân ruộng vàn trũng, để các ruộng cao, ruộng vàn cơ cấu các giống lúa ngắn ngày phục vụ sản xuất vụ đông.

Trong muôn vàn ngặt nghèo, khắc nghiệt ấy, lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn vẫn được mùa vượt trội. Chửng tỏ các cấp ngành chuyên môn trong huyện đã điều hành, chỉ đạo rất sát sao, nông dân các địa phương cũng từng được tập huấn kỹ thuật thâm canh nhuần nhuyễn, nên mới duy trì được biệt lệ bội mùa bội giá...

Qua tìm hiểu chúng tôi biết, huyện Kinh Môn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhãn hiệu tập thể cho lúa nếp cái hoa vàng từ năm 2008. Đây là giống lúa nếp đặc sản cổ truyền của nước ta, chỉ gieo cấy được trong vụ mùa, cấy vụ khác cây lúa không thể trỗ chín, vì giống phản ứng chặt với quang chu kỳ ánh sáng.

13-53-03_lu_nep_ci_ho_vng
Ruộng lúa nếp cái hoa vàng

Nếp cái hoa vàng đang là giống lúa chất lượng cao nhất trong bộ giống lúa nếp gieo cấy trên toàn quốc hiện nay. Với nhiều đặc điểm ưu tú vượt trội như cơm dẻo mềm rất thơm, gạo dùng gói bánh trưng trong các dịp lễ tết có thể bảo quản dài ngày mà bánh không bị lại gạo.

Hiện chỉ có huyện Kinh Môn còn gieo cấy nhiều lúa nếp cái hoa vàng, sản lượng thóc sản xuất ra ở đây mỗi năm ước đạt 32 nghìn tấn. Huyện đã thành lập được Hiệp hội Sản xuất & Thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn, đảm bảo tiêu thụ cơ bản lượng sản phẩm sản xuất ra ở đây. Các xã thường xuyên gieo cấy nhiều nếp cái hoa vàng là Long Xuyên, Hiệp An, Hiến Thành, An Sinh và An Phụ.

Dự kiến, diện tích lúa nếp cái hoa vàng ở Kinh Môn sẽ còn mở rộng, do hiệu quả sản xuất cao, lúa có khả năng kháng sâu bệnh khá tốt, sản phẩm dễ bán.

"Sản xuất lúa nếp cái hoa vàng được coi là một trong những tiềm năng lợi thế của địa phương. Nên các cấp chính quyền huyện luôn quan tâm tạo thuận lợi về cơ chế chính sách, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích theo vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị", ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kinh Môn.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm