| Hotline: 0983.970.780

Nếu doanh nghiệp từ chối đền bù cho ngư dân, pháp luật sẽ lên tiếng!

Thứ Sáu 29/12/2017 , 19:39 (GMT+7)

Đó là khẳng định của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tại buổi làm việc diễn ra vào chiều 29/12 nhằm giải quyết những vướng mắc trong việc đền bù cho ngư dân những khoản thiệt hại trong thời gian tàu nằm bờ không đánh bắt được.

18-34-47_1
Quang cảnh buổi làm việc

Buổi làm việc này có mặt đầy đủ các sở, ngành liên quan ở Bình Định như: Sở NN-PTNT, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Công an tỉnh, BĐBP tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, đại diện các ngân hàng, các địa phương cùng những chủ tàu vỏ thép 67 mới đóng đã bị hư hỏng và 2 doanh nghiệp đóng tàu là Cty TNHH MTV Nam Triệu (viết tắt là Cty Nam Triệu) và Cty TNHH Đại Nguyên Dương (viết tắt là Cty Đại Nguyên Dương).

Tại buổi làm việc, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết trước đó Sở này đã có văn bản gửi Cty Nam Triệu và Cty Đại Nguyên Dương đề nghị 2 doanh nghiệp nói trên đền bù và hỗ trợ cho 19 chủ tàu vỏ thép 67 mới đóng đã bị hư hỏng những thiệt hại trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa với khoản tiền hơn 45 tỷ đồng.

Sau đó, Cty Nam Triệu đã có văn bản phản hồi và cho biết đơn vị đóng tàu này đã báo cáo các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật (Bộ Công an) xin chủ trương về việc hỗ trợ theo đề nghị của các chủ tàu. Đồng thời tiến hành rà soát, thống kê các khoản đã bồi thường, hỗ trợ cho ngư dân; xây dựng phương án chi tiết giải quyết hỗ trợ cho ngư dân trên tinh thần có tình có lý, đúng quy định dựa trên cơ sở hợp đồng kinh tế giữa các bên. Dự kiến đến cuối tháng 1/2018 sẽ hoàn thành.

18-34-47_2
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chủ trì buổi làm việc

Trong khi đó, Cty Đại Nguyên Dương thì cho rằng việc yêu cầu đền bù của các ngư dân trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa, bảo hành là phi lý. Đơn vị đóng tàu này đưa ra “lý lẽ”: Việc sửa chữa, khắc phục các tàu hư hỏng của Cty đã là đền bù rồi, và việc sửa chữa tàu đã phải tiêu tốn rất nhiều tiền...

Trước sự chối bỏ trách nhiệm đền bù của Cty Đại Nguyên Dương, các chủ tàu rất bức xúc. Họ cho rằng những lý lẽ mà người đứng đầu Cty Đại Nguyên Dương đưa ra là không xác đáng. Bởi khi Chính phủ ban hành NĐ 67 thì những người có trách nhiệm không thể ngờ có sự đóng tàu gian dối, dẫn tới tàu mới đóng đã hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa nên không đưa quy định này vào. Tương tự, khi ký hợp đồng đóng tàu, ngư dân cũng không ngờ 1 doanh nghiệp đóng tàu “tiếng tăm” lại đi đánh tráo vật liệu thép từ Hàn Quốc/Nhật Bản sang thép Trung Quốc dẫn tới tàu mới đóng đã gỉ sét không hoạt động được…

18-34-47_3
Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng GĐ Cty Nam Triệu phát biểu tại buổi làm việc

Ngư Võ Tuân ở xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu vỏ thép 67 BĐ 99018 TS bức xúc cho biết: “Khi mới nhận tàu từ Cty Đại Nguyên Dương về tui đã thấy tàu có hiện tượng gỉ sét, tui lập tức báo Cty và mời ngân hàng đến chứng thực rồi kéo tàu về Quy Nhơn sửa chữa. Vừa rồi Cty kéo tàu về Tam Quan sửa chữa thì xảy ra chập điện làm cháy máy dò.

Ông GĐ Cty Đại Nguyên Dương Nguyễn Xuân Nguyên hứa sẽ sửa máy dò để tàu đi khai thác, nhưng đến giờ này vẫn chưa sửa. Khoản chi phí thiết kế tàu 25 triệu đồng Cty cũng hưa là sẽ trả lại cho ngư dân nhưng đến giờ này chúng tôi vẫn chưa nhận được. Riêng việc Cty Đại Nguyên Dương từ chối đền bù, tui xin chính quyền các cấp hỗ trợ cho ngư dân về mặt pháp lý để ngư dân kiện ra tòa, ai sai nấy chịu. Nếu tòa phán quyết ngư dân sai thì ngư dân chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Những tàu vỏ thép 67 của ngư dân Bình Định nằm bờ suốt thời gian dài do hư hỏng

Tại buổi làm việc, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng: Sự cố những tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 của ngư dân Bình Định mới đóng đã hỏng ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến chủ trương lớn của Nhà nước trong phát triển thủy sản. Qua nhiều lần kiểm tra của ngành chức năng, đã khẳng định nguyên nhân dẫn đến hư hỏng là do lỗi của đơn vị sản xuất.

“Vì vậy, tôi đề nghị các đơn vị đóng tàu cần thể hiện trách nhiệm với các chủ tàu; đền bù, hỗ trợ cho ngư dân những tổn thất khi tàu hư hỏng ngoài ý muốn phải nằm bờ sửa chữa, tránh tình trạng kéo nhau ra tòa. Bên cạnh đó, ngư dân cũng phải kê khai thiệt hại thật chuẩn xác, những thiệt hại không do đơn vị đóng tàu gây ra thì không nên đòi hỏi. Nếu đơn vị đóng tàu khăng khăng từ chối đề bù cho ngư dân thì chắc chắn pháp luật sẽ lên tiếng. Bộ Công an đã vào cuộc và đã có thông tin sơ bộ cho UBND tỉnh Bình Định và Chính phủ cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này”, ông Châu khẳng định.

18-34-47_4
Ông Nguyễn Xuân Nguyên, GĐ Cty Đại Nguyên Dương phát biểu tại buổi làm việc

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Syngenta hỗ trợ xây trường học và nhà ở cho hộ nghèo

ĐẮK LẮK Syngenta Việt Nam hỗ trợ xây nhà ở cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 1 điểm trường tại xã Tân Tiến và Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).