Sau báo cáo kết quả kiểm tra của các chuyên gia và ý kiến của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), sáng 8/9, Sở NN-PTNT Bình Định đã tổ chức cuộc họp nhằm “chốt” phương án sửa chữa tàu.
|
Hình ảnh cuộc họp |
Về hạn chót sửa chữa hoàn tất 4 con tàu, ông Phan Trọng Hổ, người đứng đầu ngành nông nghiệp Bình Định, đưa ra cho Cty Đại Nguyên Dương là ngày 27/9, để ngư dân kịp ra khơi vài chuyến biển trước khi mùa mưa bão đến.
Sau 1 thời gian tiến hành kiểm tra, đánh giá, các chuyên gia chuyên ngành vật liệu kim loại- luyện kim cho rằng, việc vỏ thép bị han gỉ nguyên nhân chủ yếu không phải là do vật liệu làm vỏ tàu mà do không có biện pháp bảo vệ vỏ tàu theo đúng quy định. Còn thành phần Mn trong thép thấp hơn QCVN 21:2010/BGTVT có thể chấp nhận được do 2 yêu cầu cơ bản của nhóm thép này là cơ tính và tính công nghệ đạt yêu cầu.
Sau đó, theo chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Trung tâm Đăng kiểm tàu cá đã có văn bản xác nhận vật liệu thép Cty Đại Nguyên Dương dùng để đóng 5 con tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định là đúng MAC A, đủ điều kiện đóng tàu.
Tại cuộc họp, 4 ngư dân vì nóng lòng đưa tàu ra khơi đánh bắt cho kịp thời vụ nên đã đồng ý giữ lại thép Trung Quốc để sửa chữa, riêng ngư dân Nguyễn Văn Lý vắng mặt. Các ngư dân yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại, giá thành chênh lệch thép Hàn Quốc sang thép Trung Quốc.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, nêu quan điểm: “4 ngư dân đã đồng ý phương án sửa chữa, riêng ngư dân Nguyễn Văn Lý nếu không đồng ý thì có thể khiếu kiện đơn vị đóng tàu ra tòa. Chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh để có ý kiến thống nhất phương án, chậm nhất ngày 27/9 phải sửa chữa xong. Đối với việc đánh giá lại chất lượng của con tàu thì trách nhiệm thuộc về ngân hàng BIDV. Tàu có tuổi thọ hoạt động 15 năm nhưng sau này chỉ còn lại 10 năm thì nếu có vấn đề gì thì BIDV phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, BIDV cần có phương án để giải quyết vấn đề này”.