| Hotline: 0983.970.780

Nguyên thủ Việt Nam-Trung Quốc hội đàm cấp cao

Thứ Năm 20/06/2013 , 08:36 (GMT+7)

Lãnh đạo hai nước đã có buổi hội đàm tại Đại Lễ đường Nhân dân, trao đổi ý kiến về phương hướng, các biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Ngày 19/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.

Đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn tại sân bay quốc tế Bắc Kinh có Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cùng các lãnh đạo Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ cùng đông đảo cán bộ đại sứ quán, đại diện cộng đồng và sinh viên Việt Nam tại Trung Quốc.

Đúng 17 giờ, ngày 19/6, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu Nhà nước Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Đại Lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì Lễ đón.

Quốc thiều hai nước được quân nhạc cử hành trang nghiêm trên nền thanh âm hùng tráng của 21 loạt đại bác chào mừng. Lãnh đạo hai nước cùng bước lên bục danh dự, duyệt đội danh dự và chứng kiến diễu binh qua lễ đài. Đông đảo thiếu nhi Trung Quốc mang cờ hoa, nồng nhiệt, vui mừng chào đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Sau lễ đón, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Trong không khí hữu nghị, thẳng thắn và cởi mở, hai bên đã điểm lại tình hình quan hệ hai nước trong thời gian qua trên mọi lĩnh vực, trao đổi ý kiến sâu rộng về phương hướng và các biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực hai bên cùng quan tâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Trung Quốc; khẳng định Trung Quốc hết sức coi trọng chuyến thăm; tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ hai nước, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và hợp tác cùng có lợi giữa hai Đảng, hai nước và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định Trung Quốc coi trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị với Việt Nam, nhấn mạnh truyền thống hợp tác hữu nghị do các bậc lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp là tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước, hai bên cần kế thừa và phát huy.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, thân tình mà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc dành cho Đoàn đại biểu Nhà nước Việt Nam. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng Trung quốc đã tổ chức thành công Đại hội 18 Đảng Cộng sản cuối năm 2012 và kỳ họp thứ nhất khóa 12 Quốc hội và Chính hiệp tháng 3 vừa qua, bầu ra Ban Lãnh đạo mới của Đảng, Nhà nước, đề ra những chủ trương, phương hướng lớn về phát triển của Trung Quốc trong thời gian tới.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chiều 19/6

Chủ tịch nước đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các vị lãnh đạo Trung Quốc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chính sách cơ bản, nhất quán lâu dài của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc, sẵn sàng cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc nỗ lực đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung lên tầm cao mới.

Về quan hệ song phương, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian qua tiếp tục có bước phát triển mới; bày tỏ vui mừng và đánh giá cao việc hai bên ký Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc và nhiều văn kiện hợp tác quan trọng khác trong chuyến thăm lần này.

Hai bên nhất trí cần làm sâu sắc hơn nữa sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tiếp tục đẩy mạnh giao lưu và triển khai có hiệu quả những nội dung, thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan Đảng, Bộ ngành, địa phương hai bên; thúc đẩy giao lưu giữa các đoàn thể, nhất là thế hệ trẻ nhằm tăng cường giáo dục truyền thống hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Hai bên cần hoàn thiện và phát huy đầy đủ vai trò quan trọng của các cơ chế hợp tác song phương, nhất là Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước đạt được tiến triển mới.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật..., không ngừng làm phong phú thêm nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, trong thời gian tới, hai bên cần chỉ đạo các bộ ngành hai nước quán triệt, triển khai hiệu quả các nội dung thỏa thuận hợp tác đã ký kết trước đây cũng như được ký kết trong dịp này; không ngừng nâng cao chất lượng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, phối hợp có các biện pháp hiệu quả và quyết liệt thúc đẩy thương mại hai nước vừa tăng trưởng ổn định, vừa giảm nhập siêu của Việt Nam, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 60 tỷ đôla Mỹ vào năm 2015.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh và mong muốn phía Trung quốc tăng cường đầu tư những dự án lớn trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, chế tạo, công nghiệp phụ trợ với công nghệ hiện đại, tiên tiến.

Hai bên hoan nghênh việc Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng hai nước ký kết Thỏa thuận hợp tác biên phòng (sửa đổi), Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền nhân chuyến thăm này. Hai bên đều thống nhất cho rằng các thỏa thuận này sẽ nâng cao hiệu quả phối hợp, hợp tác quản lý giữa hai bên, duy trì an ninh trật tự và tạo thuận lợi cho các hoạt động giao lưu, giao thương giữa nhân dân hai nước tại khu vực biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới chung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Hai bên cũng đã trao đổi ý kiến thẳng thắn và nhất trí duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tìm kiếm và trao đổi các giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, không để ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ hai nước cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông.

Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Trong thời gian tới, hai bên tích cực triển khai các dự án đã thoả thuận liên quan các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặc biệt nhấn mạnh, vấn đề nghề cá liên quan đến đời sống và lợi ích của hàng triệu ngư dân Việt Nam, đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp, xử lý thỏa đáng vấn đề này, bảo đảm lợi ích, quyền lợi chính đáng của ngư dân.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả Thỏa thuận về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển được ký kết nhân dịp này.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí hai nước cần tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung Quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung-Nhật-Hàn (ASEAN+3), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)..., cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trân trọng mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các đồng chí Lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc sớm thăm Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vui vẻ nhận lời thăm vào thời gian thuận tiện cho cả hai bên, đồng thời trân trọng mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị Lãnh đạo Cấp cao khác của Việt Nam thăm Trung Quốc vào thời gian thích hợp.

(Vietnam+)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm