| Hotline: 0983.970.780

Nhà giáo Văn Như Cương: Nên cáo chung cách tuyển sinh ĐH hiện nay

Thứ Sáu 08/07/2011 , 14:09 (GMT+7)

PGS Văn Như Cương, một người nặng lòng với giáo dục nước nhà, bày tỏ ý kiến xung quanh loạt bài Nhọc nhằn sĩ tử quê, rất đáng để suy ngẫm.

PGS Văn Như Cương

Loạt bài “Nhọc nhằn sĩ tử quê” (NNVN từ số 131- 134) nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của độc giả. PGS Văn Như Cương, một người nặng lòng với giáo dục nước nhà, bày tỏ ý kiến xung quanh vấn đề NNVN đề cập, rất đáng để suy ngẫm.

 

Nền giáo dục ứng thí 

Là người sống lâu năm ở Hà Nội, lại là một nhà giáo, ông có suy nghĩ gì khi chứng kiến cảnh học trò và phụ huynh “đến hẹn lại lên” mệt mỏi lai kinh ứng thí. Học trò thì căng thẳng, cha mẹ thì lo âu, vạ vật giữa trời nắng nóng mùa hè? 

Nguyện vọng được vào học các trường đại học của các em học sinh là rất chính đáng và nên được khuyến khích. Nhưng theo cung cách tuyển sinh “ba chung” (chung đề, chung đợt và xử lý kết quả chung) của chúng ta hiện nay thì các em phải đổ về một số thành phố lớn trong cùng một thời gian để dự thi. Các em lại chỉ mới lớn (18 hoặc 19 tuổi) nên gia đình không an tâm để con đi thi một mình. Thế là cứ đến mùa thi hầu như cả xã hội đều tất bật và căng thẳng trong những ngày nắng nóng.     

Còn nhớ, ông đã nói rằng: “Giáo dục bậc đại học hiện nay xa rời thực tế, yếu nhất trong hệ thống giáo dục”. Vậy xin ông kiến giải giúp, vì sao hàng năm có tới cả triệu thí sinh lại tranh đấu để lao vào cái “xa rời thực tế” đó? 

Vì ngoài cái “xa rời thực tế” đó hệ thống giáo dục của chúng ta không có cái gì hấp dẫn hơn.  

Nhớ lại hồi bao cấp ngày xưa, chúng ta vẫn cứ phải xếp hàng dài để mua cho được tiêu chuẩn gạo hàng tháng, mặc dầu “gạo mậu dịch” chẳng lấy gì làm ngon, thậm chí còn bị thay bằng bo bo, mỳ ép hoặc sắn củ… Nhưng không mua gạo ấy thì ăn bằng gì? Sự học ngày nay cũng tương tự như vậy, có học vẫn cứ hơn không. Vừa học vừa mong chất lượng bậc đại học nhanh chóng được thay đổi, càng ngày càng tốt hơn.   

Giáo dục bậc đại học của ta chưa thực sự tốt như ông nói, nhưng nghịch lý là ngày càng có nhiều trường đại học, cao đẳng mọc lên. Nếu chạy qua các điểm thi đại học hiện nay sẽ bắt gặp những lời mời chào học đại học nhiều như châu chấu. NNVN từng phản ánh, có hiện tượng “tranh giành” sinh viên của các trường đại học; cụ thể có học sinh nhận được hàng chục giấy báo nhập trường, thậm chí có học sinh trượt tốt nghiệp phổ thông vẫn nhận được giấy báo… trúng tuyển đại học, cao đẳng. Ông bình luận gì về hiện tượng trên?

Giáo dục bậc đại học của ta chưa thực sự tốt về cả hai mặt: chất lượng và số lượng. Về số lượng, hàng năm chúng ta chỉ có thể tuyển khoảng 15% số người dự thi vào các trường đại học công lập. Và như thường lệ, có “cầu” thì sẽ xuất hiện “cung”, nên một mặt nhà nước “tăng tốc” trong việc đẻ thêm các trường đại học, kể cả nhiều lúc phải đẻ non, mặt khác các trường đại học tư thục cũng mở thêm nhiều để có thể thu hút con em các bậc nhà giầu mà không chen vào được đại học nhà nước.  

Phàm khi mà số lượng tăng lên nhanh chóng thì xét về tổng thể, chất lượng sẽ giảm sút. “Có học còn hơn không” là phương châm đúng, nhưng về mặt kinh tế cũng còn phải chú ý đến khía cạnh “có xứng với đồng tiền bát gạo bỏ ra hay không?”.   

Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục Việt Nam là “nền giáo dục ứng thí”; vậy theo ông có nhất thiết phải “ứng thí” thì mới là hiếu học, mới chứng tỏ tài năng? 

Giáo dục của chúng ta cố gắng thực hiện phương châm của UNESCO về mục đích học tập: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Tuy nhiên trong thực tế, nói rằng chúng ta đang có một “nền giáo dục ứng thí” thì không có gì quá đáng. Mục đích học của học trò là để vượt qua các kì thi, mục đích của thầy giáo và cha mẹ học sinh là làm sao cho học trò mình, con em mình được điểm cao trong các kì thi đó.  

Tóm lại mục đích học không gì khác ngoài việc đi thi cho đậu. Vì vậy mới có châm ngôn “thi gì học nấy”, không thi thì cần gì học. Thế là trong các môn học có sự phân loại: môn chính (là môn dứt khoát phải thi) và môn phụ (là môn không bao giờ thi). Xem ra cách thi cử hiện nay là nguồn gốc của nền “giáo dục ứng thí”, và nó đang tấn công trực diện vào cái triết lí “giáo dục toàn diện” của các nhà giáo dục học tầm cỡ của chúng ta.   

Ảnh minh họa

Tâm lý khoa bảng nặng nề 

Ông đã từng nói “đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời”. Điều này rất đúng. Nhưng nhiều người còn có những lý lẽ khác. Có người ép con học cật lực và bắt buộc phải đỗ đại học chỉ để cho ông bố oai với… bạn nhậu. Xin ông kiến giải ở góc độ tâm lý của người Việt ta. 

Ở nông thôn, có con đậu vào đại học là gia đình trở nên vẻ vang, dòng họ phấn khởi và cả thôn ấp mừng vui, không ăn mừng to thì cũng liên hoan kha khá..., chưa cần tính đến sẽ xoay xở kiếm tiền ở đâu để gửi con ra tỉnh ăn và học, cũng không cần biết đến học xong bốn năm năm ở cái trường đại học ấy, con mình có kiếm được việc làm hay không? 

 Ở thành thị cũng thế thôi, nếu có đưa con thi đại học trượt hai ba kì thì ông bố bà mẹ xấu hổ lắm, vì trước đây trót khoe con mình thông minh, sáng dạ, luôn được các thấy cô khen “hết lời”… Bây giờ ra nông nỗi này thì phải cố gắng cho nó vào một cái trường tư thục nào đấy, hoặc có thừa tiền thì gửi nó đi “du học” cho…oai.  

Tâm lí “khoa bảng” còn rất nặng nề đối với người Việt Nam ta. 

Nếu được đề nghị góp ý ngắn gọn về việc thi cử đại học hiện nay, ông  nói gì? 

Ngắn gọn là nên cáo chung cho phương pháp tuyển sinh theo kiểu “ba chung” hiện nay! 

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm