| Hotline: 0983.970.780

Nhân rộng mô hình Hà Giang

Thứ Hai 13/08/2012 , 11:00 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Chương trình MTQG về xây dựng NTM, đã phát biểu như vậy nhân chuyến thăm và làm việc tại Hà Giang.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Chương trình MTQG về xây dựng NTM, đã phát biểu như vậy nhân chuyến thăm và làm việc tại Hà Giang. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cách phân cấp cụ thể công việc từ hộ gia đình đến cấp xã mà tỉnh Hà Giang đang triển khai trong xây dựng NTM hiện nay là rất sáng tạo.

GẮN DẠY NGHỀ VỚI XÂY DỰNG NTM

Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Hà Giang cuối tuần qua, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đã đi thăm mô hình xây dựng NTM tại xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, một trong ít địa phương của tỉnh đạt 11/18 tiêu chí. Báo cáo của Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phúc Nguyễn Thái Tư cho thấy, là một xã vùng 2 của huyện, cách trung tâm huyện tới 43 km nên kinh tế cũng như cuộc sống của người dân Vĩnh Phúc trước đây gặp vô vàn khó khăn. Song, từ khi có chủ trương xây dựng NTM, không chỉ bộ mặt xã có sự thay đổi rõ rệt mà ngay cả trong tư duy của cán bộ địa phương cũng có sự đột phá trong cách nghĩ, cách làm.

Xác định người dân là chủ thể, phát triển SX nâng cao thu nhập là vấn đề cốt lõi của Chương trình xây dựng NTM nên mọi công việc từ quy hoạch SX, quy hoạch cơ sở hạ tầng, chọn tiêu chí nào làm trước, công trình nào làm sau đều được lãnh đạo, cán bộ xã Vĩnh Phúc bàn bạc cụ thể với nhân dân nên phong trào đạt được sự đồng thuận cao từ phía bà con.

Sau khi chia tay xã NTM Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục chuyến làm việc tại Trường Trung cấp nghề Bắc Quang. Đây là một ngôi trường mới được thành lập năm 2011 trên cơ sở nâng câp Trung tâm Dạy nghề huyện. Báo cáo với đoàn công tác của Bộ và tỉnh Hà Giang, Hiệu trưởng Kiều Ngọc Lễ cho biết, hiện nhà trường đang tập trung đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.


Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh thăm quan mô hình NTM tại xã Vĩnh Phúc

Thực tế cho thấy, tại huyện Bắc Quang, đa số các học viên đăng ký theo học các nghề nông nghiệp. Để công tác chọn đối tượng học nghề đạt hiệu quả, Nhà trường phối hợp với các trưởng thôn, lập danh sách học nghề để từ đó tổ chức lớp dạy theo nguyện vọng của bà con chứ không dạy theo kiểu áp đặt.

Nhận thấy cơ hội và thách thức còn rất nhiều trước mắt với Trường Trung cấp nghề Bắc Quang, Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ, đây là năm đầu tiên Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm công tác dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, vinh dự là rất lớn song trách nhiệm không hề nhỏ, Bộ rất cần sự chung tay góp sức hiến kế từ các địa phương, đặc biệt là các đơn vị trực tiếp tham gia dạy nghề nông nghiệp.

Bộ trưởng đề nghị, công tác đào tạo nghề của Trường Trung cấp nghề Bắc Quang cần bám sát các chương trình phát triển SX các loại cây con thế mạnh của địa phương, đặc biệt là phải gắn chặt với Chương trình xây dựng NTM để đào tạo ra nguồn nhân lực phục vụ chính tại quê hương.

CHỌN THẾ MẠNH LÀM TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn song tổng sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh tăng trên 13%, trong đó nông, lâm, nghiệp tăng 5,45%, cơ cấu kinh tế, nông, lâm, thủy sản chiếm 31,1% cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần đưa thu ngân sách của tỉnh lần đầu tiên đạt trên 1.000 tỷ đồng.

 Về Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ-TU ngày 28/4/2011 về xây dựng NTM Hà Giang đến năm 2020. Tỉnh cũng thành lập cơ quan chuyên trách cấp tỉnh là Ban Quản lý chương trình xây dựng NTM để giúp việc độc lập UBND tỉnh trong triển khai.

Hà Giang là tỉnh có địa hình, khí hậu khắc nghiệt phức tạp, có khi 1 xã rộng bằng cả một huyện vùng đồng bằng nên quá trình xây dựng NTM của Hà Giang khó khăn hơn các địa phương khác gấp nhiêu lần. Tuy nhiên, không vì thế mà Chương trình xây dựng NTM tại miền biên viễn xa xôi này bị coi nhẹ, thay vào đó, cán bộ, nhân dân tỉnh Hà Giang luôn tập trung cao độ, quyết liệt cho tiến độ chương trình.

Rất nhiều mô hình, cách làm hay được ông Đỗ Tấn Sơn - Trưởng BQL Chương trình xây dựng NTM Hà Giang, chia sẻ, như mô hình phân cấp công việc cụ thể và chấm điểm tại xã Phương Thiện, TP. Hà Giang đã khơi dậy được tinh thần vươn lên, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng thôn, bản sạch đẹp, vệ sinh giữa các hộ gia đình, các thôn, xã; Phong trào hiến đất, cho mượn máy móc, tặng nguyên vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng tại huyện Hoàng Su Phì; Thành lập các hội nghệ nhân dân gian trên cơ sở các thầy mo, trưởng bản có uy tín để tuyên truyền, động viên người dân tham gia xây dựng NTM...

“Về phát triển cây cam sành, Bộ sẽ giao một đơn vị đấu thầu đề tài nghiên cứu và khôi phục vùng cam sành huyện Bắc Quang (Hà Giang) và Hàm Yên (Tuyên Quang). Bộ cũng nhất trí sẽ giao Viện Cây ăn quả xây dựng đề tài phát triển cây ăn quả ôn đới tại 4 huyện núi đá của tỉnh. Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tôi lưu ý địa phương nên quan tâm đến khâu tưới tiêu, thủy lợi và sau thu hoạch. Đây là 2 khâu quan trọng hàng đầu quyết định đến sự thành công của đất nước Isarel, một đất nước có địa hình khắc nghiệt không kém tỉnh Hà Giang", Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh tâm sự: Mỗi dịp đi họp ở Trung ương, các địa phương khác bảo Hà Giang xin nhiều quá nhưng thực sự Hà Giang quá nghèo, không xin thì không có gì cả. Toàn tỉnh có 11 huyện thành phố thì có tới 6 huyện thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, trong 6 huyện 30a đó chiếm tới 4 huyện toàn núi đá… Chính vì vậy, Hà Giang rất cần sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ phía Bộ NN-PTNT và Chính phủ cho sự nghiệp Tam nông, đặc biệt là Chương trình xây dựng NTM.

Tỉnh Hà Giang đang tiến hành tổ chức lại SX cho người nông dân, tập trung vào những cây trồng, vật nuôi thế mạnh chủ lực. Gắn Chương trình xây dựng NTM với việc phát triển du lịch, phấn đấu mỗi huyện có 1 làng văn hóa du lịch. Vì điều kiện đặc thù, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang đề nghị BCĐTƯ cho làm điểm về công tác quy hoạch trong xây dựng NTM từ cấp dưới lên và cho tỉnh ứng trước nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép từ các Tập đoàn, Tổng Cty để tiến hành xây dựng NTM, sau đó Chính phủ sẽ thanh toán.

Tiếp thu kiến nghị của lãnh đạo Hà Giang, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát hoàn toàn nhất trí với chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của tỉnh. Bộ trưởng Cao Đức Phát đặc biệt đánh giá cao tinh thần, cách làm sáng tạo của Hà Giang trong xây dựng, Bộ sẽ học tập kinh nghiệm của tỉnh để phổ biến nhân rộng tới các địa phương khác.

Bộ trưởng gợi ý, tỉnh Hà Giang cần rà soát lại và tập trung vào những cây trồng, vật nuôi phù hợp và là thế mạnh của từng vùng để đầu tư phát triển nâng cao giá trị thu nhập. Tiếp đến, cần chú trọng công nghệ sau thu hoạch để chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp được kéo dài đến mức tối đa và người dân được hưởng lợi nhuận nhiều hơn từ sản phẩm họ phải vất vả đổ mồ hôi, nước mắt mới làm ra được.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất