Tham vọng của Trung Quốc
Reuters cho biết, dựa trên quan điểm này, các kế hoạch quân sự của Nhật Bản đang hướng tới xác định những biện pháp cần thiết để đối phó với Trung Quốc, thay vì CHDCND Triều Tiên.
Thực tế sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã gia tăng ngân sách đầu tư quốc phòng. Bắc Kinh đã thực hiện cuộc cách mạng sâu rộng trong quân đội, hướng tới hiện đại hoá đội quân hùng hậu của mình. Không quân và hải quân được xác định là những mũi nhọn chính cần phát triển mạnh. Tham vọng của ông Tập là tới năm 2050, Trung Quốc sẽ sở hữu đội quân “đẳng cấp thế giới”.
Sau đại hội 19 hồi tháng 10/2017, ông Tập Cận Bình theo giới quan sát, đã lên tới đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc. Việc Trung Quốc mới đây sửa đổi Hiến pháp, xoá bỏ quy định về nhiệm kỳ đã mở đường cho nhà lãnh đạo 66 tuổi tiếp tục cầm quyền sau năm 2023. Điều này càng giúp cho ông Tập có điều kiện đẩy mạnh những tham vọng của mình với Trung Quốc, cả về kinh tế lẫn quân sự. Trong năm 2018, Bắc Kinh đã tăng ngân sách quốc phòng lên 1,11 nghìn tỉ NDT (khoảng 175 tỉ USD). Con số này gấp 3 lần so với mức đầu tư quốc phòng của Nhật Bản. Cần nhắc rằng Mỹ và phương Tây luôn tin, chi phí quốc phòng thực tế của Trung Quốc cao hơn nhiều lần con số công bố.
Theo các chuyên gia quân sự Nhật Bản, việc tăng ngân sách đầu tư quốc phòng đã giúp Trung Quốc chiếm ưu thế ở Biển Đông và Hoa Đồng, nơi nước này đang tranh chấp với nhiều quốc gia láng giềng và cả Nhật Bản. Hiện tại, Tokyo phải trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ của Mỹ, theo Hiệp ước an ninh giữa đôi bên. Theo đó, Mỹ sẽ có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ Nhật Bản khi lãnh thổ nước này bị kẻ thù tấn công. Mặc dù vậy, Reuters dẫn lời một chỉ huy quân sự cấp cao Mỹ đã nghỉ hưu cho biết, trong thập kỷ gần đây, Mỹ đã triệt thoái dần khỏi vùng tây Thái Bình Dương. Đây là một yếu tố khác giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Điểm yếu tài chính
Trong 5 năm trở lại đây, chi phí quốc phòng của Nhật Bản dù tăng lên nhưng không đáng kể nếu so với Trung Quốc. Một cố vấn quân sự cấp cao của Nhật Bản cho biết, tài chính chính là điểm yếu của nước này. Sự thất thế của Nhật Bản so với Trung Quốc, theo giáo sư Nozomu Yoshitomi thuộc Trường Đại học Nihon ở Tokyo, có thể ngày càng tăng.
Trước bối cảnh trên, giới quân sự Nhật Bản đang hối thúc chính phủ nước này phải tăng cường phát triển hệ thống khí tài quân sự, tăng đầu tư quốc phòng. Quân đội Nhật Bản dự kiến sẽ phải tăng thêm hệ thống tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu cả trên không lẫn đất liền, với tầm vươn xa tốt hơn. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng sẽ được trang bị thêm các tàu đổ bộ, máy bay không người lái, chiến đấu cơ để kiểm soát hoạt động trên biển của Trung Quốc.
Theo Reuters, những cảnh báo đối với Tokyo gia tăng mạnh hồi tháng 11/2017, khi Trung Quốc triển khai 6 chiếc máy bay ném bom H-6 kèm TU-154 và Y-8 xâm nhập vào sân vùng lãnh thổ giữa chuỗi đảo Okinawa và Miyakojima. Giáo sư Toshi Yoshihara thuộc một viện nghiên cứu quân sự ở Washington cho rằng, đây là cách Bắc Kinh muốn thử khả năng phản ứng và sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nhật Bản. “Nếu các hoạt động này của Trung Quốc trở nên thường xuyên, họ sẽ buộc các lực lượng Nhật Bản phải chấp nhận sự hiện diện của PLA (quân đội Trung Quốc) trên thực tế”, giáo sư Yoshihara cho biết.