| Hotline: 0983.970.780

Những lần bán đảo Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh

Thứ Ba 08/05/2018 , 12:45 (GMT+7)

Hàn Quốc và Triều Tiên trong quá khứ không ít lần xảy ra giao tranh và mỗi lần như vậy, căng thẳng lại dâng cao, đưa bán đảo tới bên bờ vực bùng phát chiến tranh trở lại.

18-08-16_nh_2
Khói bốc lên từ đảo Yeonpyeong sau vụ pháo kích hồi năm 2010 (Ảnh: AFP)


Trận Yeonpyeong đầu tiên

Ngày 8/6/1999, 7 tàu chiến Triều Tiên liên tục vượt qua đường biên giới trên biển với Hàn Quốc, đến gần đảo Yeonpyeong. Seoul đã cử 16 tàu tuần tra ngăn chặn nhưng đội tàu này đã phải quay trở về để tránh đối đầu, theo War is Boring.

Ngày hôm sau, sự việc leo thang thành một cuộc va chạm trực tiếp giữa hai bên khi tàu Hàn Quốc cố gắng đẩy lùi tàu Triều Tiên về phía bên kia biên giới, khiến 4 tàu Triều Tiên bị hư hại, trong đó hai chiếc hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên, bản thân Hàn Quốc cũng có 3 tàu bị thiệt hại.

Ngày 15/6, cuộc đấu súng nổ ra. Trong lúc tàu tuần tra Hàn Quốc và tàu chiến Triều Tiên vẫn ở thế giằng co, bất ngờ, chiến hạm Triều Tiên mang số hiệu PT-381 bị hai tàu Hàn Quốc đưa vào thế gọng kìm. Tàu PT-381 đã khai hỏa đáp trả bằng súng máy và pháo 25 mm. Các tàu Hàn Quốc lớn và được vũ trang tốt hơn đáp trả bằng pháo Oto Melara 76 mm, súng No Bong 20 mm và súng nòng xoay, tương tự mẫu súng trang bị trên chiến hạm hải quân Mỹ.

Bị áp đảo về hỏa lực, các thủy thủ Triều Tiên chịu thiệt hại nặng nề hơn vì khai hỏa trước. Tàu Hàn Quốc đánh chìm một tàu phóng ngư lôi Triều Tiên và làm hư hại 5 tàu khác, trong đó có một tàu tuần tra 420 tấn. Ít nhất 30 thủy thủ Triều Tiên thiệt mạng. Hàn Quốc chịu tổn thất ít hơn với 5 tàu hư hại và 9 thủy thủ bị thương.

Vụ tấn công được châm ngòi bởi cách xác định đường biên giới trên biển khác nhau giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Hàng thập kỷ trước khi cuộc xung đột nổ ra, Washington và Seoul thống nhất lấy Đường Giới hạn phía Bắc (NLL), cách bờ biển Triều Tiên khoảng 5km làm đường ranh giới trên biển.

Tuy nhiên, Triều Tiên lại xác định đường biên giới trên biển xa hơn về phía nam, nhận 5 hòn đảo có người Hàn Quốc sinh sống, bao gồm cả đảo Yeonpyeong, nằm trong vùng lãnh thổ của mình.

Cả Mỹ và Hàn Quốc đều không tham vấn với Triều Tiên khi thiết lập NLL khiến Bình Nhưỡng không hài lòng. Năm 1999, Triều Tiên bắt đầu khẳng định tuyên bố chủ quyền bằng bạo lực. Các tàu tuần tra và tàu cá Triều Tiên thay nhau vượt qua đường NLL. Một cuộc xung đột nổ ra là kịch bản không thể tránh khỏi.
 

Trận Yeonpyeong thứ hai

Quân đội Triều Tiên không quên thất bại đầu tiên và luôn ấp ủ ý định trả đũa. Ngày 29/6/2002, hai tàu tuần tra Triều Tiên vượt qua NLL, khai hỏa nhằm vào hai tàu tuần tra lớp Chamsuri của Hàn Quốc. Một trong hai tàu Triều Tiên, trang bị súng 85 mm trên boong, ngắm bắn từ khoảng cách gần 500m.

Lần này, tàu Hàn Quốc bị áp đảo hỏa lực, đáp trả bằng pháo 20 mm và 30 mm. Hai tàu Hàn Quốc tìm cách rút lui để bảo toàn lực lượng song nhiều thành viên hạm đội đã bị thương nghiêm trọng. Vài phút sau, hai tàu hộ tống lớp Pohang của Hàn Quốc xuất hiện yểm trợ, buộc tàu Triều Tiên rút lui.

Tàu tuần tra PKM-357 Hàn Quốc cuối cùng bị đánh chìm. Vụ việc khiến 6 thủy thủ thiệt mạng và 18 người bị thương. Hải quân Hàn Quốc cho rằng tàu tuần tra 684 của Triều Tiên cũng bị chìm, khiến 13 thủy thủ thiệt mạng và 25 người bị thương. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tuyên bố họ không gặp bất kỳ tổn thất nào.

Thời điểm xảy ra vụ tấn công, Hàn Quốc đang đồng tổ chức giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2002 cùng Nhật Bản. Giới quan sát cho rằng hành động của Triều Tiên nhằm mục đích làm xấu hình ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế, đồng thời phô diễn sức mạnh.
 

Vụ đắm tàu Cheonan

Đêm 26/3/2010, tàu chiến Cheonan của hải quân Hàn Quốc với trọng tải 1.200 tấn, chở theo 104 thủy thủ trên boong, bất ngờ bị nổ, gãy đôi và chìm trên biển Hoàng Hải khiến 46 người thiệt mạng.

18-08-16_nh_1
Một phần thân tàu Cheonan được trục vớt hồi năm 2010 (Ảnh: Reuters)

Vụ việc lúc bấy giờ đẩy căng thẳng Hàn - Triều lên cực điểm. Tổng thống Hàn Quốc khi đó, ông Lee Myung-bak đã đích thân tới khu vực chiến hạm Cheonan bị chìm, nằm gần đảo Baengnyeong, đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc đặt chân tới đây, nơi gần sát đường giới tuyến trên biển Hoàng Hải đang tranh chấp với Triều Tiên.

Theo một báo cáo chính thức dựa trên điều tra được thực hiện bởi Hàn Quốc, Mỹ, Thụy Điển, Anh và Australia, tàu Cheonan bị tấn công bởi ngư lôi khai hỏa từ một tàu ngầm nhỏ của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa bao giờ nhận trách nhiệm.
 

Trận pháo kích trên đảo Yeonpyeong

Năm 2010, Triều Tiên tiếp tục gây chú ý trên đảo Yeonpyeong, lần này là bằng một cuộc pháo kích.

Ngày 21/9, tình báo Hàn Quốc phát hiện một tiểu đoàn Triều Tiên mang theo hàng loạt bệ phóng tên lửa di chuyển tới khu vực có tầm bắn đủ để vươn đến đảo Yeonpyeong.

14h34 ngày 23/9, tiểu đoàn Triều Tiên đồng loạt nã khoảng 150 quả tên lửa về phía hòn đảo. Sau khoảng 15 phút tạm dừng, đợt bắn phá thứ hai được tiến hành với khoảng 20 tên lửa. Bão lửa quét qua đảo Yeonpyeong, phá hủy nhiều công trình dân sự.

Đáp trả, Hàn Quốc bắn tổng cộng 80 quả đạn 155 mm vào các vị tí của Triều Tiên song đánh giá thiệt hại sau đó cho thấy chúng đều trật mục tiêu.

Hai lính thủy quân lục chiến Hàn Quốc cùng hai dân thường thiệt mạng trong cuộc giao tranh. 15 lính thủy bị thương. Nếu đợt pháo kích đầu tiên của Triều Tiên không nhắm vào lực lượng hải quân Hàn Quốc, thương vong dân thường có thể sẽ nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần. Đợt nghỉ giữa hai lần pháo kích đã giúp người dân có thời gian để tới trú ẩn dưới những hầm tránh bom kiên cố.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Bình luận mới nhất