Cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên tạm dừng bằng một hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình. Như vậy, về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Khoảng cách giữa hai sân bay ở Seoul và Bình Nhưỡng chỉ là hơn 160 km, tuy nhiên, chuyến bay đưa tổng thống Hàn Quốc tới Triều Tiên mất hơn một giờ mới tới đích bởi phi cơ phải thực hiện hành trình vòng qua vùng biển phía tây bán đảo nhắm tránh bay trên khu vực biên giới được bố phòng an ninh nghiêm ngặt, theo New York Times.
Hôm 27/4, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, con trai cố lãnh đạo Kim Jong-il, có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Moon Jae-in. Hai nhà lãnh đạo đã cùng bước qua đường ranh giới chia cắt hai miền trong Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ) như một động thái nhằm thể hiện thiện chí. Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh hai nước sẽ sớm ký hiệp ước hòa bình, kết thúc hoàn toàn chiến tranh trên bán đảo.
Sau hội nghị thượng đỉnh, đôi bên đã gỡ bỏ dàn loa tuyên truyền chủ yếu phát những thông điệp chỉ trích lẫn nhau dọc biên giới vốn tồn tại suốt hàng chục năm qua như một phần trong hoạt động tâm lý chiến. Đặc biệt, Triều Tiên ngày 5/5 còn thông báo chính thức chỉnh giờ lên 30 phút để khớp múi giờ với Hàn Quốc.
Những dấu hiệu tích cực liên tục xuất hiện mang đến hy vọng. Thế nhưng, để có được kết quả như ngày nay là cả một chặng đường dài đầy chông gai. Trong đó, hai cuộc gặp thượng đỉnh trong quá khứ giữa lãnh đạo hai miền đã góp phần không nhỏ tạo tiền đề cho hiện tại.
6 năm trì hoãn
Một cuộc gặp thượng đỉnh suýt diễn ra vào năm 1994 nhưng lại bị hủy vì lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành qua đời.
Khi lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên gặp lần đầu vào tháng 6/2000, Triều Tiên vừa trải qua nạn đói khủng khiếp, cướp đi sinh mạng hơn hai triệu người. Ở Hàn Quốc, ông Kim Dae-jung lên làm tổng thống và kêu gọi chấm dứt mối quan hệ liên Triều “theo kiểu Chiến tranh Lạnh”.
Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung tới Bình Nhưỡng để gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tháng 6/2000. Ảnh: Getty Images |
Cuộc gặp chính là điểm nhấn trong “Chính sách Ánh dương” mà ông Kim Dae-jung khởi xướng và quyết tâm theo đuổi với tôn chỉ rằng thiện chí và tinh thần hòa hợp có thể xoa dịu căng thẳng, giúp giảm bớt sự chia cắt. Truyền thông Hàn Quốc nói mỗi năm nước này gửi hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm và phân bón cho Triều Tiên.
Hàng loạt nước đi khác cũng được thực hiện nhằm cải thiện mối quan hệ, bao gồm tổ chức đoàn tụ cho 16.000 gia đình bị ly tán bởi chiến tranh. Hàn Quốc đã mạnh tay đầu tư vào một nhà máy đặt tại thị trấn Kaesong, Triều Tiên, và một khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang mở cửa từ năm 1998.
Ông Kim Dae-jung năm 2000 được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực hòa giải bán đảo Triều Tiên. Song bất chấp mọi cố gắng của Seoul, Bình Nhưỡng vẫn không ngừng phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Thậm chí vào năm 2002, Triều Tiên thừa nhận điều này nhưng Hàn Quốc vẫn tiếp tục gửi viện trợ.
Song sau đấy, Chính sách Ánh dương và hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều năm 2000 đã vấp phải chỉ trích và rơi vào vòng nghi vấn khi lộ ra thông tin rằng Hàn Quốc đã trả cho Triều Tiên 450 triệu USD trước cuộc gặp.
Cuộc gặp thứ hai
Hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều lần hai diễn ra vào năm 2007, khi chính quyền tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, người kế nhiệm ông Kim Dae-jung, sắp mãn nhiệm. Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, làm dấy lên câu hỏi về việc liệu Seoul sẽ làm gì với những khoản viện trợ cho Bình Nhưỡng.
Với khả năng các đối thủ chính trị theo khuynh hướng bảo thủ sẽ chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Hàn và chấm dứt Chính sách Ánh dương, ông Roh coi cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il là cơ hội để định hướng tương lai mối quan hệ liên Triều.
Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il vào tháng 10/2007 ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP |
“Rõ ràng là đảng của ông ấy sẽ thất bại trong cuộc bầu cử và tổng thống Roh hiểu rằng những người bảo thủ có cách xử lý vấn đề Triều Tiên vô cùng khác biệt, đó là áp lực, trừng phạt và Chiến tranh Lạnh”, ông Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul, nhận xét. “Để ngăn chặn điều đó, ông đã thực hiện nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn mối quan hệ quay trở về ngưỡng thù địch. Ông tới Triều Tiên về cơ bản nhằm ký kết hàng loạt thỏa thuận về phát triển kinh tế tương lai”.
Quả thực, phe bảo thủ đã giành chiến thắng và Chính sách Ánh dương bị tuyên bố kết thúc vào năm 2010. Hàng loạt dự án được vạch ra sau cuộc gặp thượng đỉnh năm 2007 rơi vào dang dở. Tuy nhiên, giờ đây, giới chuyên gia đánh giá chúng hoàn toàn có thể được hồi sinh trở lại dưới thời Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đặc biệt khi ông Moon cũng là người chủ trương theo đuổi những đường lối trong Chính sách Ánh dương năm xưa.