| Hotline: 0983.970.780

Nói rõ hơn về bài thơ Lưu Quang Vũ trong đề thi ngữ văn THPT quốc gia 2016

Thứ Ba 05/07/2016 , 15:39 (GMT+7)

Để thông tin chính xác và rõ ràng đến với bạn đọc, PV báo NNVN đã có cuộc trao đổi trực tiếp với PGS.TS Lưu Khánh Thơ xung quanh  chi tiết về bút tích bài thơ “Tiếng Việt” của Nhà thơ Lưu Quang Vũ trong lưu trữ của gia đình là “Đất cày” khác với văn bản chị công bố...

Báo NNVN mới đây có bài viết "PGS.TS Lưu Khánh Thơ: Dữ liệu đề thi Ngữ văn không sai".

Tuy nhiên, bài viết có chi tiết về bút tích bài thơ “Tiếng Việt” của Nhà thơ Lưu Quang Vũ trong lưu trữ của gia đình là “Đất cày” khác với văn bản PGS.TS Lưu Khánh Thơ công bố trên Báo điện tử Dân Việt.

Để thông tin chính xác và rõ ràng đến với bạn đọc, PV báo NNVN đã có cuộc trao đổi trực tiếp với PGS.TS Lưu Khánh Thơ xung quanh chủ đề này.

Trước hết, xin phép PGS.TS Lưu Khánh Thơ được xưng chị và em như thường ngày. Em muốn được xem bản thảo bút tích bài thơ “Tiếng Việt” của Nhà thơ Lưu Quang Vũ mà gia đình còn lưu giữ được.

[Lấy tập bản thảo bên ngoài đề “L.Q.V – Trường ca – tập I và II”]. Chữ của anh Vũ đây em ạ. Có những bản chị đã chép lại rồi gửi đăng trên Tạp chí Thơ rồi.

 

 

Đây là bản thảo trường ca của Lưu Quang Vũ?

Đây chỉ là một trong nhiều tập bản thảo của anh Vũ để lại. Đề trường ca vậy thôi nhưng chưa chắc đã phải thế. Kiểu như anh đề truyện ngắn nhưng trong đó lại là làm thơ.

Em đã lục hết báo Văn nghệ năm 1979, không có thơ Lưu Quang Vũ. Còn văn xuôi Lưu Quang Vũ nhiều bài viết về chiến tranh biên giới phía Bắc. Hay bài thơ này đăng báo năm 1978?

Không. Phải sau đấy. Có thể bài thơ Tiếng Việt viết khoảng năm 1983-1984.

Có một chi tiết bạn đọc cứ thắc mắc: Trả lời Báo NNVN, chị nói bản gốc là “Đất cày” nhưng bút tích công bố trên Báo điện tử Dân Việt lại là “bùn”?

Nếu mà thế thì một là em nghe không rõ, hai là chị nói nhầm vì chị nghe qua điện thoại.

Qua điện thoại, chị có nói về hai chỗ biên tập sửa là “đất cày” thành “như bùn” và “xót xa tình” thành “ân tình”. Em cũng đã đối chiếu với các bản in trong Tuyển thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, NXB Hội Nhà văn – Cty Văn hóa Nhã Nam thì bản in năm 2010 vẫn để câu cuối “Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”. Phải đến bản in lần thứ 3 năm 2013 câu kết này mới được chị sửa thành “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình”. Còn câu thơ gây tranh cãi khi mang vào Đề thi Ngữ văn 2016 vẫn là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”.

Để chị kiểm tra lại. [Mở tủ, lấy bản in Tuyển thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” (2010)]. Đúng là chị vẫn chưa đổi, câu cuối vẫn là “ân tình”.

Cho nên nửa đêm TS. Trần Thiện Khanh (Viện Văn học) đã dựng em dậy nêu thắc mắc là em nói ngược về chữ “ân tình” này. Em phải gửi cho TS. Trần Thiện Khanh bản in 2013 chị đổi “xót xa tình”. Cả hai bản này chị vẫn dùng “đất cày” trong câu thơ gây tranh cãi.

 

 

Qua điện thoại, có thể chị bị nhầm. Có hai người thân nhất với anh Vũ là chị và cháu Lưu Minh Vũ đều biết ngay câu thơ gốc của anh là “bùn”.

Bản thân chị cũng nghĩ đất cày có khi nó hay hơn, nó đẹp hơn. Anh Vũ bảo không, không phải vấn đề đẹp. Bùn, theo anh, là anh thích hơn. Bởi vì anh quan niệm bùn khác với mọi người. Mọi người hay nghĩ đến “bùn lầy nước đọng”, rồi “hôi tanh mùi bùn”. Quan niệm của anh Vũ khác. Ngay từ hồi bé đã rất khác, anh hay lật ngược lại vấn đề, anh khác người lắm. Nhật ký Lưu Quang Vũ viết những cái rất khác rồi.

Anh Vũ quan niệm như thế, anh ấy rất thích và ngay trong bài Tiếng Việt này có hình ảnh rất dễ thương ngay khổ đầu tiên “Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm”. Thật ra đấy là một câu thơ nguyên vẹn của bố chị, nhà thơ Lưu Quang Thuận, mà anh Vũ lấy lại. Câu này, PGS.TS Vũ Văn Sỹ nói với chị: “Chính ra Lưu Quang Vũ hiện đại hơn cụ Lưu Quang Thuận thôi chứ anh Vũ ảnh hưởng cụ Thuận lắm. Chẳng hạn như hình ảnh rất hay trong bài Tiếng Việt là anh Vũ lấy y sì trong bài thơ của cụ Lưu Quang Thuận”. Chị về xem lại thì đúng thế thật.

Không riêng thơ Lưu Quang Vũ, ngay trong kịch bản cũng có những văn bản khác nhau. Vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, tùy theo văn bản in, hai cái kết khác nhau. Trước đây chị cũng hơi lơ mơ, sau này mới bắt đầu có ý thức văn bản.

Trong tiềm thức, trong vô thức nào đó thì chị vẫn thích “đất cày” hơn “bùn”?

Chị biết ngay từ đầu anh Vũ viết là “bùn”. Nhưng khi thấy “đất cày” thì chị nghĩ là nó đẹp hơn và nó cũng gần với bùn đất, quen thuộc, thân thuộc. Nghe thì “đất cày” rất đẹp. Đó là theo tư duy thông thường.

Như luống cày, như đất cày hồn hậu lạ, trong thơ Lưu Quang Vũ cũng có. Có lẽ trong ý nghĩ của mình là vậy cho nên chị không sửa một cách quyết liệt với các bản in sau này. Thậm chí “đất cày” nó thích hợp hơn theo mạch của thơ. Nhưng ý đồ của anh Vũ, của tác giả thì mình phải rất là tôn trọng.

Đọc câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”, anh Hoàng Nhuận Cầm còn phải thốt lên: “Đấy mới là Lưu Quang Vũ”. Anh Hoàng Nhuận Cầm có thể nói là người mê và thuộc bài thơ “Tiếng Việt” nhất. Nghe nói em có một bản nữa cũng “như bùn và như lụa” à?

Vâng. Ngoài bản in năm 1985 của NXB Giáo dục ra, còn bản in bổ sung và sửa chữa cũng của NXB Giáo dục năm 1987. Hai bản in này, Lưu Quang Vũ vẫn còn. Có nhà văn còn nêu nghi vấn bản thảo thơ mà sao sạch sẽ thế, cứ như là thánh nhập vào ngòi bút?

 

PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Cười). Không phải sạch sẽ hết cả đâu. Khổ thứ 9 trong bài có câu “Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng”, vẫn còn bút tích anh Vũ sửa. Ban đầu câu thơ là “Tiếng đau buốt lòng trai nên ngọc sáng”. Anh Vũ đã sửa “đau buốt” thành “thao thức”, đã sửa “nên ngọc sáng” thành “ôm ngọc sáng”.

Hồi đấy, “bùn” hay “đất cày” thì anh Vũ không đau đáu nhiều như hai chỗ biên tập sửa khác. Đau đáu nhất là “Một đảo nhỏ xa xôi nhiều kẻ nhận” và “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình”. Nhất là “Một đảo nhỏ xa xôi nhiều kẻ nhận” thì hồi đó dứt khoát không cho in.

Bây giờ xem kỹ lại bản bút tích mới thấy trong bản in không có phần chú thích dẫn thơ Xuân Quỳnh nên chị cũng hơi ân hận đây này. Khổ 13, câu cuối “Ai người sau nói tiếp những lời yêu”, anh Vũ có chú thích thêm câu thơ của chị Quỳnh: “Tiếng yêu của những ngày xưa/ Vượt qua năm tháng bây giờ đến ta”. Sắp tới chị sẽ phải tìm cách đưa đầy đủ bài thơ đến với bạn đọc.

 

Như vậy là câu chuyện biên tập can thiệp vào bản thảo cũng thú vị phải không chị?

Hồi đấy chị Xuân Quỳnh, anh Lưu Quang Vũ và anh Phạm Tiến Duật thân nhau. Chắc chắn phải được anh Lưu Quang Vũ đồng ý thì anh Duật mới sửa. Có thể anh Duật khuyên anh Vũ bỏ đi, hoặc anh Duật sửa rồi hỏi anh Vũ như thế này có được không? Có thể anh Vũ cũng đã nghe để bài thơ ra đời.

Sau này có điều kiện sẽ phục nguyên.

Ngay bài “Tự hát” của chị Xuân Quỳnh có câu “Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh” mà mãi không in được chữ “lạc loài”.

Một số ý kiến cho rằng Đề thi Ngữ văn sai sẽ gây hoang mang cho thí sinh.

Không có gì phải hoang mang cả. Đề ra là “như bùn” thì ba-rem cho điểm vẫn trên ngữ liệu “như bùn” chứ.

Xin cám ơn những chia sẻ của chị!

Xem thêm
Mãn nhãn với ‘Huyền sử Yết Kiêu’ phục vụ Tết Nguyên đán

TP.HCM Vở múa rối nước ‘Huyền sử Yết Kiêu’ vừa được Nhà hát nghệ thuật Phương Nam tổ chức phúc khảo tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM nhằm chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2025.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.