| Hotline: 0983.970.780

Mưa lớn nhấn chìm hàng ngàn ha lúa

Thứ Ba 18/09/2012 , 09:50 (GMT+7)

Mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều ngày qua đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL.

Mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều ngày qua đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Hàng trăm ha lúa thu đông (TĐ) gieo sạ trễ, lúa mùa cấy trên nền đất nuôi tôm bị ngập úng, mất trắng. Hàng ngàn ha lúa TĐ đang thu hoạch bị đổ ngã, ngập ngủm, không thể thu hoạch bằng máy khiến chi phí gấp 2, 3 lần.

Gieo sạ trễ, mất trắng

Mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường đã làm cho mực nước dâng cao ở nhiều địa phương, nhất là những vùng ven biển. Nhiều nơi do chưa có hệ thống đê bao hoàn chỉnh nên người dân không thể bơm rút nước ra cứu lúa. Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang… đã có hàng ngàn ha lúa TĐ bị ảnh hưởng, lúa gần thu hoạch thì bị đổ ngã, ảnh hưởng đến năng suất, còn lúa ở giai đoạn mạ thì ngập úng, chết trắng.


Dù nước còn rất lớn nhưng nông dân An Minh, Kiên Giang vẫn phải đưa mạ xuống cấy vì đã quá lứa

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, mưa lũ kéo dài những ngày qua, kết hợp với triều cường đã làm cho hàng trăm ha lúa TĐ gieo sạ trễ trên địa bàn tỉnh bị ngập úng. Trong đó bị thiệt hại nặng nhất là huyện Long Mỹ. Theo khảo sát sơ bộ, toàn huyện có khoảng 500 ha lúa TĐ mới gieo sạ bị ảnh hưởng và đã có trên 150 ha thuộc địa bàn các xã Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A và Lương Tâm bị mất trắng hoàn toàn, buộc phải gieo sạ lại. Hiện ngoài nỗ lực bơm rút nước cứu lúa của người dân, ngành nông nghiệp cũng chưa có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ những hộ bị thiệt hại.

Tại Kiên Giang, hơn 65.000 ha lúa mùa gieo cấy trên nền đất nuôi tôm ở các huyện vùng U Minh Thượng cũng bị ảnh hưởng. Mạ đã tới lứa nhưng nhiều hộ vẫn chưa dám nhổ xuống cấy vì sợ bị ngập úng. Các hộ vừa cấy xong thì lúc nào cũng túc trực 1, 2 chiếc máy tại máng bơm để rút nước ra.

Ông Lê Hồng Lữ, ở xã Thuận Hòa, An Minh, Kiên Giang nói như than: “Không biết có ảnh hưởng bão lũ ở đâu không mà trời mưa dữ quá, cả chục ngày rồi vẫn chưa dứt. Gần 3 ha lúa mới cấy xong chỉ qua một đêm mưa là không thấy cây lúa đâu nữa. Tôi phải sử dụng vừa máy dầu vừa môtơ điện để rút nước ra chống úng, cứu lúa. Bơm được vài ngày thì môtơ bị cháy, giờ chỉ còn lại chiếc máy dầu phải chạy hết công suất. Cứ qua 1 đêm mưa là mỗi ha phải bơm 4-5 lít dầu, hơn 10 ngày nay ngày nào cũng phải bơm, riêng khoản tiền dầu đã lên đến gần 4 triệu đồng rồi”.

Cách nhà ông Lữ không xa, ông Huỳnh Văn Khoa đang cùng mấy người hàng xóm hì hục kê cao chiếc máy dầu D12 lên vì đã bị nước nhấn chìm hơn phân nửa. Ông Khoa cho biết: “Tui đã hai lần bơm nước ra nhưng vẫn chưa thể đưa mạ xuống cấy. Vì cứ bơm chưa kịp cạn thì trời lại đổ mưa như trút. Vụ này tui làm giống ST5, là giống lúa ngắn ngày, đúng ra mạ 10-15 ngày là phải cấy, nhưng đến nay mạ đã gần 20 ngày rồi vẫn chưa cấy được. Để lâu nữa sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây lúa, làm giảm năng suất”.

Đi dọc theo các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đâu đâu cũng thấy mạ xanh bờ, cao ngang đầu gối nhưng chưa thể đưa xuống cấy. Tiếng máy bơm rút nước chống úng cho mạ vừa mới cấy lúc nào cũng rền vang. Vùng này sản xuất lúa chủ yếu lệ thuộc vào nước trời, năm nào nắng hạn thì không có nước rửa mặn. Nhưng gặp cảnh mưa nhiều thì lại bị ngập úng vì không có nơi tiêu thoát nước.

Đội chi phí

Trong khi những vùng gieo, cấy trễ lúa chưa kịp lên thì ở những nơi làm sớm, lúa TĐ đã chín vàng đồng. Mưa lớn kèm dông lốc đã làm lúa bị đổ rạp, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng gạo và đặc biệt là chi phí thu hoạch bị đội lên rất cao do phải thu hoạch bằng tay.

Ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, theo kế hoạch vụ TĐ năm nay toàn tỉnh sẽ gieo sạ 61.000 ha, nhưng đến nay nông dân đã xuống giống lên đến 69.000 ha. Điều đáng lo ngại là có hàng ngàn ha nằm ngoài vùng quy hoạch, tập trung ở vùng rốn lũ của Tứ giác Long Xuyên gồm các huyện Hòn Đất, Giang Thành và TP Rạch Giá.

Những diện tích này hoàn toàn không có hệ thống đê bao bảo vệ nên lúa rất dễ bị mưa, lũ nhấn chìm. Nếu nông dân tự làm đê bao thì chi phí đội lên rất cao, sẽ không còn lãi.

Theo ông Đời, mưa lớn đã làm nhiều diện tích lúa TĐ của tỉnh Hậu Giang bị đổ ngã. Tuy không bị ảnh hưởng nhiều về năng suất do hạt lúa đã chín nhưng làm chi phí thu hoạch tăng rất cao. Giá công cắt tay thường cao gấp 2, 3 lần công cắt máy. Lúc này Hậu Giang đang vào mùa vụ thu hoạch mía nên rất hiếm lao động thủ công, do đó giá công cắt càng bị đẩy lên cao.

Nhiều hộ nông dân cho biết, để mướn được thợ cắt có khi phải đặt cọc trước mấy ngày, tùy lúa bị đổ nhiều hay ít mà thợ cắt tự ra giá. Ruộng cạn nước, lúa bị đổ ít thì giá 400.000 đồng/công, còn đổ rạp hoàn toàn lên đến 500.000 đồng/công, cao hơn nhiều so với cắt máy.

Tương tự, nhiều hộ nông dân Kiên Giang cũng đang mất ăn mất ngủ vì không kiếm đâu ra thợ cắt lúa. Trong tổng số 20.500 ha lúa TĐ của huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) nông dân mới thu hoạch được hơn 5.000 ha, diện tích còn lại sẽ thu hoạch trong tháng 9, đầu tháng 10. Mưa lớn những ngày qua đã làm lúa bị đổ ngã khá nhiều.

Ông Trần Văn Thi, ở xã Thạnh Đông B có 3 ha lúa bị mưa làm đổ rạp, ngậm ngùi: “Lúa chỉ còn vài ngày nữa là thu hoạch thì gặp mưa lớn. Lúa đổ đã đành, nước trong ruộng lại dâng lên khiến máy cắt không thể hoạt động được. Chủ máy thấy vậy xin rút lui, cả nhà cuống cuồng đi kiếm thợ cắt. Giá cắt máy chỉ 200.000 đồng/công, còn cắt tay lên đến 500.000 đồng/công. Dù lúa đang có giá nhưng do cắt tay nên thương lái chê (lúa bị ngâm nước nên vỏ đen) không mua lúa tươi. Vậy là phải tốn thêm tiền mang đi sấy nữa. Tính ra mỗi ha chi phí bị đội lên thêm gần 3 triệu đồng nên còn lãi chẳng được là bao”.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm