| Hotline: 0983.970.780

Cúm gia cầm ở ĐBSCL: Trên trời, dưới đất đều nguy cơ cao

Thứ Năm 25/04/2013 , 10:06 (GMT+7)

Tình hình dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát ở các tỉnh, thành ĐBSCL khi một số địa phương đã phát hiện ổ dịch, đồng thời các mẫu xét nghiệm gia cầm bày bán tại chợ có tỷ lệ dương tính với cúm A/H5N1 rất cao.

Tình hình dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát ở các tỉnh, thành ĐBSCL khi một số địa phương đã phát hiện ổ dịch, đồng thời các mẫu xét nghiệm gia cầm bày bán tại chợ có tỷ lệ dương tính với cúm A/H5N1 rất cao. Trong khi đó, nhiều nơi nhà nuôi chim yến tự phát tồn tại ngay giữa đô thị, khu dân cư đông đúc nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn.

Phập phồng tuyến biên giới

Ông Lê Minh Đức, GĐ Sở NN-PTNT Long An cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có một người (ở xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) bị nhiễm virus H5N1, nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên sức khỏe bệnh nhân cải thiện tốt. Hiện ngành chức năng đang khẩn trương xử lý ổ dịch.

Lo ngại lớn nhất hiện nay ở Long An là đàn gia cầm nuôi trong dân rất lớn, khoảng 12 triệu con, nhưng quy mô nuôi nhỏ lẻ, phân tán nên rất khó quản lý và dễ phát sinh dịch bệnh. Tỉnh lại có tuyến biên giới tiếp giáp Campuchia khá dài, trong khi bên nước bạn tình hình cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp. Ông Đức cho biết, sau khi Campuchia thông báo xảy ra cúm gia cầm, tỉnh đã chỉ đạo 5 huyện biên giới tiếp giáp với nước này tiến hành tiêm phòng toàn bộ đàn gia cầm. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm qua lại biên giới, kiên quyết xử lý trường hợp buôn bán gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc.

Hiện Long An đã thành lập nhiều xe lưu động đi các xã để tuyên truyền người dân ý thức phòng chống cúm gia cầm. Trong tình hình nhạy cảm như hiện nay mọi người nên hết sức cẩn trọng, không được chủ quan, tuyệt đối không sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Ở nước ta tuy chưa phát hiện cúm A/H7N9, nhưng đây đang trở thành mối lo ngại chung bởi đặc thù độc tính cao, khả năng gây tử vong lớn của chủng virus này.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 5 cửa khẩu tiếp giáp với Campuchia. Từ khi nước bạn bùng phát dịch cúm A/H5N1, công tác kiểm soát gia cầm qua biên giới được triển khai quyết liệt. Tại mỗi cửa khẩu, lực lượng liên ngành gồm thú y, biên phòng, hải quan, y tế luôn túc trực để ứng phó. Hiện tại, tình hình đang diễn ra khá ổn định, chưa có ổ cúm nào xảy ra ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm các mẫu gia cầm bày bán ở các chợ rất đáng quan ngại. Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Tháp cho biết, có đến 24/72 mẫu swab gộp xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1. Trong đó, chợ thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông có mẫu dương tính cao nhất chiếm tỷ lệ 75%. Khó khăn nhất hiện nay là ý thức người dân trong phòng chống dịch cúm còn rất thấp, khi nào có dịch bệnh xảy ra mới chịu tiêm phòng.


Các mẫu xét nghiệm gia cầm bày bán tại các chợ bị nhiễm cúm A/H5N1 rất cao

Bên cạnh đó, phương thức chăn nuôi của người dân còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, rất khó quản lý và kiểm soát nên dịch bệnh rất dễ lây lan. Vừa qua, dự án Vahip (dự án phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm người và dự phòng đại dịch cúm ở Việt Nam do Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế phối hợp thực hiện) đã tiến hành xét nghiệm đối với 36 mẫu gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có 5 mẫu dương tính với virus H5N1. Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm lan rộng, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các địa phương và cơ quan thú y phối hợp đẩy mạnh tiêm phòng đàn gia cầm, siết chặt quản lý buôn bán, vận chuyển, giết mổ… gia cầm trên địa bàn; nhất là khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia. UBND tỉnh cấp kinh phí mua 10 triệu liều văcxin để đảm bảo nhu cầu tiêm phòng, trong đó, có 3.000.000 liều trong kế hoạch và 7.000.000 liều bổ sung. Đồng thời tổ chức xét nghiệm ngay đối với các trường hợp nghi vấn, không để dịch bệnh lây lan.

Đến nay cán bộ thú y tỉnh đã tiêm phòng cho 268.798 con gà, đạt tỉ lệ 58,8% tổng đàn; 1.890.296 con vịt mũi 1, đạt tỉ lệ 77,05% tổng đàn; 385.043 con vịt mũi 2, đạt tỉ lệ 73,41% tổng đàn. Ngoài ra, Chi cục Thú y đã cấp phát trên 15.000 lít Benkocid cho người dân để phun xịt, tiêu độc khử trùng ở những nơi công cộng, chuồng trại. Đối với những nơi đã xuất hiện các trường hợp dương tính với cúm A/H5N1, ngành thú y cũng thường xuyên tổ chức giám sát ổ dịch tại các khu chợ, tiến hành theo dõi sức khỏe người dân. Về cơ bản, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm đã được kiểm soát chặt chẽ... Hiện lượng văcxin đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêm phòng đàn gia cầm của tỉnh.

Tại Kiên Giang, từ đầu năm đến nay cơ quan chức năng đã phát hiện và tiêu hủy 2 ổ dịch cúm gia cầm H5N1, đều trên đàn gà ở một trại chăn nuôi thuộc huyện Hòn Đất và hộ dân ở huyện Giồng Riềng. Điều đáng nói là cả 2 đàn gà nói trên đều không được tiêm phòng văcxin theo quy định. Ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kiên Giang cho biết, nguyên nhân là do người chăn nuôi khi phát triển đàn không khai báo với cán bộ thú y cơ sở để được tiêm phòng dẫn đến xảy ra dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Đức, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gà của Kiên Giang hiện nay rất thấp, chỉ đạt 25 - 30%, còn đàn vịt đạt khoảng 85%. Hiện tổng đàn gia cầm của Kiên Giang khoảng 5 triệu con (đàn vịt chiếm trên 3 triệu con), giảm 0,5 triệu con so với thời điểm đầu năm. Từ đầu năm đến nay Chi cục Thú y tỉnh đã tiêm phòng bổ sung được 1,5 triệu liều, đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới với Campuchia, đặc biệt là tại 2 cửa khẩu Hà Tiên và Giang Thành.

Nỗi lo chim yến nuôi

Bên cạnh nỗi lo dịch bệnh xảy ra trên đàn gia cầm, người dân còn bất an với rất nhiều nhà nuôi chim yến tồn tại ngay trong khu dân cư. Bà Nguyễn Thị Nga, ở khu dân cư An Hòa, phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang, bức xúc: “Không hiểu sao ngay khu dân cư mà người ta vẫn có thể vô tư xây nhà dẫn dụ chim yến để nuôi. Hàng ngày người dân ở đây phải sống chung với đàn chim, vừa bị ô nhiễm tiếng ồn do máy gọi chim réo suốt ngày vừa phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc từ phân chim. Bây giờ nghe nói chim yến cũng bị nhiễm cúm A/H5N1 nên bà con rất lo, không dám cho trẻ ra đường chơi vì sợ chúng tiếp xúc với phân chim”.


Khu dân cư An Hòa hiện có đến 3 nhà nuôi chim yến chỉ cách nhau vài chục m và nằm xen kẽ với nhà dân

Ông Nguyễn Thành Đức cho biết, thống kê sơ bộ toàn tỉnh Kiên Giang hiện có khoảng 159 nhà nuôi chim yến, trong đó riêng địa bàn TP Rạch Giá là 95 nhà. Có những nơi nhà nuôi chim yến chỉ cách nhau vài chục mét và nằm sát vách với nhà dân. Nguy hiểm hơn nữa là người theo dõi đàn, khai thác và chế biến tổ yến thường xuyên tiếp xúc với chim yến, các chất thải của chúng nhưng không có bảo hộ cá nhân phù hợp dẫn đến nguy cơ bị lây nhiễm cúm gia cầm rất cao. Khó khăn hiện nay là chưa có quy định cụ thể về việc nuôi và quản lý đàn chim yến nên nhà nuôi chim yến hầu hết là tự phát, không theo một quy hoạch nào.

Hiện chính quyền tỉnh Kiên Giang chỉ không khuyến khích việc nuôi chim yến ở khu dân cư, khu đô thị, nơi công cộng… chứ không cấm. Vì vậy mà nhà nuôi chim yến vẫn mọc ngay giữa khu dân cư bất chấp sự bức xúc của người dân. Ngành chức năng cũng chưa tiến hành lấy mẫu chim yến để xét nghiệm nên người dân sống gần nhà nuôi yến luôn phập phồng lo sợ không biết chúng có mang mầm bệnh hay không.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL như TP Bạc Liêu (Bạc Liêu), TP Tân An (Long An)… khiến nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao. Ông Lê Minh Đức, GĐ Sở NN-PTNT Long An cho biết, kết quả xét nghiệm đàn chim yến ở TP Tân An đều âm tính với cúm gia cầm. Tuy nhiên, tỉnh đang tích cực vận động những hộ nuôi chim yến nhanh chóng di dời đàn chim ra khỏi nội ô. Để an toàn cho người dân yên tâm sinh sống, ông Đức đề nghị UBND tỉnh cần có biện pháp mạnh để sớm di dời các hộ nuôi chim yến ra khỏi khu dân cư nhằm đề phòng sự lây lan virus H5N1, chứ không chỉ khuyến khích chung chung như hiện nay được.

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động

Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sạt lở vùi lấp 3 người trong một gia đình

Bắc Kạn Đất đá từ ta luy dương bất ngờ sạt lở xuống một ngôi nhà khiến 3 người trong gia đình bị vùi lấp, hiện chưa tìm thấy.