| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm nguyên nhân cá chết tại Thanh Hóa: [Bài 2] Truy tìm điểm xả thải

Thứ Tư 22/05/2024 , 07:15 (GMT+7)

Thật bất ngờ, thời điểm cá chết trùng với thời điểm dòng nước từ suối Xia (Mai Châu, Hòa Bình) đổ ra sông Mã sủi bọt và có màu đen kịt.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên

Bài liên quan

Từ phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại thượng lưu sông Mã, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam ngược dòng lên xã Phú Thanh (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa). Đây là điểm tiếp giáp với cửa suối Xia thuộc xã Vạn Mai (Mai Châu, Hòa Bình) - nơi được cho là khởi phát của nguồn nước thải có màu đen.

Ông H.V.N, một hộ dân sống bằng nghề thuyền chài tại bản Páng, xã Phú Thanh (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) cho biết: “Có thời điểm phía bên kia bờ sông Mã, nước suối Xia (thuộc địa phận xã Vạn Mai, Mai Châu, Hòa Bình) đổ ra sông có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. Mùa mưa còn đỡ, chứ vào mùa khô, các anh mà đến cửa suối thì không thể thở nổi".

Nước từ suối Xia đen kịt, nổi bọt đổ thẳng ra sông Mã khiến dòng sông bị đổi màu (ảnh chụp chiều ngày 25/4). 

Nước từ suối Xia đen kịt, nổi bọt đổ thẳng ra sông Mã khiến dòng sông bị đổi màu (ảnh chụp chiều ngày 25/4). 

Cũng theo ông N, cách đây chưa lâu, người dân phát hiện cá tự nhiên chết ở dọc sông Mã dạt vào bờ tại địa phận xã Phú Thanh (huyện Quan Hóa). Tuy nhiên, điều bất thường là cá chỉ chết phía hạ lưu (phía dưới cửa suối - điểm tiếp giáp với sông Mã), còn phía thượng lưu sông Mã (phía trên cửa suối - điểm tiếp giáp sông Mã) không ghi nhận hiện tượng cá chết. Ngoài ra, có thời điểm trên dòng xuối Xia xuất hiện xác chết động vật, nước thải sản xuất, sinh hoạt đổ ra sông khiến sông Mã bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo phản ánh của người dân, cách đây không lâu, nước suối Xia bị ô nhiễm tới mức đóng váng màu đen, dính vào lưới, ngư cụ của người dân gây hư hỏng và không thể tái sử dụng. 

Tại khu vực cầu suối Xia (xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, Hòa Bình), suốt thời gian dài, người dân đã theo dõi, thu nhập chứng cứ và cung cấp cho phóng viên tư liệu về tình trạng ô nhiễm môi trường tại con suối này (đoạn cửa suối chảy ra sông Mã). Theo đó, chiều ngày 25/4, người dân ghi lại cảnh dòng suối Xia có màu đen, bốc mùi hôi thối, mặt nước sủi bọt, lẫn màng nhớt bám bề mặt nước đổ thẳng ra sông Mã với khối lượng lớn.

Tại cửa suối Xia được bố trí 2 thanh tre khớp nối thành hình tam giác nhằm ngăn chặn bọt phát tán ra diện rộng. Cũng theo phản ánh, đây không phải là lần đầu tiên người dân chứng kiến cảnh nước sông Mã bị đổi màu bất thường bắt nguồn từ suối Xia (khu vực thượng lưu sông Mã). Tới ngày 18/5, tình trạng nước xuối Xia được cải thiện một phần, nhưng có màu sẫm và nổi váng bọt.

Ngày 3/5, người dân tại xóm Khán, xã Vạn Mai (huyện Mai Châu, Hòa Bình) quay được cảnh suối Xia nhuốm màu đen, nổi bọt. Ảnh: CTV.

Ngày 3/5, người dân tại xóm Khán, xã Vạn Mai (huyện Mai Châu, Hòa Bình) quay được cảnh suối Xia nhuốm màu đen, nổi bọt. Ảnh: CTV.

Điều trùng hợp là, thời điểm người dân quay được clip nước suối Xia có màu màu đen, bốc mùi hôi thối trùng với thời điểm cá lồng trên sông Mã chết đồng loạt tại huyện Bá Thước với khối lượng lớn hơn 12,6 tấn, tại 215 lồng và 162 hộ dân bị thiệt hại.

Cũng tại khu vực suối Xia, ngày 3/5, người dân xóm Khán (xã Vạn Mai, Mai Châu, Hòa Bình) tiếp tục ghi lại cảnh nước suối Xia có màu đen, nổi váng bọt, có mùi khó chịu đang chảy ra sông Mã. Cùng thời điểm này, khu vực dọc sông Mã (cụ thể là lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 thuộc địa bàn các xã Điền Lư và Lương Ngoại, huyện Bá Thước) người dân chứng kiến nước ở khu vực hồ thủy điện rộng hàng chục ha phủ một màu đen kịt, hôi tanh. Dọc bờ hồ thủy điện, hàng chục gia đình nhiều tuần qua mất ăn mất ngủ, thay nhau canh trực bơm nước từ suối, ao phía ngoài vào các lồng cá để tạo oxy nhằm cứu vớt những con cá cuối cùng.

Ai là "thủ phạm?

Ông K.V.T (xóm Khán, xã Vạn Mai, Mai Châu, Hòa Bình) - người dân sống cạnh suối Xia cho biết, tình trạng ô nhiễm suối Xia đoạn chạy qua địa phận xã bắt đầu tái diễn trong thời gian gần đây.

“Gia đình tôi không mấy khi được hít thở không khí trong lành. Có thời điểm mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ suối Xia, người dân phải đóng cửa kín mít, hoặc bịt khẩu trang để ngủ. Mỗi khi có mưa lớn thì dòng suối nước chuyển sang màu đen, vẩn đục, có những lúc bốc lên mùi hôi rất khó ngửi, bà con sống dọc suối nghi ngờ một số công ty nằm cạnh suối Xia xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường”, ông K.V.T cho biết.

Người dân cũng nghi ngờ thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước khiến cá lồng và cá tự nhiên tại các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy chết bất thường xuất phát từ việc xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý của một số nhà máy chế biến đóng chân trên địa bàn xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Khu vực chứa bột thải của Nhà máy sản xuất bột giấy Hapaco Đông Bắc nằm sát suối Xia không được che đậy và rào chắn. Ảnh: Quốc Toản.

Khu vực chứa bột thải của Nhà máy sản xuất bột giấy Hapaco Đông Bắc nằm sát suối Xia không được che đậy và rào chắn. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo phản ánh của người dân, tại khu vực suối Xia cách đây vài năm, đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã bắt quả tang Nhà máy sản xuất bột giấy Hapaco Đông Bắc (xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, Hòa Bình) xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Sau lần kiểm tra đó, người dân tiếp tục phát hiện tình trạng suối Xia có màu đen, váng bọt, nhưng chưa rõ thủ phạm là ai.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã ghi nhận thực tế hoạt động tại Nhà máy sản xuất bột giấy Hapaco Đông Bắc để làm rõ việc chấp hành pháp luật môi trường từ hoạt động của cơ sở này. Tại đây, doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải với hàng chục bể chứa, lắng lọc và đường ống dẫn nước thải đã qua xử lý cắm xuống lòng sông. Doanh nghiệp này cũng được cấp phép xả nước thải ra môi trường với tiêu chuẩn nước thải cột B.

Tuy nhiên ghi nhận tại hiện trường cho thấy, khu vực chứa bột thải đã qua xử lý nằm sát khu vực suối Xia không được che đậy và rào chắn. Gần khu vực ao chứa bột thải nằm cạnh bờ suối Xia xuất hiện đường ống dài gần 10m nhưng không phát hiện có điểm đấu nối nguồn thải, không ghi nhận hiện tượng xả thải. Tại sổ theo dõi vận hành khu xử lý nước thải ghi nhận doanh nghiệp đều đặt xả nước thải ra sông Xia trung bình khoảng 20 - 30m3/ngày. Tuy nhiên, việc kiểm chứng chất lượng nguồn thải cần được cơ quan chuyên môn đánh giá cụ thể.

Gần khu vực ao chứa bột thải nằm cạnh nằm bờ sông Xia xuất hiện đường ống rời dài gần 10m, tuy nhiên không ghi nhận điểm đấu nối của đường ống với khu vực ao chứa bột thải. Ảnh: Quốc Toản.

Gần khu vực ao chứa bột thải nằm cạnh nằm bờ sông Xia xuất hiện đường ống rời dài gần 10m, tuy nhiên không ghi nhận điểm đấu nối của đường ống với khu vực ao chứa bột thải. Ảnh: Quốc Toản.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Hậu - Giám đốc Hapaco Đông Bắc cho biết, về nguyên lý, quá trình hoạt động nhà máy không thể tránh khỏi mùi nếu bột giấy chưa được xử lý kịp thời bằng các chế phẩm. Tuy nhiên ông Hậu phủ nhận cáo buộc liên quan tới việc nhà máy xả thải gây ô nhiễm nguồn nước suối Xia.

Cũng liên quan tới vụ việc trên, trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu (Hòa Bình) cho biết, sẽ cho kiểm tra thông tin phản ánh của người dân về tình trạng nước thải suối Xia và sớm phản hồi tới Báo.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất