| Hotline: 0983.970.780

"Bí ẩn" thanh tra phân bón

Thứ Hai 03/06/2013 , 08:11 (GMT+7)

Sản xuất, kinh doanh phân bón luôn bát nháo, thanh tra ngành NN- PTNT mỗi năm có “trảm” 1-2 lần nhưng kết quả xử lý thế nào rất ít người biết, báo cáo thì chung chung kiểu “ngại” đụng chạm đến DN. Tại sao vậy?

Sản xuất, kinh doanh phân bón luôn bát nháo, thanh tra ngành NN- PTNT mỗi năm có “trảm” 1-2 lần nhưng kết quả xử lý thế nào rất ít người biết, báo cáo thì chung chung kiểu “ngại” đụng chạm đến DN. Tại sao vậy?

Tại tỉnh Đồng Nai với khoảng 40 cơ sở SX kinh doanh phân bón và trên dưới 80 đại lý buôn bán vật tư nông nghiệp (VTNN) nhưng mỗi năm chỉ có 1 đợt thanh tra chuyên ngành (do Thanh tra Sở NN-PTNT chủ trì) kiểm tra chất lượng phân bón. Cứ mỗi đợt kéo dài mất 1,5-2 tháng bao gồm việc xây dựng kế hoạch, tập trung nhân sự (công an, QLTT), công bố quyết định thành lập đoàn, đi kiểm tra DN và đại lý, lấy mẫu gửi đi phân tích.

Điều đáng nói là, sau quá trình thanh kiểm tra “rầm rộ” nhưng khi có kết quả thì việc thông tin các DN vi phạm và bị xử lý, xử phạt hành chính lại không được công bố rộng rãi mà chỉ giới hạn trong phạm vi “hẹp”. Ông Đặng Thế Dương, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Đồng Nai thừa nhận: “Theo luật là phải công bố rộng rãi, nhưng theo hình thức nào thì tùy vào mỗi địa phương. Tại Đồng Nai, lúc xử phạt chúng tôi treo thông báo tại cơ quan Sở và gửi cho đối tượng vi phạm” (!?).

Rõ ràng, với kiểu thông báo “hai trong một” như vậy thì chẳng khác gì “vừa đánh vừa xoa”. Chưa hết, trong báo cáo tổng kết thanh tra ngành NN-PTNT Đồng Nai năm 2012 do ông Phó Chánh thanh tra Đậu Trọng Bằng ký gửi Thanh tra Bộ NN-PTNT, là một văn bản pháp qui, dù có nói đến việc thanh tra theo kế hoạch các cơ sở kinh doanh phân bón nhưng lại không có một dòng chữ nào đề cập đến các DN vi phạm về lĩnh vực SXKD phân bón.


Các mẫu phân hữu cơ “Con dê”, “Hoa lư”... đang chào hàng ở một đại lý VTNN (Bến Cát, Bình Dương), trong khi chủ đại lý bán “thậm thụt” thì Thanh tra không chịu đến kiểm tra chất lượng cho nông dân nhờ

Trong khi đó, theo Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Đồng Nai Đặng Thế Dương thì cứ mỗi đợt thanh kiểm tra khoảng 10 cơ sở SXKD phân bón (trong đó có một vài đại lý) thì: “Nhất định phải có 1-2 “em” không đảm bảo tiêu chuẩn đăng ký chất lượng, có trường hợp xử phạt hành chính 30 triệu”.

Quả thật, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm 2012 tỉnh Đồng Nai đã xử phạt từ 20-75 triệu đối với 3 DN gồm Cty TNHH TM-SX DV Ba Lá Xanh (quận 11, TP.HCM) có nhà máy SX ở ấp 3, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, Long An SX phân giả; Cty TNHH Nông nghiệp An Phú Thịnh (quận 8, TP.HCM) bán phân hữu cơ vi sinh APT Mix-VS07 trên địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai kém chất lượng và Công ty TNHH TM-SX phân bón Phú An (ấp 5, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) bán chui sản phẩm phân bón không có trong danh mục được phép SX.

Đến đây, thử hỏi liệu một báo cáo phát hành công khai, trong đó có thanh tra phân bón nhưng số liệu không có, nội dung chung chung, “mơ hồ” thì cơ quan cấp trên tiếp nhận sẽ chỉ đạo bằng... cái gì?

Báo cáo tổng kết năm 2012 của Thanh tra Sở NN-PTNT Bà Rịa-Vũng Tàu, có nói rõ hơn là đã kiểm tra 123 cơ sở SXKD phân bón và phát hiện 8 cơ sở vi phạm, trong đó có 4 cơ sở KD phân bón không có trong danh mục, tịch thu 18 lít phân bón phức hợp cao cấp rong biển đậm đặc cho cây tiêu không có trong danh mục để tiêu hủy đúng theo quy định pháp luật, đặc biệt phát hiện 1 cơ sở KD phân bón không đảm bảo chất lượng và đề nghị UBND tỉnh xử lý...

Tuy nhiên, những DN vi phạm tên gì, có trụ sở ở đâu thì hoàn toàn không thấy nhắc đến.

Còn tại TP.HCM, tuy nhu cầu sử dụng phân bón tại chỗ không cao như các tỉnh khác nhưng số lượng DN đăng ký SX phân bón ở đây đứng vào hàng vô địch với con số lên đến gần 200 DN. Tuy nhiên, khi chúng tôi muốn thẩm định lại số lượng DN thì ông Vũ Hoài Nam, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT lẽ ra phải nắm rõ, nắm chắc vì trách nhiệm quản lý Nhà nước, trái lại, ông đá bóng sang trách nhiệm người khác.

 “Cái này phải hỏi bên phòng nông nghiệp, tôi không nhớ”, ông Nam nói. Chúng tôi hỏi tiếp: “Vậy anh có thể cho xin báo cáo thanh tra phân bón năm 2012 được không?”. “Năm nay chưa làm, còn năm 2012 cái này phải hỏi lại, cho mấy đứa cập nhật lại, chứ không nhớ được?”.

Có thể nói, gần như tất cả các câu hỏi của chúng tôi xung quanh vấn đề thanh tra phân bón đều được ông Nam trả lời như một điệp khúc “không biết, không nhớ”. Điều đáng nói là, báo cáo tổng kết thanh tra năm 2012 cũng không được lưu tại hồ sơ Văn phòng Sở. Ông Ngô Văn Tiến, Chánh Văn phòng nói: “Thanh tra sau khi có kết quả thì họ chỉ báo cáo cho GĐ, sau đó gửi về cho Thanh tra Bộ theo qui định, chứ họ không gửi cho VP nên tôi không nắm được”.

Trong khi Thanh tra Sở luôn nói “không nhớ, phải hỏi lại” thì tại TP.HCM vẫn luôn được đánh giá là một địa bàn khá phức tạp về SXKD phân bón. Điển hình là vụ việc công an bắt giam ông Nguyễn Văn Trỗi, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Trà Vinh ngày 17/5 vừa qua về tội nhận hối lộ của một vài DN, trong đó có 1 DN SX phân NPK kém chất lượng tại TP.HCM đưa xuống địa bàn tỉnh Trà Vinh tiêu thụ.

Mà không chỉ Trà Vinh, hiện nay ở các tỉnh phía Nam sau khi thanh tra phát hiện phân giả, phân kém chất lượng bán ra từ các đại lý ít nhiều đều có nguồn gốc từ TP.HCM.

 Đơn cử, vào đầu tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang xử phạt 3 DN đều ở TP.HCM gồm Cty TNHH SX-TM Việt Quốc Thịnh (Q.Tân Bình), Đại Trường Thành và Phú Điền (Q.Tân Phú) vi phạm SX phân bón kém chất lượng với mức xử phạt khá cao từ 40-45 triệu đồng. Không hiểu những vụ việc trên, ông Nam có “cập nhật” để mà “phòng ngừa” không?

Ông Văn Quốc N, GĐ một công ty SX phân NPK “cuốc xẻng” ở quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, có đợt công ty ông bị Thanh tra tỉnh T, lấy mẫu NPK 16-16-8 tại một đại lý huyện Châu Thành phát hiện kém chất lượng. Nói đúng ra, hàm lượng phân NPK thực tế của ông N, SX thấp hơn tiêu chuẩn đăng ký công bố trên bao bì khoảng 5-10% mỗi chỉ tiêu.

“Thanh tra phân bón là vấn đề “nhạy cảm” nên chúng tôi chỉ báo cáo lên cấp trên chứ không thông tin rộng rãi, trong đó có báo chí, kể cả báo ngành cũng vậy” (ông Phạm Văn Bông, nguyên Chánh Thanh tra, nay là PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương).

Sau khi được ông Chánh Thanh tra tỉnh T thông báo qua điện thoại, lập tức đích thân ông N đến làm việc. “Đây là giai đoạn mình phải trực tiếp “chạy thuốc” trước với thanh tra, nếu giao cho nhân viên làm việc thì hỏng hết việc bởi tụi nó không quyết được “chi phí”, còn chậm quá thì hồ sơ biên bản xử phạt “nó” đưa lên GĐ Sở, lúc đó chạy đằng trời!” - ông N tiết lộ “bí quyết”.

Ông Trần Thiện Lộc, GĐ Cty TNHH SX-TM Thiên Lộc chuyên SX phân hữu cơ (quận 7, TP.HCM) cho hay, hiện nay SX phân NPK đàng hoàng rất khó ăn do giá thành cao, từ 11.000 đ/kg trở lên nên nhiều DN ít vốn, “nợ xấu” ngân hàng chuyển qua SX phân hữu cơ vi sinh lời nhiều do giá thành rẻ, chỉ khoảng 2.000 đ/kg.

“Phân hữu cơ vi sinh với nguyên liệu chính là than bùn mua chưa đến 500 đ/kg, sau khi ủ men vi sinh Tricoderma, pha trộn thêm tí xíu N, P, K, đóng bao bì thật đẹp, quảng cáo thật ác, bán ra 3.500 đ/kg lãi gấp 1,7 lần so giá thành. Nếu bán được 1.000 tấn, sau khi trừ chi phí hoa hồng cho đại lý cũng bỏ túi ít nhất 1 tỷ. Nhưng nếu có bị thanh tra kiểm tra phát hiện phân hữu cơ không đạt chất lượng thì chi phí chạy chọt cũng ít hơn nhiều so với phân NPK dổm” - ông Lộc kết luận.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm