"Vẫn biết cấp dưới thì phải phục tùng cấp trên nhưng mà dân không ủng hộ, chính quyền cơ sở cũng chịu vì dân họ đúng thì phải đứng về phía họ mà đấu tranh", anh Tô Đình Hải, Phó bí thư Đảng ủy xã Tam Kim (Nguyên Bình, Cao Bằng).
>> Người khiến quỷ thần khiếp sợ
>> Bắc thang lên trời
>> Người thầy yếu chân trên đỉnh núi gió
Vàng cũng chẳng màng
Sông Nhiên thượng nguồn của sông Hiến chảy qua bản Um - Pác Háo (Tam Kim) nổi tiếng là lắm vàng. Dân bản địa khi cày ruộng, cuốc đất vẫn thỉnh thoảng thấy vàng. Lúc đầu, họ cũng bắt lòng tham tìm cách đào đãi thủ công, moi những hố vàng ven sông, ven bãi nhưng sau lại thấy lở ruộng nên không dám khai thác nữa.
Người cao tuổi trong bản bảo với tôi rằng bao đời nay ông cha họ thả vịt trên sông khi mổ những con vịt già thỉnh thoảng vẫn gặp vài vảy vàng to như hạt tấm lấp lánh trong mề. Để tránh sức hút mãnh liệt từ vàng, cả trăm năm nay người Tam Kim đề ra hương ước giữ cây, giữ ruộng, giữ rừng.
Hương ước ghi rằng dân bản sống nhờ đất, nhờ rừng, chết cũng gửi thân xác nhờ đất, nhờ rừng. Người sinh sôi nhưng đất không sinh sôi. Đất là của ông bà tổ tiên nên dù nghèo cũng phải giữ. Nếu ai trộm một cái cây của rừng không xin phép, đào lở một vạt đất ruộng của tiền nhân không đắp bồi đều phải kiểm điểm trước dân làng, phải nộp vạ bằng tiền, bằng 30 lít rượu, 30kg thịt lợn khao làng vào ngày hội lồng tồng đầu xuân (ngày hội xuống đồng - PV). Nếu người nào cố tình vi phạm tiếp sẽ không cho nhập vào cộng đồng làng xã, bị cô lập, cưới chẳng có người đến mừng, chết không có người đi khiêng, chẳng chóng thì chày phải bỏ xứ mà đi biệt.
Ăn theo phong trào đi tìm giấc mơ vàng thập niên 90 của thế kỷ trước, dân tứ xứ kéo về đen đặc cả vài ngàn người đào đãi, cày xới tung lòng sông Nhiên. Cũng có người trúng đậm cả cục, cả mạch vàng khiến các chủ bưởng, đại ca khét tiếng khắp nơi rầm rập đến Tam Kim đông như trẩy hội. Đám phu vàng về kéo theo sốt rét, chết dịch cộng với việc bị người dân bản địa xua đuổi quyết liệt, buộc chúng phải di dời. Mùa khô đến mùa mưa chúng lũ lượt đi, dưới dốc nước sông Nhiên đục ngầu sục sôi rều rác.
Anh Tô Đình Hải bên con sông Nhiên
Mấy năm vừa rồi giá vàng tăng vọt, khắp nơi lao vào cuộc đào đãi tận diệt môi trường nhưng dân bản Um - Pác Háo nhất định không làm. Một buổi khi đang thăm lúa trên đồng, người ta thấy có hai ô tô đỗ xuống bờ sông. Lố nhố một đám người cầm máy móc xuống đo đạc trong hai ngày liên tiếp. Những người này cũng không thèm qua chính quyền địa phương trình báo. Dân tò mò hỏi, họ bảo đang đo lại diện tích ruộng để cấp bìa đỏ. Đùng cái tựa “sét đánh ngang tai” đến tháng 1/2009, Tam Kim nhận được tin báo về quyết định của UBND tỉnh Cao Bằng đồng ý để Cty Cổ phần Chuyển giao Công nghệ Quốc tế ASEAN có trụ sở tận Hà Nội thuê gần 13ha đất ruộng tại bản Um - Pác Háo để khai thác vàng trong hai năm. Kèm theo quyết định đó là những lời hứa như rót mật về việc đền bù, hoàn thổ, tạo công ăn việc làm cho người dân sở tại…
"Cán bộ phải biết đứng phía dân"
Theo khảo sát mỏ vàng bản Um - Pắc Háo có trữ lượng khai thác 160kg, sản lượng mỗi năm cho 80kg, người dân bảo nhiều thì nhiều thật đấy nhưng không bõ để phá nát cánh đồng màu mỡ của ông cha?
Dân xóm Bắc Dài nhất định không chịu chấp nhận đánh đổi ruộng lấy tiền đền bù dù cho đồng bào Tày, Nùng ở đây tỷ lệ hộ nghèo còn 56%, dù tết nhất đã cận kề người ta có mang tiền đến “nhử” cũng chẳng ai buồn mảy may một liếc mắt.
Tình hình căng như sợi dây đàn sắp đứt. Nếu cưỡng chế dự kiến sẽ xảy ra xung đột bởi Tam Kim vốn là xã cách mạng, xã anh hùng với khu rừng Trần Hưng Đạo quê hương của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Người của Cty khai thác tìm cách “vận động hành lang” bằng việc tặng quà rượu bánh cho trưởng xóm Nông Văn Tổng. Ông trưởng xóm nhất mực xua tay bảo quà cho xóm thì phải treo ở bờ rào chứ không được để trong nhà ông vì động vào một miếng là mang tiếng ăn của đút lót.
Thấy tình hình không ổn, tỉnh xuống, huyện vào, thành lập Ban giải phóng mặt bằng, gọi dân xóm về họp không ai về, nước cũng không mời một chén nên cuối cùng đoàn công tác phải lếch thếch giải tán. Anh Nông Văn Trường xóm Bắc Dài bảo: “Nói theo văn bản thì hay, có phương án hoàn thổ nhưng đến lúc các lãnh đạo đang đương chức nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, người khác lên thay đơn vị khai thác không hoàn thổ trả lại đất cho dân thì chúng tôi biết hỏi ai?”.
Chị Nông Thị Ca một hai cho rằng: “Chúng tôi không cho khai thác và không cần số tiền đền bù”. Còn anh Nông Văn Thắng nói đầy nghĩa khí: “Nếu bây giờ mà Nhà nước đề nghị thu hồi đất để phục vụ cho an ninh, quốc phòng chúng tôi sẵn sàng nhường ngay, còn cho doanh nghiệp đào vàng để làm lợi cho cá nhân một số người mà phá hoại cả môi trường sống thì nhất định là không”.
Trước dân, Nông Văn Tuyền, Bí thư Chi bộ xóm, khảng khái hứa chắc như đinh đóng vào cột nghiến nếu trên cưỡng chế thu hồi đất ông sẽ từ chức.
Áp dụng cách “rút củi đáy nồi”, doanh nghiệp không nói đến chuyện đền bù, giải phóng nữa mà mời dân đi tham quan việc hoàn thổ ở bãi vàng nơi khác. Khi về dân lại càng không tin sau hoàn thổ ruộng đất ấy có thể lại trồng được lúa. Không dân vận được thì cán bộ vận, người ta lại tặng mỗi cán bộ ở xã Tam Kim một túi quà tết rất thịnh soạn. Quà tặng để một đống ở trụ sở UBND xã mà không ai dám nhận vì ai cũng bảo: “Ăn thế này sẽ ô uế phẩm chất cán bộ”.
Cánh đồng của xóm Bắc Dài nay đã bình yên
Anh Tô Đình Hải, Phó bí thư Đảng ủy xã Tam Kim (Chủ tịch UBND xã giai đoạn ấy - PV), cầm cho tôi xem cả cặp hồ sơ dày cộm về bãi vàng bản Um - Pác Háo trong đó có công văn đỏ chót “triện” của tỉnh còn ghi rõ: “Dự án trọng điểm, được thực hiện thí điểm theo hình thức đấu thầu…Công tác giải phóng mặt bằng phải được coi là công việc trọng tâm của cả hệ thống chính trị của huyện, xã. Có biện pháp xử lý đối với các trường hợp cố tình cản trở, chống đối”.
“Ở công sở lúc cấp này, khi cấp kia nhắc phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thậm chí người của Ban giải phóng mặt bằng còn thường túc trực ở Ủy ban xã để đốc thúc. Về đến nhà vợ con tôi cứ ì xèo rằng nếu ông cho cưỡng chế đất thì còn mặt mũi nào sống với dân, với xóm”, anh Tô Đình Hải. |
Sức ép chồng sức ép, anh Hải rạc người, sút mất vài cân vì lo nghĩ. Đúng thời điểm đó ông Bí thư xã bỗng nhiên đột tử vì tai biến mạch máu não. Dân lại càng được thể xì xầm: “Xã có hai ông to nhất, nay đã chết một ông, giờ còn mỗi ông Hải”. Đến nước này, vị Chủ tịch xã đem cả cái "ghế" của mình ra đánh cược với dân làng về chuyện sẽ đứng về phía nhân dân.
"Vẫn biết cơ chế cấp dưới phục tùng cấp trên nhưng dân không ủng hộ, chính quyền cũng chịu vì dân họ đúng thì phải đứng về phía họ mà đấu tranh. Làm nông nghiệp phải có đất, nếu cho làm vàng thì 2/3 dân xóm sẽ không có ruộng nên dù Phó chủ tịch tỉnh xuống đôn đốc cũng vậy thôi”.
Cuộc đấu tranh ròng rã của người dân xã Tam Kim suốt hai ba năm trời, giờ đã đến hồi thắng lợi khi dự án khai thác vàng chính thức bị đánh bật ra khỏi địa phương.
Ông Nông Thế Phúc, Phó chủ tịch huyện Nguyên Bình, khẳng định với tôi rằng: “Đã có văn bản tỉnh đồng ý trả lại tiền cho doanh nghiệp vì đã hết hạn, phải chấm dứt dự án. Theo tôi quan điểm của người dân là đúng, ruộng đang canh tác, cải tạo nhiều đời mà cho khai thác vàng sẽ không bao giờ thành ruộng như cũ, cuộc sống của dân sẽ xáo trộn…".