Những ngày cuối năm chúng tôi tìm về buôn Con Ó thuộc xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng để ghi nhận không khí đón xuân của khoảng 20 hộ dân sống cheo leo trên sườn núi. Thật bất ngờ, tại đây chúng tôi được biết đến tục uống rượu cần và cách làm rượu cần cho ngày tết quả lắm cầu kỳ, công phu xen lẫn thú vị.
Từ TP HCM phải mất gần 5 tiếng đồng hồ lái xe chúng tôi mới tới dưới chân núi thuộc buôn Con Ó. Theo người dân nơi đây, sở dĩ có tên “Buôn Con Ó” vì ngày xưa vùng này là khu rừng già, có nhiều chim Ó kêu suốt ngày nên bà con gọi vậy. Để đi lên tới đỉnh núi - nơi có gần 20 gia đình người dân tộc Châu Mạ sinh sống chúng tôi phải mất thêm gần một tiếng leo bộ.
Độc đáo
Dù đã đi tới nhiều nơi chứng kiến người dân có cuộc sống khó khăn chúng tôi cũng không thể hình dung 20 gia đình trên sườn núi này lại có cuộc sống tạm bợ tới vậy. Họ sống trong những căn chòi nhỏ, vách nứa đơn sơ. Liếc mắt trong nhà dường như họ không có thứ gì có giá trị ngoài… bình rượu cần chưng ra như thể một vật dụng khiến họ tự hào khoe với khách. Điều khiến chúng tôi thấy ngạc nhiên đó là sự nhiệt tình, thân thiện và gần gũi đến bất ngờ của người dân trong bản.
Biết có khách từ xa tới, chúng tôi được giới thiệu tới nhà trưởng bản K’Doan. Gặp chúng tôi, khi được giới thiệu là nhà báo, K’Doan vui mừng, hồ hởi ra mặt vì từ nhỏ tới giờ mới được gặp… nhà báo nên “lệnh” cho mọi người trong bản chuẩn bị đống củi để tối đốt lửa, ca múa và đãi khách thưởng thức hương vị rượu cần rất đặc trưng của bản.
Rượu cần của người dân tộc Châu Mạ
Trước khi được thưởng thức tiệc rượu cần, K’Doan giới thiệu: “Rượu cần là một thức uống thiêng liêng của bản mình. Rượu cần thì ở đâu cũng có, nhưng rượu cần của mình thì độc đáo lắm. Để làm rượu cần, phải chọn những nguyên liệu tốt nhất, cách thức chế biến tỉ mỉ lắm". Rồi K’Doan không ngần ngại kể cho chúng tôi cách làm nên một ché (bình) rượu ngon.
Ở buôn bà con mình dùng gạo tẻ để làm rượu chứ không dùng ngô hay sắn vì uống vào sẽ bị đau cái đầu. Men rượu phải là chế biến từ vỏ hoặc lá cây rừng như lá gàng, lá zung, lá vlân hay lá mít… Phổ biến nhất là lá gàng. Men rượu là bí quyết để làm nên hương vị, chất lượng của rượu, là hồn phách của rượu. Qua men rượu nếu sành mình có thể phân biệt được rượu của các tộc người khác nhau. Do đó công đoạn làm men có thể coi là quan trọng nhất, những ché rượu bị hỏng (chua, đắng…) phần lớn là do men gây ra.
Trong quá trình làm rượu người làm rượu phải kiêng cữ rất nhiều. K’Doan nói: Rượu cần là thức uống của thần linh vì thế trong thời gian làm men và ủ rượu người làm rượu phải giữ cho thân thể sạch sẽ. Vợ chồng không được ngủ chung, phụ nữ mang thai không được làm men hoặc đến gần nơi để ché rượu. Khi giã men, tất cả các thành viên trong gia đình không được lên rừng, đi đâu xa hoặc đi qua buôn khác. Nhà có người chết do bệnh tật (chết tốt) kiêng một tuần không được làm rượu, nhà có người chết do tai nạn, chết đuối, tự tử… (chết xấu) kiêng ba năm không được làm rượu.
K’Doan bảo rằng, trong buôn mình quan niệm, nếu làm dơ bình rượu thì con ma theo về phá bình rượu hay chưa mãn tang là chưa sạch, còn mang trong mình nhiều gánh nặng nên cũng không thể làm một bình rượu ngon...
Thú vị
Nhà trưởng bản K’Doan được xem rộng nhất bản nhưng cũng chỉ có một cửa ra vào và có một phòng chừng 9 m2 làm không gian sinh hoạt, ngủ nghỉ của cả gia đình. Giữa nhà, ché rượu cần được chưng ra nơi có bàn thờ Thần Bếp và buộc chặt miệng ché vào cột nhà.
Gần 7 giờ tối, mọi người trong bản đông đủ ngồi quanh ché rượu và K’Doan tiến tới góc nhà, tay làm dấu trên vách, nói một câu bằng tiếng bản địa đại ý thông báo với thần linh về niềm vui ngày hôm nay và cũng là sự thể hiện sự trân trọng quý mến đối với những vị khách.
Sau nghi lễ đó K’Doan tiến lại và giải thích: Khi được mời uống rượu là chứng tỏ bạn đã chấp nhận lời thách thức. Người uống đầu tiên tiến tới quỳ bên ché rượu còn người được mời trèo lên dẫm chân lên hai vai của người mời. Người được mời ngồi lên trên, một tay bịt mũi người uống và một tay vịn lên thanh xà ngang nhằm giữ thăng bằng và cũng là để điều chỉnh lực khi đứng trên vai người khác.
Tục uống rượu mời của người dân Châu Mạ khác các dân tộc khác là người được mời uống bị ngồi trên vai và bịt mũi
Chúng tôi hỏi: Sao phải đứng trên vai và bịt mũi người mời rượu? K’Doan giải thích: “Đây là tục lệ từ xa xưa truyền lại, từ lúc còn nhỏ ta đã được ông cha chỉ cách uống này. Vì người uống rượu cần phải là người can đảm, trung thực, dám đương đầu với thách thức. Người được mời đứng lên trên vai người uống là để người uống không bỏ cuộc, đã mời là phải uống cho hết mình.
Người uống bị bịt mũi là để rượu luôn được nuốt vào bụng, không gian lận. Lúc này, người uống rượu cảm thấy được sức nặng đè lên trên hai vai của mình từ đó cố gắng nỗ lực. Uống rượu cần chẳng ai uống một mình, ở bản chỉ uống khi có lễ hội như tết hay có khách quý...".
Người dân hát múa trước khi uống rượu cần
Vừa uống rượu cần vừa nghe K’Doan và bà con giới thiệu về tục uống rượu cần khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này tới ngạc nhiên khác. Đêm dần khuya, trong men rượu cần ở một cái bản làng hiu hắt chúng tôi còn thưởng thức những câu thơ rất trữ tình mà theo bà con không biết nó có từ thủa nào nhưng dường như ai ai cũng nhớ:
Anh ở bên này ché rượu
Vít cần trúc cong cong thành một nửa bầu trời
Thành một nửa trái tim mơ hồ gọi
Một nửa còn bên ấy; bạn tình ơi!
Bên này trái tim, bên ấy trái tim
Vòng ngực nổi cồm trên miệng ché
Rượu chảy về hai bên, men say còn e lệ
Lửa phừng phừng bứt tuột áo nuk-kiar
...Ơi chân trời lửa bên em sao mà xa ngái thế
Đường gấp khúc trái tim sâu thăm thẳm đáy men nồng.