Hơn 30 năm công tác cũng là hơn 30 năm ông bỏ công sức, tiền bạc sưu tầm, lưu giữ những hiện vật trong đời sống, sinh hoạt của người nông dân như lưu giữ cốt cách, hồn quê Việt Nam.
1. Chúng tôi tìm về nhà ông Nguyễn Hữu Ngôn (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vào một ngày cuối năm. Giữa cái ồn ào, tấp nập dòng người hối hả ngược xuôi, chuẩn bị đón mùa xuân mới nơi thị trấn huyện lỵ, ngôi nhà khiêm nhường của ông như muốn ẩn mình trong sự sôi động của cuộc sống hiện đại.
Bước chân qua cánh cổng sắt, một không gian tái hiện khoảng sân của gia đình người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung, Thanh Hóa nói riêng mở ra trước mắt chúng tôi. Kia là những kiệu (chum, vại) được làm bằng sành, sứ. Trước kia, gia đình nào cũng có ít nhất từ một đến hai chiếc dùng để đựng nước, rượu, làm mắm, bảo quản lương thực như khoai, lạc, đậu đỗ…
Bên cạnh kiệu, ông Ngôn bày la liệt những cối, chày bằng đá. Cái dùng xay bột khô, cái để xay bột nước, cái lại dùng xay đậu đỗ…, thôi thì đủ loại lớn, bé. Ông cười vui: “Bạn bè tôi đến chơi, cứ nói ở đây “lắm cối nhiều chày”. Tôi có khoảng 50 bộ cối chày bằng đá. Từ xa xưa, cối chày thể hiện sự âm dương, cũng là khởi thủy, bắt đầu của con người, sự sống. Sâu xa hơn, là hình tượng thể hiện khát vọng phát triển, sinh sôi của người Việt…”.
Ông Ngôn và những hiện vật trong "bảo tàng mini" của mình
2. Ông Ngôn chia sẻ: “Cách đây vài chục năm, tình cờ thấy mọi người đem bán những chiếc nồi đồng, thau đồng, chiếc cày, bừa… cho các bà buôn đồng nát, giá rẻ như cho, tôi tiếc lắm. Xót xa cho những công cụ, hiện vật làm ra củ khoai, củ sắn, hạt gạo nuôi bao thế hệ người Việt như chúng tôi khôn lớn giờ thành phế liệu. Hậu thế sẽ không hiểu biết được lịch sử của nền nông nghiệp văn minh, những khó khăn trước đó của ông cha. Vậy là tôi bỏ tiền ra mua chúng. Rồi tôi bỏ công đi đến gia đình anh em, bạn bè, đến các làng quê để tìm mua đem về nhà mình…".
Ông Ngôn xếp hàng nghìn hiện vật theo từng nhóm, như hệ thống các công cụ SX, bao gồm công cụ làm đất (mảnh tước, rìu, cày, bừa, cuốc…); công cụ làm cỏ (các loại cào, nạo, liềm...); công cụ thủy lợi (gầu giai, gầu sòng, cọn nước...); công cụ chế biến sản phẩm nông nghiệp (các loại cối xay, cối giã, các loại nồi, chõ...); công cụ lưu giữ, bảo quản lương thực, thực phẩm (đồ sành, gốm, sứ như vò, âu, vại, chum, kiệu...); sản phẩm của các ngành nghề, các làng nghề (sản phẩm đan lát, nghề mộc, nề…). Tuy các hiện vật đã cũ nhưng cái nào cũng sạch sẽ, được xếp đặt gọn gàng.
Ông cho biết, ngoài giá trị là những vật dụng phục vụ SX, sinh hoạt, mỗi hiện vật đều gắn với văn hóa vùng, miền; có vai trò lịch sử, gắn với những câu chuyện lịch sử qua các thời kỳ; là niềm tự tôn, tự hào dân tộc. Ví dụ như chiếc cày chìa vôi dựng ở góc nhà gắn với tích tịch điền đầu năm mới của vua Lê Đại Hành. Từ đó khẳng định, nước ta là nước nông nghiệp, từ xa xưa, vua đã biết chăm lo đến nghề nông. Phát triển, chăm lo nền nông nghiệp để người dân có cuộc sống ấm no, đất nước giàu mạnh…
Ông Ngôn cầm trên tay chiếc đấu, là dụng cụ đan bằng tre cật, được người nông dân xưa dùng để đo lường. Chiếc đấu còn gắn liền với chuyện Trạng Quỳnh đi sứ. Chuyện kể, có một lần Trạng Quỳnh được nhà vua sai đi sứ Trung Quốc. Các quan lại Trung Quốc hết sức kinh ngạc, thán phục tài đối đáp của Trạng Quỳnh, liền hỏi: “Ở nước Nam có được bao nhiêu người như anh?”. Trạng Quỳnh không chút đắn đo, tự hào mà rằng: “Người nước Nam như tôi lấy đấu mà đong không hết”.
Trong bộ sưu tầm của ông Ngôn còn có mấy chục chiếc nồi độc đáo. Đó là các loại nồi từ nồi một, nồi hai đến nồi ba mươi. Nhìn thấy cái niêu đồng bé xíu được ông Ngôn lau chùi, đặt ngay ngắn, cẩn thận vào cái rế cũ (một dụng cụ được đan bằng nứa, dùng đựng nồi của người nông dân Bắc Bộ xưa), chợt nhớ tới câu chuyện Thạch Sanh mỗi đêm hè được nghe ông kể. Cái niêu cơm Thạch Sanh bé tí teo mà ăn mãi, ăn mãi cơm không bao giờ hết. Từ ngàn xưa, người dân đã khát vọng, mơ ước cuộc sống no đủ, sung túc.
Trong hàng nghìn hiện vật, đáng chú ý còn có cả chiếc cối xay dăm gỗ và bộ cối chày giã gạo. Chiếc cối xay bạc phếch màu nan lồng, dăm vẹt mòn theo thời gian, năm tháng. Chiếc chày giã gạo gợi nhớ một thời khắp làng trên xóm dưới, đêm đêm thậm thịch tiếng chày nện, tiếng cối xay lúa ù ù, tiếng nam nữ râm ran trò chuyện. Người xay lúa, kẻ giã gạo mà nên duyên vợ chồng; thời của những nàng dâu đêm đêm “hết thóc rồi đổ trấu vào xay” khi chồng đang ngoài chiến trường ác liệt…
Giữa gian nhà là cái nong khá to, chỗ rộng nhất chừng gần 2 m. Cái nong nằm im lìm giữa nhà mà như đang kể về một thời bao cấp khó khăn nhưng thấm đẫm tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm của người nông dân Việt. Nong dùng để phơi lúa, phơi ngô…; nong dùng che mưa, che nắng; nong còn dùng để đựng hàng tạ thịt trên đó, mỗi dịp Tết đến xuân về, người già, người trẻ, phụ nữ, đàn ông quây quần, háo hức được chia thịt mang về nấu đông, gói giò, làm nhân bánh chưng…
Thực tế hiện nay, nhiều bạn trẻ không biết được cha ông xưa đã sống và làm nông nghiệp ra sao để thêm yêu mến, tự hào; càng không thể biết công lao của những người đi khẩn hoang, phá núi mở đường, chiến đấu với cọp rừng, thú dữ như thế nào để tồn tại, nói gì đến nền văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Được biết, ông Ngôn đã viết đơn gửi các cơ quan chức năng về việc xây dựng Bảo tàng nông nghiệp Việt Nam. |
Nhìn cái nong với thanh nan bóng nhẫy, nhẵn thín, nhớ về phong tục chia thịt ngày xưa, đã nghe hương vị Tết ùa về.
3. Có thể nói, những hiện vật ông Nguyễn Hữu Ngôn đang lưu giữ trong “Bảo tàng nông nghiệp mi ni” của mình chính là cái nhìn toàn cảnh về đời sống sinh hoạt và SX của nông dân đồng bằng Bắc Bộ xưa. Đối với ông, mong muốn lớn nhất chính là có thể bảo tồn, giữ gìn lại được những giá trị văn hóa của cha ông để lại đã chìm sâu vào dòng chảy của cuộc sống hiện đại.
Ông Ngôn trầm tư: Việt Nam có niềm tự hào là xứ sở của nền văn minh lúa nước, mảnh đất đã sản sinh ra nền văn học dân gian phong phú, sản sinh ra biết bao pho sử thi, thần thoại, truyền thuyết, những điệu dân ca, dân vũ lôi cuốn say đắm lòng người, vô vàn những tác phẩm văn học thấm đẫm hồn quê, tình quê. Ở thời kỳ nào, người nông dân cũng có những đóng góp to lớn, đặc biệt góp phần quan trọng làm nên văn hóa Việt Nam.
Vì thế mà nông dân cũng như nền nông nghiệp VN xứng đáng có bảo tàng riêng, có chỗ đứng riêng, tương xứng với những gì họ đóng góp cho công cuộc dựng nước và giữ nước, cho kho tàng tri thức nhân loại. Nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines đã xây dựng các bảo tàng nông nghiệp hiện đại.