| Hotline: 0983.970.780

Tình yêu rừng đã ăn vào máu thịt

Thứ Ba 07/05/2013 , 10:04 (GMT+7)

Anh bảo: “Mình còn sống thì quyết không để một tán rừng trên địa bàn bị cháy, một cây gỗ bị đốn hạ”. Không phải lời nói suông, anh đã biến điều đó thành hiện thực.

Với kiểm lâm viên Nguyễn Văn Công (Trạm Kiểm lâm Tân Đồng, thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Tam Đảo, Vĩnh Phúc), tình yêu rừng đã ngấm vào máu thịt. Anh bảo: “Mình còn sống thì quyết không để một tán rừng trên địa bàn bị cháy, một cây gỗ bị đốn hạ”. Không phải lời nói suông, anh đã biến điều đó thành hiện thực.

Bạc tóc giữ rừng xanh

Mới 35 tuổi, thế nhưng ngoại hình của anh Công giống như một người đàn ông đã bước qua tuổi ngũ tuần với mái tóc pha sương, khuôn mặt gai góc và làn da sạm đen vì cháy nắng. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Tân Đồng Nguyễn Xuân Nam cười bảo: “Khi mới bước vào ngành kiểm lâm, mái tóc của Công vẫn xanh rờn, nhưng sau những tháng ngày trèo đèo lội suối làm công tác vận động quần chúng, ăn cơm vắt, tắm mưa rừng, đội sương muối tuần tra, những ngọn tóc từ màu đen dần ngả sang tia tía rồi vàng hung, bàng bạc”.


Một chuyến tuần tra rừng của anh Nguyễn Văn Công.

Chẳng biết lời của Trạm trưởng Nam là đùa hay thật, thế nhưng, sự dấn thân không ngại hiểm nguy của kiểm lâm viên Nguyễn Văn Công đối với nghề được cả nhân dân địa phương và đồng đội kính phục. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống bảo vệ rừng, bố Công (ông Nguyễn Văn Cam) trước đây làm Giám đốc Lâm trường Tam Đảo, từng được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa biểu dương. Thời gian rảnh rỗi, Công thường được cha đưa vào rừng và giới thiệu tác dụng của từng cành cây, ngọn cỏ. Sự thích thú dần chuyển biến thành tình yêu rừng sâu nặng. Học hết lớp 12, Công quyết tâm thi đậu vào Đại học Lâm nghiệp để nối nghiệp cha.

Ra trường với “kho” kiến thức quý báu về kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý rừng, anh làm việc tại Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch, mức lương đủ để cả gia đình sống. Tuy nhiên, khát vọng trở thành một cán bộ kiểm lâm luôn cháy âm ỉ trong anh. Năm 2009, Hạt Kiểm lâm VQG Tam Đảo tổ chức thi tuyển cán bộ, viên chức, không cần 1 giây suy nghĩ, anh Công lập tức làm hồ sơ dự thi và trở thành 1 kiểm lâm viên.

Những ngày đầu tham gia bảo vệ rừng tại trạm Tân Đồng (xã Đạo Trù, H.Tam Đảo), anh và 2 đồng đội của mình gặp phải muôn vàn khó khăn. Với đặc thù dân số 85% là dân tộc Sán Dìu, năm 2008 trở về trước, tỉ lệ hộ đói của toàn xã Đạo Trù lên tới 40%. Họ có tập quán đốt rừng làm nương rẫy và dựng nhà giữa lưng chừng núi. Đời sống khó khăn, dân trí nhiều hạn chế, đó là cơ hội để lâm tặc lợi dụng người dân vào rừng chặt gỗ rồi tuồn ra ngoài. Trước tình hình đó, anh Công cùng cán bộ kiểm lâm của trạm phải trèo đèo, lội suối đến từng nhà dân khuyên họ không vào rừng phá cây cối nữa.

Lần khác, khi đang đi tuần rừng một mình ở địa phận A Ma Dứa, vì đường mòn trơn trượt nên anh Công đã bị ngã xuống hố quặng sâu gần 10 mét, phần mông và đùi va đập vào mặt đá gồ ghề nên rách bươm, tứa máu. Phải 15 phút sau, Công mới hết choáng váng và ngồi dậy. Điện thoại bị hỏng, không thể liên lạc được với đồng đội, anh đành dồn hết sức lê lết hơn 11 km xuống núi. Lần ấy, anh không nghĩ mình không dễ sống để trở về.

Theo cán bộ kiểm lâm Nguyễn Văn Công, bảo vệ rừng bằng phương pháp sử dụng bạo lực hay xử phạt là hạ sách. Mặc dù ở trạm luôn có 2 cây súng, thế nhưng năm thì mười họa anh mới vác theo. Điểm cốt yếu nhất vẫn là tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân. “Người Sán Dìu vẫn còn tư tưởng cục bộ địa phương và không quen làm theo chỉ thị, nghị quyết. Do đó, có những chuyến đi dân vận, tôi phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người dân cả tuần trời. Người ta bảo, một lời chân tình bằng hàng nghìn cái lý, mưa dầm thấm lâu, nước chảy đá mòn… khi được dân yêu quý, tin tưởng thì họ mới nghe lời mình” – anh Công cho biết. Có lần, người dân báo tin anh T. ở thôn Đồng Giếng thường xuyên vào rừng chặt gỗ. Ngày nào anh Công cũng phóng xe đến nhà chờ T. về để khuyên can. Ban đầu T. chối đây đẩy, thậm chí còn lớn giọng bảo anh Công vu oan, bôi nhọ danh dự của mình. Nhưng, cả làng cả xóm ai nấy đều hiểu cán bộ Công như anh em ruột thịt của mình. Không chấp nhặt chuyện nhỏ, Công vẫn kiên trì thuyết phục T. cả tháng trời. Cuối cùng T. cũng chịu bỏ nghề.

Ngủ hang đá, nhá mì tôm

Trong nhiều năm qua, VQG Tam Đảo thực hiện giao khoán bảo vệ rừng lần 2 cho các hộ dân. Bám sát quần chúng, anh Công đã mạnh dạn đề cử những người có tâm huyết được nhận rừng như ông Đàm Ngọc Thiện (thôn Tân Lập), Hoàng Văn Tám (thôn Đồng Giếng)… để cấp trên chấp thuận. Sau đó hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cho họ. Chỉ tay vào khu rừng tái sinh sau nương rẫy với bạt ngàn thông xanh, lim chẹt, ông Đàm Ngọc Thiện chia sẻ: “Trước đây, toàn bộ 60 ha rừng này chỉ có lau lách mọc, nhờ sự chỉ dẫn tận tình của anh Công từ khâu phát băng, đào hố, ủ đất, tạo bầu… cùng bao công sức của gia đình mới được như ngày hôm nay”. Đến nay, diện tích rừng tái sinh sau nương rẫy của xã Đạo Trù đã lên đến gần 1.000 ha, vừa tạo thành vành đai vững chắc bảo vệ rừng già, vừa góp phần điều tiết dòng chảy.

Trạm Kiểm lâm Tân Đồng chỉ có 3 đồng chí (1 Trạm trưởng và 2 kiểm lâm viên) nhưng phải quản lý hơn 3.000 ha rừng. Hiện tại, 1 kiểm lâm viên đang tạm nghỉ để học tại chức nên khó khăn càng chồng chất. Anh Công kể: “Mỗi đợt đi tuần tra rừng thường kéo dài từ 3 – 5 ngày, thế nên mỗi người phải vác trên lưng chiếc ba lô nặng chình chịch, trong đó có đầy đủ gạo, cá khô, mì tôm, xoong nồi, bát đũa, võng, màn, bình đựng nước (tất cả đều do cá nhân tự bỏ tiền ra mua)… Tối, cả đội mắc võng ngủ giữa rừng. Nhiều khi gặp mưa bão, tất cả chui tọt vào hang đá trú ngụ. Không thể thổi lửa nấu cơm, anh em gặm mì tôm sống cho đỡ đói hoặc lấy gạo rang đem từ trạm mở ra ăn. Dính nước mưa, người mắc cảm, người đau đầu nhưng vẫn phải gắng gượng đi tiếp, chuyện vắt bu kín chân tay hút máu là thường tình”.

Ngoài đảm nhận công tác tại Trạm Kiểm lâm Tân Đồng, anh Công còn được lãnh đạo Hạt Kiểm lâm VQG Tam Đảo giao nhiệm vụ bảo vệ bãi quặng ở rừng Ma A Dứa (khu vực Tam Đảo 2). Muốn đi đến đây chỉ có con đường độc đạo là leo bộ 12 km theo con đường mòn từ thị trấn Tam Đảo 1. Ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển, chốt canh bãi quặng quanh năm mây phủ trắng xóa, họa hoằn lắm mới có ánh nắng xuyên qua lá rừng, chăn màn, quần áo luôn ẩm ướt, mốc meo. Thế nên những vi khuẩn gây bệnh ngoài da rất dễ xâm nhập.

Xung quanh việc bảo vệ bãi quặng cũng có những câu chuyện dở khóc dở cười. Tháng 11/2011, Hạt Kiểm lâm nhận được tin báo có 4 đối tượng đang khai thác quặng trái phép tại khu vực Ma A Dứa. Lúc đó là 21 giờ đêm, trời rét như cắt da cắt thịt, anh Công cùng 5 đồng chí khác đã đi xuyên rừng hơn 4 giờ để truy bắt. Nhằm đảm bảo công tác giữ bí mật, cả đội tuyệt đối không được bật đèn pin và gây ra tiếng động mạnh. Khi đến trước cửa hang khai thác quặng, tất cả ngồi phục gần 3 tiếng đồng hồ nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì. Đến 4 giờ sáng, 5 anh em quyết định bật đèn pin soi đường về thì bắt gặp 4 tên quặng tặc đang trùm bạt kín đầu ngủ say như chết cách đó 8 mét. Chỉ với vài động tác đơn giản, các đối tượng đã bị khống chế.

Một buổi chiều theo chân anh Công đi tuần rừng, tôi mới cảm nhận hết ý nghĩa cũng như những gian nan mà các anh đang làm. Những con đường mòn trơn trượt, có chỗ chỉ rộng khoảng 30 cm, kẹp giữa một bên là vách núi, một bên vực sâu, tứ bề được bưng kín mít bởi rừng cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi như lim xanh, lim chẹt, gù hương, thông tre… Chốc chốc, tôi lại bắt gặp một hố bùn in chằng chịt những dấu chân thú. Anh Công chỉ tay bảo: “Trời nóng, lợn rừng thường đến các hố nước để đằm mình giải nhiệt đấy. Ở đây hươu, nai, cầy, sóc, khỉ… còn nhiều lắm”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân vụ xe chở rác lao xuống sông

THỪA THIÊN - HUẾ Thi thể 2 nạn nhân trong vụ xe rác bất ngờ lao xuống sông Hữu Trạch khi di chuyển qua cầu treo Bình Thành đã được tìm thấy vào sáng nay (23/11).