| Hotline: 0983.970.780

Neo đời vào đá núi

Thứ Sáu 12/07/2013 , 10:23 (GMT+7)

Hiện thôn Tân Lý, Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình có khoảng 200 hộ làm đá. Mỗi hộ thường có 2 -3 hầm. Hầm này hết họ lại chuyển sang hầm khác.

Ngồi co cả hai chân trên đống đá vừa mới chẻ còn nóng hổi, ông Phạm Văn Hòa (61 tuổi, ở thôn Tân Lý, Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) với tay mở nắp chai đựng đầy nước chè xanh, ngửa cổ uống một hơi dài rồi thủng thẳng: "Cái hầm đá ni của nhà tui khai thác cũng gần 40 năm nay rồi. Tui lấy vợ cũng trên hầm đá, đẻ thằng con trai cũng trên hầm đá và bây chừ nó cũng đang là lao động ở hầm đá này".


Ngọn núi giờ thành hố sâu

Lấy vợ, đẻ con trên hầm đá

Kể về lý do vì sao dân làng Tân Lý ở gần sát biển lại có nghề chẻ đá, ông Hoàng Cư, Phó trưởng thôn Tân Lý, cho hay: “Trước giải phóng, để thông tuyến quốc lộ qua đèo Lý Hòa này, đã có một đội TNXP cùng công nhân giao thông khai thác đá trên đỉnh đèo làm đường.

Sau này, khi hết chiến tranh, đoàn công nhân rút đi thì một vài người dân trong làng lên lấy đá về làm đường, xây sân… Rồi dần dần nhiều người cùng lên khai thác và chở đá đi bán cho vùng biển, vùng ruộng và kế sinh nhai cũng hình thành từ đó”.

Hầm đá thuộc “sở hữu” của gia đình ông Hòa thực ra là toàn bộ sườn núi đã được khai thác hết, trống trơn dưới cái nắng khét. Ông Hòa người gầy nhưng lại dẻo chắc như sợi dây rừng, tay cầm xà beng, tay xách búa tạ đứng choãi chân dưới chân vách đá.


Ông Hòa dùng búa tạ đánh đá rời ra

Ngắm đường kẻ nứt chạy xiên làm thành tầng của núi đá, lấy thế, ông vung búa quai liên tiếp mấy nhát cật lực. Thả chiếc búa tạ xuống, lấy cây xà beng sắt dài ngoằng, ông không cần ngắm, phóng một phát chọc vào kẽ đá đã nứt toác và gồng mình giật xuôi.

Phiến đá bứt rời, trôi tuột xuống, đẩy luôn mớ đất, đá vụn rào rạt trôi theo. Bà Bến (vợ ông Hòa) đang đứng xếp đá cạnh đó mấy bước chân kêu to: “Thôi, ông nghỉ tay đi, để đó thằng cu lớn mần cho”.


Dùng xà beng cậy đá

Uống xong chai nước chè xanh, ông Hòa bộc bạch: “Tui theo nghề đá này cũng ngót bốn chục năm nay rồi. Từ hồi còn thanh niên choai choai. Gặp bà ấy cũng trên bãi đá rồi nên vợ nên chồng. Hồi nớ, cực lắm, làm quần quật để kiếm bát gạo.

Bà nó mang thai thằng cu lớn đến tận ngày sinh mà vẫn đi làm. Khi đau bụng, về không kịp, rứa là đẻ luôn thằng ni trên bãi đá. Năm hắn mười lăm tuổi đã cao vống lên và vác búa theo cha làm đá cho tận bây chừ”.

Bà Bến nói thêm vào: “Hồi theo ông đến chừ chưa có khi mô tui sướng được một ngày. Mấy đứa con gái tui cho đi lấy chồng xa để thoát khỏi cảnh suốt ngày với đá. Còn thằng cu lớn e chắc chịu rồi. Tui tên Bến thì có đi mô được, không khéo lại neo đời con vô vách đá như cha nó thôi”.

Một xe ben thùng vào “ăn” hàng. Cả nhà xúm vào bốc đá lên xe. Ông Hòa và người con trai cả tên Chung dỡ từng cục đá to, gắng sức ném lên thùng xe. Bà Bến thì chọn những cục nhỏ hơn cho vừa sức. Cả ba người mải miết bốc, ném gần giờ đồng hồ thì đầy xe. Xe ô tô quay đầu, tiếng máy gầm gừ khi xe trườn qua ổ gà lớn, bỏ lại đằng sau từng đụn khói đen, sặc mùi dầu.


Bốc đá lên xe cũng là công việc nặng nhọc không kém

Ông Hòa vừa khoát tay che khói vừa nói: “Mỗi xe được chừng 3 khối đá, chạy 250 ngàn đồng. Nếu cứ làm liên tục thì trung bình mỗi ngày cũng “xuất” được hai xe”.

Tay búa nữ nhi

Mặt tiền của con đường dẫn ngược lên núi là hầm đá của mấy chị em nhà chị Lê Thị Hương (45 tuổi, ở thôn Tân Lý). Những gia đình khác có sức, có điều kiện họ mở hầm lớn; mấy chị em chị Hương yếu sức nên chỉ chọn làm những hầm nhỏ. Nhưng hầm nhỏ thì làm vất vả hơn nhiều.

Theo chị Hương, hầm lớn là họ lợi dụng núi đứng cao, đục vào cho đá tự rơi xuống rồi phân loại xếp đóng. Hầm nhỏ phải đào, đục đá dưới thấp rồi vác chuyển lên mặt đường.


Chị Lê Thị Hương: “Quai búa mấy chục năm đã thành quen”

Hầm đá của nhà chị Hương được khoanh trên vùng đất rộng khoảng chục mét vuông, sát bên đường. Chị Hương khai thác phần trên; dưới hầm thấp, chị Liên (42 tuổi, em gái chị Hương), quấn chặt trong mớ áo quần bảo hộ và chiếc nón tùm hụp trên đầu mải miết đục, chòng.

Thấy chị đang lựa thế để đóng chiếc đục sắt vào kẽ đá, tôi mau miệng: “Để tôi giúp chị”. Cầm chiếc đục sắt nhẫy bóng mồ hôi dài gần hai gang tay người lớn, tôi cắm chặt vào một kẽ đá. Chị Hương ngồi thụp xuống, lấy con búa tạ gõ mấy cái lên đuôi đục như để cho chắc rồi đứng lên: “Chắc tay nhé”.

Choong, phụp… Tôi nín thở, nghe tay tê rần, bụi đá xộc lên mũi sặc xè. Cây đục găm vào đá chắc lừ. Chị Hương dừng tay cười: "Muốn thử tiếp thêm nữa không”? Tôi hoảng quá, liền chống chế: Thôi, lỡ chị đánh phát trúng vào tay, chắc đau lắm…

Chị Liên đứng dưới hầm đá, nhìn từ lúc nãy đến giờ mới cười. Tiếng cười trong vắt đến kỳ lạ của chị như làm tan cái nóng hầm trên đầu: “Trúng thì đi luôn cái tay thôi chớ mấy. Nhưng đừng lo, chị Hương quai búa mấy chục năm nay có tiếng là chưa trật nhát nào”.

Hỏi chuyện gia đình, chị Hương giọng nhè nhẹ sau chiếc khăn bịt mặt: “Tôi theo nghề đá từ năm lên mười lăm tuổi. Khi tròn tuổi đôi mươi cũng có người đánh tiếng nhưng không hiểu vì sao lại chẳng nên đôi nên đũa. Sau rồi thì thôi, ở vậy luôn. Nhà thiếu ăn nên nghề đá là kế sinh nhai phải có mà làm. Sau này, tôi còn dắt em gái, cháu họ thành một nhóm làm mải miết tận bây chừ”.


Tay búa nữ nhi

Thấy tôi như thắc mắc cớ gì chiếc búa tạ nặng trịch trên tay chị lại nhẹ nhàng như như chiếc chày giã cua vậy, chị Hương cũng cười nhẹ như cơn gió: “Là tại bởi tay cầm hàng chục năm rồi nên quen mà thôi. Cả hai chị em vung búa cũng y nhau vậy. Nhưng còn trước đó, khi mới vào nghề, tay búa chệch choạc lắm.

Khi đóng búa trật chút xíu, con đục bay vào. Có nhiều khi nó bay ngược đập thẳng vào ống chân tóe máu, đau muốn chết, để lại nhiều dấu sẹo lắm. Thôi nói chuyện lâu rồi, để mấy chị em làm cho kịp chuyến xe”.

Nắng chiều xiên xiên vàng vắt lên vách đá như rực sáng hơn. Đi xa hơn chục bước chân mà tôi như nghe tiếng búa dộng vào đá rung dưới chân mình. Thoáng nghe tiếng chị Hương trong nắng: “Cả ngày với búa, xà beng, đá, tối về người như bị đánh. Nhưng riết rồi cũng quen, không làm đá thì biết làm chi để sống”.

“Hiện thôn có khoảng 200 hộ làm đá. Mỗi hộ thường có 2 -3 hầm. Hầm này hết họ lại chuyển sang hầm khác. Khi hết đá họ lại rủ nhau cùng phát tuyến, mở đường mới. Mỗi lần phát tuyển tìm hầm mới như vậy cũng mất 3-4 tháng. Người dân ở đây làm đá chỉ bằng sức người chứ không sử dụng đánh mìn hay máy móc gì.

Cũng đã có người chết vì bị đá đè, người bị thương thì nhiều lắm. Chính quyền xã cũng đã có chủ trương chuyển đổi nghề cho bà con nhưng chuyển sang làm nghề gì thì chịu, chưa có  động tĩnh gì cả”, ông Lê Huy Lập, Trưởng thôn Tân Lý.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025.