| Hotline: 0983.970.780

Làng ngàn người ăn lương Nhà nước

Thứ Sáu 06/09/2013 , 09:53 (GMT+7)

Làng Nại Cửu ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, chỉ có hơn 3.000 nhân khẩu nhưng có hơn 400 con em là cán bộ đang công tác tại địa phương và 600 người khác công tác khắp đất nước, đều được Nhà nước trả lương. Chưa kể số con em của làng đi làm ngành nghề ngoài biên chế...

Làng Nại Cửu ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, chỉ có hơn 3.000 nhân khẩu nhưng có hơn 400 con em là cán bộ đang công tác tại địa phương và 600 người khác công tác khắp đất nước, đều được Nhà nước trả lương. Chưa kể số con em của làng đi làm ngành nghề ngoài biên chế...

Từng là làng nợ

Dọc đường vào làng Nại Cửu mùi rơm rạ thoang thoảng dưới cái nắng gió nhè nhẹ của mùa thu. Vụ mùa của bà con vừa xong, ruộng đồng trơ cuống rạ. Rơm rải dọc đường vương lên bờ rào râm bụt. Các cụ trong làng ngồi nhai trầu bỏm bẻm, nhìn tụm năm, tụm bảy học sinh dắt tay nhau đến trường trong ngày đầu năm học mới.

Đến nhà nào cũng nghe kể chuyện khó nhọc nuôi con ăn học thành người. Làng Nại Cửu đẹp thật, còn dân làng thì nghèo. Không nghèo sao được, ông Trần Nhân Sinh, trưởng làng, tính chi li trung bình mỗi người dân ở đây chỉ có 420 m2 ruộng lúa, mà dân cũng chán làm ruộng lắm rồi.

Mất 6 tháng mới làm được một vụ lúa, trừ hết chi phí lãi ròng chỉ 3 triệu đồng. Mỗi tháng thu nhập từ lúa mỗi người dân chỉ có 5 trăm ngàn đồng, chẳng ai sống nổi, nếu dân làng không có một phép tính khác, ngoài lúa.

Nên từ xa xưa, nông dân Nại Cửu đã tính đến chuyện đầu tư tri thức thay vì chỉ chăm chăm trồng lúa, nuôi heo. Câu chuyện phát triển nhân lực tri thức ở làng Nại Cửu khó ai làm được. Hàng chục năm trước con em của làng thi nhau đi học.


Ngôi trường này đã nâng cánh cho con em của làng bay xa

Cũng đáng phục thật, học sinh Nại Cửu học giỏi nên thi đâu trúng đó. Sống trên đất học lại luôn nhận được sự động viên của địa phương nên học sinh Nại Cửu luôn nổi tiếng học giỏi, trở thành hạt nhân không thể thiếu được của trường THPT Quảng Trị.

Con cái đã thi đỗ thì bố mẹ không có tiền cũng bán nhà, cầm cố, vay mượn đủ các kiểu để nuôi con ăn học. Bạn tôi nói vui trước đây Nại Cửu có thời gian gọi là... làng nợ. Bà con phấn đấu gia đình nào cũng có con em đi học đại học, ít nhất là một người. Sau khi có người trong gia đình tốt nghiệp đại học, có việc làm sẽ quay trở lại kéo anh em ở nhà lần lượt đi học.

Rồi đến năm năm, mười năm sau, chính những người con được học hành đến nơi đến chốn ấy trở thành nguồn lực tri thức dồi dào, làm ăn có tiền có của, góp phần kéo kinh tế gia đình đi lên, từ đó góp sức vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Làm thầy thiên hạ

Miệng nhai trầu bỏm bẻm, mệ Mẫn tự hào Nại Cửu năm nay lại có thêm 25 học sinh đỗ đại học. Vậy là cả làng có hơn trăm sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng. Cái sự học ở làng này đã thấm vào máu thịt của các thế hệ người từ trẻ đến già. Cũng không hiểu tại sao làng này thường “xúi” con cháu theo nghề sư phạm.

Cả làng có trên 300 con em làm giáo viên, chưa kể số giáo viên về hưu và đang học các trường sư phạm. Hỏi các bô lão thì được giải thích làng có truyền thống làm nghề dạy học hơn 300 năm nay.

Người đầu tiên của làng đi dạy học là ông Trần Gia Thuỵ, đỗ tiến sĩ, làm thầy dạy học rồi sau đó lên đến chức thượng thư Bộ Lễ thời Hậu Lê. Kể từ đó con cháu của làng nối nghiệp tổ tông, làm thầy thiên hạ. Có nhiều người trở thành giáo sư, tiến sĩ đang công tác và dạy học ở các trường đại học uy tín trong và ngoài nước.

Nhiều người lý giải làm nghề giáo viên sống thanh bạch, là gia phong nền nếp, truyền thống lâu đời của làng. Con em của làng mỗi khi được đi dạy học họ xem đó là một phần thưởng xứng đáng mà cả đời người phấn đấu mới đạt được. Muốn sống bằng cuộc đời thanh thản tâm hồn, đó là tính cách của đa phần người Nại Cửu.

Nổi tiếng nhất ở làng Nại Cửu là gia đình thầy giáo Hoàng Danh. Các con của thầy chỉ đi theo một nghề dạy học. Cả nhà thầy có 12 người, tất cả đều là giáo viên. Con cháu nội ngoại, anh em ruột của thầy có hơn 30 người theo nghề này. Riêng họ Hoàng có 100% gia đình có người đi dạy học.

Nhà thầy Trần Ước tiếng thơm cũng nức làng. Thầy có 5 người con thì tất cả đều tốt nghiệp Đại học Sư phạm, rồi 5 người con dâu cũng làm giáo viên. Thầy Ước trăn trở trước sự lựa chọn nghề nghiệp cho con mình.


Cổng làng Nại Cửu

Thấy con họ học nghề khác như kinh tế, ngân hàng... ra trường việc làm cho thu nhập cao, không chỉ vậy rồi sau này có điều kiện trở thành ông nọ, bà kia, có địa vị cao trong xã hội. Song rồi cái nghề giáo vẫn không làm thầy thay đổi được suy nghĩ khi thầy định hướng cho con mình.

Ông Trần Nhân Sinh thống kê, cả làng có hơn 1.000 con em là cán bộ biên chế Nhà nước, trong đó có hơn 400 con em đang công tác tại tỉnh. Hằng tháng, riêng Nhà nước phải trả lương cho cán bộ biên chế thuộc con em của làng hơn cả ngàn người.

“Tính ra khoản tiền lương này là khổng lồ, không nhỏ đâu. Trung bình mỗi người lĩnh lương 5 triệu đồng mỗi tháng thì tổng số lương phải đến hơn 5 tỷ đồng”, ông Sinh nói.

Ông Sinh quả quyết rằng song niềm tự hào hơn nữa của làng Nại Cửu là ngoài số cán bộ biên chế trên (không kể cán bộ làng, xã) làng có hơn 1.000 con em học hành bài bản đàng hoàng (không chọn biên chế hay không vào được biến chế Nhà nước), họ là những nhà doanh nghiệp, những doanh nhân, giám đốc các Cty tư nhân có mặt khắp đất nước.

Họ không chỉ không nhận lương của Nhà nước mà còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động khác, góp phần giảm gánh nặng lương bổng giúp Nhà nước. Không thể so sánh nghề này với nghề kia nhưng rõ ràng người Nại Cửu luôn có khát vọng vươn lên để khám phá, hoà nhập với bên ngoài, chứ không còn đi theo một nghề như trước đây.

Ông Sinh nói rằng riêng số con em đi xa chỉ trong 5 năm qua đã gửi về đóng góp cho làng hơn 12 tỷ đồng tiền mặt góp phần xây dựng các công trình dân sinh. Người Nại Cửu luôn đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, dù ở đâu họ cũng luôn có tính thần trách nhiệm, mỗi người mỗi kiểu đóng góp xây dựng quê hương.

Người Nại Cửu luôn ước mơ cháy bỏng và khát vọng chinh phục các đỉnh cao. Tôi có người bạn ở làng này tốt nghiệp một trường Sư phạm Kỹ thuật ở TPHCM. Thời ấy, gia đình bạn xin việc cho vào làm ở ngành Hải quan, Bưu chính - viễn thông của tỉnh nhưng bạn không chấp nhận, tự mình ở lại TP.HCM tìm tòi công việc để bây giờ trở thành một giám đốc có tiếng trong lĩnh vực công nghệ thông tin khu vực Đông Nam Á.

Các cụ bảo rằng địa cuộc của làng phát hưng cho nghề làm thầy chứ rất ít người làm quan. Mà cũng thật vậy, từ trước tới nay có mấy người vùng quê này được làm "quan" trưởng phòng cấp huyện, chứ đừng nói cấp tỉnh.

Đông cán bộ là vậy nhưng chỉ có một người duy nhất một người hiện đang làm Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Quảng Trị, được xem là con em của làng đang làm quan to nhất, nên dân làng Nại Cửu cứ miệt mài mà lao động, sáng tạo bằng mồ hôi công sức của mình, chẳng mấy ai dám nghĩ đến chuyện con ông này bà kia.

Nhìn lại việc đầu tư nguồn lực tri thức của Nại Cửu, ông Lê Cảnh Tường, Chủ tịch UBND xã Triệu Đông, tự hào, tỷ lệ trí thức ở Nại Cửu rất cao, không phải địa phương nào cũng đạt được.

Cái quý là bà con nông dân ở đây sớm nhận diện giá trị đầu tư chất xám để rồi chất xám trở về với gia đình, quê hương. Con em Nại Cửu học hành thành đạt công tác khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều tiến sĩ, giáo sư nổi tiếng trên thế giới. Nại Cửu đã góp phần đào tạo cho đất nước hơn 1.000 cán bộ có phẩm chất.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Đủ nước cho vụ đông xuân ở Đông Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ đang sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh nguồn nước được dự báo đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất ở các công trình thủy lợi.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.