"Mót" ở đây có nghĩa là đi nhặt của rơi của vãi, như thể mót lúa, mót khoai… Chứ không mang nghĩa như bây giờ (nghĩa hiện đại, mót, tức là thèm muốn, khao khát: Mót biệt thự; mót vàng; mót đô la…).
>> Nhặt tiền lẻ dưới gầm cầu vượt
Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) có 3 dải phân cách: Hai dải của hai đường gom với hai dải cao tốc và một dải giữa hai đường cao tốc với nhau. Theo thiết kế thì các dải phân cách và những khoảng đất trống giữa các đường dẫn của các cầu vượt đều được trồng cỏ Nhật, cỏ Mỹ và trồng hoa, trồng cây xanh, đường Thăng Long sẽ là một đại lộ - vườn hoa kéo dài suốt tuyến.
Nhưng cho đến nay, sau 3 năm đưa vào sử dụng, khai thác (đại lộ được Thủ tướng Chính phủ cắt băng khánh thành trước tháng 10/2010 nhân Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội), cỏ và hoa mới được trồng rất ít, một số cầu vượt vẫn chưa hoàn thành.
Thành ra nhiều đoạn dải phân cách rộng cả chục mét, kéo dài hàng cây số vẫn bỏ hoang, cỏ dại, gai góc mọc um tùm. Nhiều đoạn cây gai phủ kín cả những tấm chắn giữa đường gom với đường cao tốc, và với tốc độ này thì không biết đến bao giờ đại lộ mới trở thành một đại lộ - vườn hoa thực sự…
Tiếc đất hoang, nhiều hộ dân, nhất là những hộ dân sống cạnh đường gom hướng Hòa Lạc - Hà Nội đã nhảy ra sử dụng những đoạn dải phân cách còn bỏ hoang đó để canh tác. Bà con gọi là "mót đất".
Chỉ vào vườn đu đủ đang cho quả của mình ở dải phân cách, ông Chu Đức Phán, một nông dân ở Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội) bảo:
- Nhà nông, cứ thấy đất bỏ hoang là thấy như có ai xát muối vào ruột, mắt nhìn cứ nhức anh ách. Có lần ra Hà Nội chơi, thấy nhiều khu đất rộng hàng chục mẫu, mới chỉ xây cái móng nhà rồi thì không xây nữa, xung quanh cỏ mọc um tùm, nhiều người ra đó quây lại thành từng mảnh, nhiều mảnh rộng đến hai, ba sào, trồng rau rất tốt.
Hỏi, bà con bảo đây là đất của dự án chung cư này, chung cư nọ nhưng chưa dùng đến, thì họ ra "mót" đất hoang kiếm sống. Thu nhập từ những mảnh đất "mót" này rất khá. Về, tôi nghĩ ngay đến cái dải phân cách này. Nền đường trước đây đều là bờ xôi ruộng mật của nông dân cả. Đất ở mặt dải phân cách rất tốt, bằng chứng là chỉ một thời gian rất ngắn cỏ đã mọc tốt bời bời. Thế là tôi quyết định nhảy vào làm một miếng. Tôi cứ đàng hoàng ban ngày ban mặt ra dẫy cỏ, cuốc đất. Rồi thì trồng cây. Chẳng thấy ai bảo sao…
Vườn đu đủ của ông Phán dài hàng trăm mét, rộng hơn chục mét, tính ra đến mấy ngàn mét vuông, mà theo ông thì "còn hơn cả diện tích đất canh tác của nhà tôi bây giờ". Đu đủ chỉ 6 tháng đã cho quả, cứ sai lúc lỉu, có cây, quả bám từ gốc lên đến ngọn.
Trồng cây ở dải phân cách có nhiều cái cái lợi: Một là không bao giờ bị trâu bò hay dê, gà phá, bởi giữa đường gom và đường cao tốc có những tấm lưới sắt mắt cáo rất cao ngăn cách, không trâu bò hay gà qué nào có thể vào được. Hai là rất sẵn nước tưới. Giữa dải phân cách có mương thoát nước, đã được "cứng hóa" hẳn hoi, lòng mương lúc nào cũng đọng nước. Và thứ ba là không bị mất trộm, bởi đèn đường trên đại lộ Thăng Long sáng suốt đêm, chỉ làm một cái lều canh ở mép đường gom bên này là ổn. Mỗi buổi sáng thu quả mang bán, ông Phán đứng trong, hái quả rồi tung qua những tấm sắt cho vợ con ở ngoài đón. Ông nói vui:
- Người ta có vốn, thì người ta đi "mót nhà", mót cả biệt thự liền kề bỏ hoang để mở hàng ăn hay làm dịch vụ khác. Ông có thấy cả dãy biệt thự liền kề cạnh đường gom Hòa Lạc - Hà Nội, ngay cạnh cổng thiên đường Bảo Sơn đấy không. Mấy chục cái biệt thự liền kề, chưa hoàn thiện ấy bây giờ đã trở thành một phố ẩm thực nho nhỏ rồi, nào gà tươi Mạnh Hoạch, nào bún cá chị Tâm, nào lẩu này lẩu nọ. Sáng nào người ăn cũng nườm nượp.
Chả anh nào mất tiền thuê cả, chỉ xin với chủ khu nhà một tiếng. Mình vốn liếng chẳng có, thì đi mót chút đất hoang độ nhật. Vườn đu đủ này của tôi tuy không cho tiền to, nhưng một vài trăm ngàn thì ngày nào cũng có. Thu hết, lại phá đi trồng lứa khác.
Bây giờ thì không chỉ có vườn đu đủ của ông Phán nữa, mà dọc đường gom đã có rất nhiều vườn của nhiều bà con khác, trồng đủ các loại su hào, bắp cải, cải xoong, cải bẹ, cải cay, cải củ, xà lách, rau thơm, chuối… Đất chưa sử dụng ở các dải phân cách đại lộ Thăng Long còn nhiều, tuy nhiên không phải chỗ nào cũng có thể trồng được.
Đặc biệt là dải phân cách giữa hai đường cao tốc thì không thể đụng đến, bởi hai đường đó xe máy, xe thô sơ và người đi bộ không được phép lưu thông, lớ ngớ lên đó, cảnh sát giao thông mà bắt được, thì tiền bán rau không đủ tiền phạt. Hơn thế nữa việc băng ngang qua hai đường cao tốc rất dễ bị tai nạn vì xe cơ giới lưu thông trên đó luôn luôn chạy với tốcđộ 100 km/giờ.
Còn ở dải phân cách đường gom thì thuận lợi nhất vẫn là những khoảng đất ở hai mép cầu chui dân sinh, bởi ở đó mới có lối vào dải phân cách. Người mót trước chọn được chỗ đó rồi, người mót càng sau càng phải vòng xa hơn.
Bà Nguyễn Thị Ngừng, chủ một vườn cải bẹ đang tốt mơn mởn, cho biết:
- Vì là đất đi mót, nên phải chọn loại cây càng ngắn ngày càng tốt, vì Nhà nước có thể lấy đất bất cứ lúc nào. Loại cải này của tôi chỉ vài tháng một lứa, mà cây mới năm phân, mười phân hay cây trưởng thành cắt tỉa bẹ, cỡ nào cũng bán được cả. Cỡ nào có giá cỡ đó. Thế nên cây mới lên được năm, sáu phân mà Nhà nước lấy đất trồng cỏ, trồng hoa, tôi đã có nguồn thu rồi. Còn vừa mới gieo xong mà Nhà nước lấy đất thì cũng chẳng tốn kém gì, vì giống rau rất rẻ, chỉ mất công vỡ đất thôi.
Tuy nói là "không tốn kém gì, chỉ mất công vỡ đất", nhưng kỳ thực, để có được một mảnh vườn có thể trồng rau được, cũng vô cùng vất vả, bởi đất mặt dải phân cách rất chặt do bị nén trong quá trình thi công, nhiều khi bổ cuốc xuống, lưỡi cuốc cứ bật cả lên.
Thứ hai là cỏ dại, đặc biệt là loại cây xấu hổ gai, đã mọc um tùm. Triệt được loại cây này tận gốc để không cho chúng mọc lại, không phải là chuyện dễ. Chính vì thế mà mồ hôi đổ vào những vườn rau này phải gấp năm gấp mười đất khác.
Nhưng khó nhọc, vất vả thì có hề gì với nhà nông, miễn là có miếng ăn.