Dùng cổ tay, kẹp chặt chiếc bút vào gò má, chị Hồng nắn nót viết từng vần thơ trên trang giấy. Cái cổ ngoẹo sang một bên khiến những vần thơ cũng như nằm nghiêng.
Ngày định mệnh
Căn nhà của mẹ con chị Hồng nằm im lìm cuối xóm Vỏ, xã Hoàng Lâu (Tam Dương, Vĩnh Phúc). “Ai đấy?”, một bà cụ già lên tiếng và bước từ bếp ra mở cổng khi nghe tiếng tôi gọi. Đó là bà Trần Thị Mấm, mẹ của chị Hồng. Ở cái tuổi 70 có lẻ, đôi mắt của bà nay đã mờ, phải ghé sát mới nhìn rõ mặt người. “Cái Hồng đang ở trong nhà đó, mấy hôm nay nó bị sốt”, bà Mấm rủ rỉ.
Trước mắt tôi là một người phụ nữ với thân hình không bình thường, chân tay co quắp. Dẫu vậy, nụ cười luôn thường trực trên môi cùng đôi mắt sáng. Bị sốt mấy ngày liền, lúc nóng, lúc lạnh, mồ hôi vã ra nhưng chị vẫn phải đắp chiếc chăn bông dày.
Nhiều người có cùng hoàn cảnh như chị gọi điện trò chuyện
Hồng sinh ra trong một gia đình thuần nông, có 5 anh chị em. Người cha mất bị bệnh mất sớm, một mình bà Mấm nuôi 5 người con trưởng thành. Trong 5 anh chị em, Hồng là người duy nhất mắc phải căn bệnh quái ác này. 9 tháng 10 ngày đợi chờ, niềm vui như vỡ òa với bà Mấm. Nhưng rồi, niềm vui chẳng tày gang, bà Mấm khóc ngất đi khi nhìn thấy chân tay đứa con bé bỏng của mình ngày càng teo tóp. Bà ôm con vào lòng và khóc. Bà đặt tên con là Trần Thị Hồng (sinh ngày 2/2/1980).
Vay mượn anh em, chòm xóm được chút tiền, bà Mấm đưa Hồng xuống Hà Nội để chữa bệnh. Kết quả xét nghiệm, Hồng bị một căn bệnh rất hiếm gặp, nhưng vẫn có thể chữa trị bằng phương pháp phẫu thuật chỉnh hình. “Các bác sĩ ở bệnh viện bảo chúng tôi đưa cháu về nhà bồi dưỡng, ăn uống đầy đủ, 3 tháng sau xuống phẫu thuật”, bà Mấm nhớ lại. Toàn bộ tiền thuốc thang, viện phí được bệnh viện hỗ trợ. Gia đình chỉ phải mất tiền đi lại, sinh hoạt.
Chị Hồng nắn nót từng dòng chữ
Hết 3 tháng, trong nhà không còn đồng nào đưa Hồng đi chữa bệnh, bà Mấm đành để con ở nhà trong nỗi tuyệt vọng. Một lần, nghe ở bên Tam Đảo có ông lang chữa bệnh giỏi, bà Mấm lại đưa Hồng đến chữa chạy. Nhưng rồi, bệnh tình của Hồng vẫn không chút thuyên giảm. Mọi sinh hoạt hằng ngày của Hồng đều do một tay bà Mấm.
Mẹ cũng là cô giáo
Đến 5 - 6 tuổi, Hồng bắt đầu nhận thức được rằng sao mình không giống như chúng bạn. “Nhìn lũ bạn chạy nhảy tung tăng, cắp sách đến trường buồn lắm chứ. Mọi người có bạn, mình không có bạn, không ai muốn chơi với người như mình đâu”, chị Hồng bùi ngùi. Đôi vai gầy gò của bà Mấm thành đôi chân của Hồng. Bà Mấm cõng Hồng đi chơi quanh xóm, ai cũng nhìn Hồng với ánh mắt tò mò, xen chút sợ hãi. Từ lần đó, Hồng không muốn đi đâu, chỉ quanh quẩn chơi trong nhà. Quắp chặt lấy chiếc ghế gỗ, Hồng vẫn có thể lê lết khắp nền nhà.
Sự nghiệt ngã vẫn tiếp tục chưa buông than cô bé Trần Thị Hồng. Bỗng một ngày, trên cánh tay của Hồng nổi lên nhiều mụn nhỏ. “Sau đó là những cơn sốt cao, co giật, chân tay nó bị co quắp hoàn toàn. Trước đó nó còn xúc được cơm ăn cơ mà”, bà Mấm kể trong nước mắt.
Bà Mấm, nay đã ngoài tuổi 70
Bà Mấm vừa là mẹ, vừa là cha đồng thời cũng là cô giáo của Hồng. Biết con muốn học chữ, bà Mấm đi mua bảng chữ cái về dạy cho Hồng. Hồng ê a đọc theo mẹ từng chữ cái a b c một cách ngọng nghịu. “Học chữ đau đầu lắm, nhiều khi đầu óc như muốn nổ tung. Nhưng nghĩ mình phải biết chữ để viết thư cho chị gái nên cố gắng học”, Hồng tâm sự.
Phải mất cả năm trời, Hồng mới có thể thuộc hết mặt con chữ. Học thuộc chữ đã khó nhưng với Hồng, viết chữ còn khó gấp vạn lần. Đôi tay co quắp của Hồng hoàn toàn không thể cầm bút. Hồng phải dùng cổ tay kẹp chiếc bút vào má rồi tập viết. Những con chữ nguệch ngoạc dần hiện ra. Chị gái Hồng theo chồng vào lập nghiệp trong TP. Hồ Chí Minh. Dòng chữ đầu tiên, Hồng viết thư gửi cho chị gái kể chuyện ở nhà. Đặc biệt, cuối thư Hồng luôn viết một câu “Chị đừng cho ai đọc thư nhé”. “Không phải có gì bí mật mà chị ngại người khác đọc được rồi chê chữ xấu thôi”, chị Hồng cười.
Sống là phải ước mơ
Từ chỗ chỉ viết thư cho chị gái, Hồng bắt đầu tập vẽ tranh. Tờ giấy nhàu nhĩ, vỏ bao thuốc lá, tường nhà, đâu đâu cũng có những bức tranh ngô nghê của Hồng. Thấy Hồng vẽ đẹp, bọn trẻ con trong xóm đến nhờ làm bài tập vẽ.
Một bức chân dung do chị Hồng vẽ
Từ người, lợn, gà, trâu, bò… đến phong cảnh, Hồng đều vẽ được. Mỗi lần vẽ hộ như thế, Hồng được bọn nhỏ cho cái bút hoặc vài tờ giấy trắng. Một hôm, trong đám trẻ con cầm đến một tờ giấy chép bài thơ. Điều đặc biệt, bài thơ này không có tựa đề, cũng không có tên tác giả:
“Tôi nghèo lắm xin ai đừng chê nhé
Đừng vì nghèo mà đổi trắng thay đen
Tuy đói rách nhưng tâm hồn tôi sạch
Đừng vì nghèo mà bỏ lỡ bạn thân...”
Thấy hợp với hoàn cảnh của mình, Hồng xin chép lại bài thơ đó và giữ đến bây giờ. Đêm nằm nghe chương trình ngâm thơ trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Hồng nảy ra ý định sao mình không làm thơ? Và đây là bài thơ đầu tiên Hồng viết:
“Tôi vừa là nhà thơ, lại là nhà viết kịch
Nhưng mà tôi không thích, mỗi khi ai chào tôi
Xin chào nhà thi sĩ
Thi sĩ gì đồ tôi
Chỉ là đồ bắt chước, theo mọi người mà thôi”
Lấy cảm hứng từ chính gia đình, làng xóm, trên ti vi, nghe đài, Hồng bắt đầu làm thơ nhiều hơn. Khi đến với thơ, Hồng yêu đời hơn, yêu cha mẹ, yêu anh em, yêu cả những bông lục bình tím trước nhà: “Mình yêu những đóa lục bình/ Khi mình nhìn thấy thì lòng sẽ vui”. Đôi khi, thơ của chị lại là nỗi nhớ da diết:
“Hôm nay tôi nhớ rất nhiều
Nhớ chị, nhớ bạn, nhất là người yêu”
Tôi hỏi, người yêu là ai mà nghe bí mật thế? Chị cười và bảo, làm gì có, đấy là người tưởng tượng ra thôi.
Bài thơ “Nhớ nhiều” mà chị Hồng rất thích
Đến nay, “gia sản” chị Hồng có được là 6 quyển thơ chép vào vở học sinh. Trong đó, 69 bài thơ của chị đã được NXB Văn học in thành tập thơ mang tên “Vần thơ không cháy hết”. Tập thơ đã được ra mắt bạn đọc năm 2012. “Sao chị không lấy bút danh khác mà lại là Lệ Hồng, nghe buồn lắm?”, tôi hỏi. Im lặng giây lát, chị bảo, vì cuộc sống có nhiều nỗi buồn mà.
Tập thơ “Vần thơ không cháy hết”
Mới rồi, một nhà hảo tâm gần nhà tặng chị chiếc laptop, dạy chị cách đánh văn bản, vào mạng. “Mình cũng có facebook nhé. Mình kết bạn được với nhiều người có hoàn cảnh như mình lắm”.
Căn nhà nhỏ của mẹ con chị Hồng xây từ năm 2007, nay vẫn chưa được trát tường. Trong căn nhà đó, không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ được một nhà hảo tâm tặng.
Dùng que đánh văn bản trên máy tính
“Tiền xây nhà do Hội Chữ thập đỏ tỉnh, xã, huyện cho một ít, còn lại là tôi đi vay. Đến nay vẫn chưa trả hết nợ chú à”, bà Mấm buồn buồn. Mỗi tháng, chị Hồng được tỉnh trợ cấp 600.000 nghìn đồng. Số tiền đó không đủ mua thuốc cho chị Hồng mỗi khi trái gió, trở trời. 4 người con của bà Mấm, hoàn cảnh cũng khó khăn nên không giúp đỡ được gì nhiều.
Chị Hồng thủ thỉ, giờ chỉ mong được đi phẫu thuật để có thể đi lại và mong sao thơ của mình có thể được xuất bản tiếp, có tiền giúp mẹ.