Loại máy bay cá nhân đang được xúc tiến mua bán trên thị trường
Ngày 26/10 vừa qua, thông tin về Cty Cổ phần Công nghệ Hành Tinh Xanh nhập về 10 máy bay tư nhân một lần nữa lại làm dư luận nóng lên về vấn đề máy bay cá nhân tại Việt Nam. Tiếp xúc với những cá nhân trực tiếp đưa những chiếc máy bay về Việt Nam, ngoài lí do công việc, họ cho rằng: “Muốn bình dân hóa dịch vụ hàng không tại Việt Nam”.
"MÁY BAY KHÔNG LÀ CÁI GÌ GHÊ GỚM…"
10 chiếc máy bay này được Cty Cổ phần Công nghệ Hành Tinh Xanh nhập về làm 2 đợt: Đợt 1 gồm 4 chiếc (đã về đến Cảng Hải Phòng, đang chờ hướng dẫn làm thủ tục để thông quan và lưu hành), đợt 2 gồm 6 chiếc (sẽ nhập về sau khi hoàn thành thủ tục cho 4 chiếc đầu tiên). 4 chiếc máy bay đã nhập về gồm 2 máy bay cánh bằng loại 2 chỗ ngồi ATEC 321 của nhà sản xuất ATEC v.o.s thuộc Cộng hòa Czech. Hai chiếc khác là máy bay cánh quạt trực thăng A600 Talon loại 2 chỗ ngồi Rotoway của Mỹ. Giá mỗi chiếc máy bay này dao động trong khoảng 100.00 euro.
Ông Cao Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Cty Hành Tinh Xanh lý giải ý tưởng mua máy bay cá nhân về Việt Nam để kinh doanh như sau: “Một lần, tôi cùng một số anh em thân thiết đi du lịch bên Thái Lan. Lần đầu tiên, họ được đi chơi bằng máy bay cá nhân, sau đó có người nói với tôi rằng đã được đi ăn uống, mua sắm đủ kiểu nhưng chưa lần nào được đi máy bay hay được ngồi trên ghế lái, cảm giác rất hứng thú. Từ câu nói này, tôi đã nảy sinh ý tưởng để thành lập Cty Hành Tinh Xanh. Ngoài tiền túi của tôi, còn có các anh em, bạn bè cùng đóng góp. Tôi cũng nói thẳng với họ rằng, chúng ta làm việc mấy năm, nếu lỗ tất cả cùng chịu. Mọi người đều đồng ý, dù biết cơ chế bây giờ còn khó khăn, muốn phá vỡ cơ chế để tạo nên một cái mới không phải dễ dàng gì. Nhập máy bay về nước là chúng tôi hoàn toàn tự bỏ tiền túi ra, tự nhủ là cứ làm thử theo sở thích, mất thì thôi”.
Ông Sơn cho biết, ông cùng bạn bè tham gia “phi vụ đặc biệt này” không phải vì mục đích muốn chơi ngông mà đơn giản chỉ là ý nghĩ về việc muốn mang tới một cái mầm, cái mới cho xã hội. “Tôi muốn người Việt Nam chúng ta cũng như thế giới có suy nghĩ rằng máy bay không phải cái gì ghê gớm lắm. Ít nữa chúng ta lại đào tạo việc lái máy bay thì người ta sẽ thấy lái máy bay cũng thường như lái ô tô, hai tháng ta có thể được cấp bằng và lái được. Ngồi thử lên máy bay và tự lái, chúng ta sẽ thấy rằng lái ô tô giống như lái xe máy. Xã hội mà người ta thấy máy bay cũng thường thôi là một xã hội tiến bộ”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Trần Văn Thắng, Giám đốc khu vực châu Âu - Cty Cổ phần Công nghệ Hành Tinh Xanh – chia sẻ lý do ông đưa “một đàn” máy bay cá nhân về Việt Nam để kinh doanh: “Tôi thấy người Việt Nam mình đi lại quá khổ, bạn bè tôi ở nước ngoài đều đi bằng máy bay riêng, rất tiện. Máy bay không chỉ giải quyết được các nhu cầu thiết thực mà nó phải đẳng cấp. Đẳng cấp vì sao? Tôi không nói đẳng cấp là nhiều tiền, nhưng sẽ đẳng cấp khi đi cấp cứu, họp hành, công tác mà đi bằng máy bay. Việc khai thác các tiện ích đặc biệt mà không phương tiện nào có được như rất nhanh chóng, không lo bị tắc đường chính là cái để thể hiện “đẳng cấp” của phương tiện đi lại”.
Mục đích quan trọng nhất của việc nhập khẩu 10 chiếc máy bay cá nhân này của Cty Hành Tinh Xanh là để kinh doanh, “bình dân hoá dịch vụ hàng không tư nhân” và mở các dịch vụ bay du lịch hoặc cứu trợ khẩn cấp.
CÓ LÀ CUỘC CHƠI RẮC RỐI?
Tuy chơi máy bay riêng thể hiện một đẳng cấp khác của người sử dụng nhưng với những điều kiện hiện nay của Việt Nam thì đây vẫn là một cuộc chơi xa xỉ, tốn kém và hết sức rắc rối.
Cái rắc rối đầu tiên là về thủ tục để được thông quan và lưu hành. Do đây là vấn đề mới (lần đầu tiên có đến 4 chiếc nhập về qua đường biển) nên phía Hải quan cần chờ ý kiến của các bộ ngành có liên quan. Hiện Cty Hành Tinh Xanh cũng chưa thể biết số phận của 4 chiếc máy bay cá nhân sẽ ra sao và khi nào được làm thủ tục.
Trường hợp máy bay của ông chủ Hoà Phát mua (máy bay trực thăng) thì thủ tục cấp phép bay còn rắc rối hơn bởi nó phải được phía Bộ Quốc phòng thẩm định và đồng ý, thời gian thường lên đến 7 ngày, thậm chí nhiều hơn.
Cái rắc rối thứ hai là thủ tục xin cấp phép bay. Đối với máy bay (loại nào cũng vậy), không phải cứ muốn, cứ thích là được cất cánh. Ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Hàng không là ngành đặc thù và không giống bất kỳ ngành vận tải nào, quy định của ngành hàng không rất nghiêm ngặt, đặc biệt là vấn đề an toàn bay nên không thể nói cứ có máy bay, xin vài thủ tục là có thể cất cánh. Để được cất cánh thì trước hết những chiếc máy bay đó phải được đăng ký thuộc sở hữu của một tổ chức hay cá nhân nào đó, ngoài ra còn rất rất nhiều thủ tục khác, những thủ tục này cần thời gian và rất phức tạp, vì vậy không phải cứ có tiền mua máy bay là bay được”.
Thông thường mỗi chiếc máy bay sẽ phải đáp ứng 4 loại thủ tục gồm cấp phép (chứng chỉ phân loại tàu bay, giấy chứng nhận đủ điều kiện bay); thủ tục cấp chứng chỉ cần thiết cho tổ bay (bằng lái, giấy phép...); thủ tục cấp chứng nhận hoạt động hàng không chung và thủ tục cấp phép bay. Muốn thực hiện các chuyến bay, doanh nghiệp phải có đơn xin cấp phép bay với các thông số kỹ thuật cụ thể, chặng bay.
Cụ thể, với máy bay riêng của bầu Đức (doanh nhân Đoàn Nguyên Đức), cứ mỗi lần muốn cất cánh là phải xin phép, nhanh nhất phải mất vài tiếng (nếu đặc biệt), thông thường phải mất 3 ngày. Trong trường hợp này, có khi mua vé máy bay thương mại đi còn nhanh hơn là dùng máy bay cá nhân. (Còn nữa)