Hầu hết người dân nuôi tôm ở ngoài đê Bình Minh 2 chẳng dám đầu tư vì không biết sẽ bị thu hồi đầm lúc nào
Gom hết gia tài, điền sản đổ vào công cuộc quai đê lấn biển chẳng người dân nào tính đến cái ngày chính quyền “xuống lệnh” thu hồi. Người ta bảo “quay đầu là bờ”, nhưng với những người dân bám biển, quay đầu bây giờ là biển nợ, là bước đường cùng bởi chẳng biết tìm đâu kế sinh nhai.
>> Phận… mô hình
>> Dưới biển sợ thiên tai, trên bờ sợ “độc chiêu” của xã
>> Chưa “bò”, đã lo “chạy”
>> Bão nợ chồm lên cơn sóng
>> Bi kịch sau những chiến công
>> Ký sự đời biển “bạc”…
Đặt chân xuống biển, hết đường lên bờ
Dù đã có “trát” của UBND huyện Kim Sơn dừng đầu tư và chấm dứt hợp đồng từ năm 2009 nhưng vùng bãi bồi khai hoang nằm giữa đê Bình Minh 2 và Bình Minh 3 vẫn còn khoảng 500 hộ dân ở các xã Cồn Thoi, Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông đầu tư ao đầm nuôi tôm quảng canh. Được biết, khu đầm này đang có một dự án du lịch sinh thái chuẩn bị đầu tư nhưng những người “nuôi tôm chui” này giải thích: “Dự án quy hoạch treo, trong lúc chưa có động thái gì thì chúng tôi vẫn cứ làm. Bởi nếu không làm thì gia đình biết lấy cái gì mà ăn?”.
Vùng bãi bồi đang sôi động “nuôi tôm chui” thực chất là bãi hoang hóa, ngày xưa chẳng mấy ai dòm ngó tới. Chỉ đến khi vùng nuôi tôm quảng canh hình thành, cơ sở hạ tầng mọc lên, đầm ra đầm, ao ra ao với hệ thống đê bao kiên cố thì dự án du lịch sinh thái ấy mới nhảy vào. Có lẽ cũng chính vì dựa vào cái thế ấy mà những người dân dọc dải biển Kim Sơn vẫn âm thầm “đầu tư chui” vào các vụ tôm dù bản thân họ chẳng biết UBND huyện sẽ thu hồi lúc nào.
12 năm trước, khi bãi bồi này còn là vùng biển hoang sơ, sóng vỗ ầm ập suốt ngày đêm thì gia đình Hoàng Văn Dục ở xã Cồn Thoi đã dắt díu nhau ra đây lập nghiệp. Cái duyên với biển mà theo lời Dục nó đến từ 2 lý do: “Thứ nhất là làm ruộng nghèo quá, nhà chỉ được chia 2 khẩu, mỗi khẩu 1,2 sào nên không đủ sống. Thứ hai là thấy nhiều nơi người ta bám biển để phát triển kinh tế, biển quê mình lại rộng mênh mông mà chẳng ai làm gì nên vợ chồng bàn nhau ra đây lập nghiệp”. Tính toán là thế, khát vọng là thế, nhưng tôi cam đoan rằng nếu biết có kết cục ngày hôm nay thì ngày ấy dù có khổ mấy, đói mấy đôi vợ chồng này chắc hẳn chẳng bao giờ dám đặt chân đến biển. 12 năm đằng đẵng đổ dồn bao công sức, tiền bạc “ngày hôm nay” của vợ chồng, con cái Dục là đắng cay, chua xót vì cảm giác bị cướp đi những giọt mồ hôi, là nợ nần, là hoàn cảnh bi đát “đi cũng dở ở không xong”.
Sau khi khoanh được đất giữa mênh mông nước biển, Dục phải huy động thêm anh em ra chung sức, chung vốn ngăn bờ ghép bãi để sản xuất. Cứ hai người ước lượng một ô rồi cắm cọc ngăn bờ. Sóng biển Kim Sơn dường như cũng tiên đoán trước số phận những người nông dân có máu khai hoang nên “can ngăn” bằng việc cuốn ra biển tất cả số đất anh em Dục quai đê đắp ngày hôm trước. Phải kiên trì lắm nhóm người đầu tiên ra biển Kim Sơn mới bám trụ được để tiếp tục sự nghiệp nuôi trồng thủy sản. Công sức ấy đổi lại được gì?
Dục làm phép tính đơn giản: 12 năm đầu tư, chỉ riêng tiền quai đê, đắp bờ, hỏng đến đâu sửa sang đến đấy đã tốn ít nhất 200 triệu đồng. Toàn bộ số đó đều phải thế chấp sổ đỏ đất thổ cư để vay ngân hàng cả. Nếu bây giờ chính quyền thu hồi gia đình anh phải quay về với 2,4 sào ruộng. Mỗi năm thu hoạch hai vụ, không ăn không uống, không chi tiêu sinh hoạt thì ít nhất vài chục năm nữa mới trả hết nợ ngân hàng.
Đâu chỉ gia đình Dục lâm vào cảnh “hết đường quay về”. Khắp bãi đầm nằm giữa đê Bình Minh 2 và 3, những hộ nào còn đánh liều “nuôi chui” chính là những hộ “dừng lại là chết”. Bởi hầu hết trong số họ đều đầu tư bằng tiền nợ ngân hàng.
Đầu tư kiểu chờ… thu hồi
Đã hơn hai năm kể từ ngày UBND huyện Kim Sơn chấm dứt hợp đồng với các chủ đầm nhưng dự án du lịch sinh thái vẫn chẳng thấy triển khai. Tiếc đất, tiếc công sức mình bỏ ra, người dân các xã ven biển lại rủ nhau ra đầu tư nuôi tôm tiếp. Chỉ có điều bây giờ họ đầu tư trong lo sợ. 500 hộ dân đầu tư nuôi tiếp đều làm theo kiểu chỉ bỏ tiền giống, tiền thuốc, tiền thức ăn… Tuyệt nhiên chẳng còn ai dám bỏ tiền bạc ra để đổ vào đê, vào ao đầm nữa cả.
Cạnh đầm tôm Hoàng Văn Dục là khu nuôi thả rộng gần 2 ha của người em rể Nguyễn Văn Tường ở xã Kim Đông. Vụ “đầu tư chui” này đê bao, bờ đầm của gia đình Tường nhiều chỗ đã hỏng hóc nhưng vợ chồng con cái rủ nhau khắc phục được chỗ nào hay chỗ nấy. Họ quan niệm: Thà bỏ sức người ra mất còn xoay xở được chứ bỏ tiền ra bây giờ mà bị thu hồi thì chỉ có chết. Hai vợ chồng, 4 đứa con nhà Tường từ hồi làm tôm đã bỏ ruộng. Nợ nần bao nhiêu cũng không nhớ hết. Chỉ biết nếu bán căn nhà đang ở cùng toàn bộ gia sản thì chỉ trả được một phần rất nhỏ. Nếu hoàn cảnh này đến vào những năm chưa có lệnh chấm dứt hợp đồng thì có lẽ khả năng trả còn có thể nghĩ tới. Bởi thời điểm đó, mỗi một vụ tôm, trừ đi chi phí gia đình anh có thể lãi từ 50-70 triệu đồng/ha.
Và nếu biết huyện sẽ thu hồi thì có lẽ hai vợ chồng Tường sẽ tính đến chuyện trả nợ dần chứ chẳng dám đổ hết gia sản vào hồ tôm. “Chẳng ai biết trước được điều gì. Mong muốn bọn em chỉ đơn giản là có đất để sản xuất lâu dài. Nếu có đất thì nợ mấy cũng trả được. Ngày chưa thu hồi mỗi vụ xuống giống 3-4 chục triệu cũng đơn giản. Bây giờ quay nhìn lại, từng ấy tiền khổng lồ lắm rồi, chạy đôn chạy đáo mà chẳng biết lấy gì để trả”.
Đầu tư công sức vào ao đầm để phát triển nghề nuôi tôm ven biển, những hộ dân ven biển Kim Sơn thực sự đã kiệt quệ lắm rồi. Họ chân lấm tay bùn, xem chính quyền địa phương là một thế lực kiểu “miệng nhà quan có gang có thép”. Nhưng bây giờ, trước nguy cơ bị “cướp công” họ chẳng ngần ngại tuyên bố: “Nếu không xử lý hợp tình hợp lý, nếu chính quyền xem các doanh nghiệp “nặng” hơn dân thì chúng tôi sẵn sàng làm Đoàn Văn Vươn, sẵn sàng gây ra một vụ Tiên Lãng trên đất Ninh Bình". Tất nhiên chúng ta- và cả những người nông dân ven biển Kim Sơn đều không mong điều đó.
Mong muốn của vợ chồng Tường cũng là nguyện vọng của tất cả người dân đang phải làm cái việc bất khả kháng là “nuôi tôm chui”. Mong là mong vậy chứ hỏi mong ai thì họ cũng chẳng biết. Bởi ngay cả diện tích đầm họ đang làm, huyện hay tỉnh quản lý họ cũng chịu. Thành thử bây giờ những người dân ven biển Kim Sơn này xem nhà báo như cứu cánh. “Báo chí có kêu được cho dân thì kêu chứ chính quyền địa phương chúng tôi đã kêu nhiều lắm mà có ích gì đâu”, Tường phàn nàn.
Đem những tâm tư của người dân bám biển huyện Kim Sơn, chúng tôi tìm gặp lãnh đạo huyện. Tuy nhiên, trái với mong muốn của mình, đi đến đâu, chúng tôi cũng nhận được những sự từ chối khéo léo. Lần đầu tiên, bà Lê Thị Hoa, Chủ tịch UBND huyện, cáo bận họp. Tiếp theo, sau nhiều lần chúng tôi liên lạc, người đứng đầu chính quyền huyện đều khéo léo từ chối bằng nhiều cách. Ngay như Trưởng phòng NN- PTNT huyện, ông Trần Văn Công, cũng nói rằng, việc thuê đất nuôi trồng thủy sản của huyện Kim Sơn là một câu chuyện dài, chính quyền huyện cũng muốn cho dân thuê lâu dài, nhưng còn vướng trên tỉnh, vì thực chất, huyện chỉ được “thừa ủy quyền” cho dân thuê thời hạn ngắn, vì diện tích này thuộc sự quản lý của tỉnh và của Bộ đội Biên phòng.
Một lãnh đạo huyện Kim Sơn (xin được giấu tên), nói rằng, hiện diện tích bãi biển trên đang được một vài doanh nghiệp “chim đầu đàn” của tỉnh “nhăm nhe” để làm khu du lịch tâm linh, dựa trên truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân, vì bãi biển này vốn gắn liền với dải núi. Và, bởi cũng chưa biết tỉnh quyết định thế nào nên quy hoạch thủy sản làm “mũi nhọn kinh tế” của huyện đang phụ thuộc vào điều này.