Lẫn trong dòng người qua lại như mắc cửi giữa đường phố Sài Gòn, có một người đàn ông bị liệt cả 2 chân, đang chậm rãi từng bước trên đôi nạng gỗ. Đó là nghệ sĩ Lưu Văn Dự (nghệ danh Đoàn Dự), người đã khiến hàng triệu trái tim phải lay động bởi những nốt nhạc anh tạo ra không phải từ đôi bàn tay mà từ… đôi hàm răng. Anh được sách kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là “Nghệ sĩ khuyết tật chơi đàn ghita bằng răng duy nhất tại Việt Nam” năm 2009.
VƯỢT LÊN NGHỊCH CẢNH
Đoàn Dự là con thứ 6 trong gia đình có 9 anh em. Cậu chào đời vào một buổi chiều tháng 5 năm Kỷ Sửu (1949) trong ngôi nhà nhỏ trên đường Pasteur, Q.1, TPHCM (nơi gia đình anh đang sống). Khi đó, lá số tử vi nói đường hôn nhân, gia đạo, vợ con…của cậu rất tốt. Thế nhưng, không lâu sau đó, tai họa đã bất ngờ ập xuống. Đó là năm 6 tuổi, căn bệnh sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân của cậu.
Những ngày tháng sau đó thật nặng nề, dù còn ở cái tuổi măng non, nhưng nhìn các bạn chạy nhảy, nô đùa, còn mình thì luôn phải có người ẵm bồng, cậu đã thấy viễn cảnh tương lai u tối phía trước. Chính vì nghĩ mình là người bỏ đi nên cậu không nghĩ đến chuyện học hành. Nhưng thật may mắn, lúc đó cậu vẫn còn thú vui duy nhất là ngồi nghe, xem đôi tay điêu luyện của người anh ruột (nhạc sĩ Dũng Đạt - PV) lướt trên phím đàn. Năm 12 tuổi, cậu đề nghị anh trai dạy đàn cho mình, người anh đồng ý với điều kiện cậu phải đi học. Và, kể từ năm 14 tuổi, cậu bé Dự bắt đầu gắn bó với cây đàn.
Chỉ sau 2 năm ôm đàn, Dự đã làm người anh và cả những nhạc sĩ tên tuổi như Duy Ngọc, Hùng Cường, Duy Khánh phải ngạc nhiên bởi ngón đàn điêu luyện của cậu. Kể từ đó, mỗi lần đi biểu diễn, các anh đều dắt Dự theo cho… diễn ké.
Nghệ sĩ Đoàn Dự đang “tấu” khúc “Hãy yên lòng mẹ ơi” của Lư Nhất Vũ
"Lần đầu tiên lên sân khấu, tôi run quá nên xin đạo diễn chương trình cho kéo màn lại, khi tôi đã ngồi trên ghế rồi mới kéo màn ra. Nhìn cậu bé mặt non choẹt đệm nhạc khá nhuyễn, khán giả rất thích thú. Nhận những tráng pháo tay không ngớt của khán giả, mình đã khóc như một đứa trẻ. Rồi sau đó, thêm một lần nữa tôi rơi nước mắt khi lần đầu tiên cầm đồng tiền do chính mình làm ra. Sau đêm ra mắt đó, tôi thường xuyên được mời đi biểu diễn tại các tụ điểm ca nhạc và không còn ngại ngùng với đôi chân mình nữa, cứ chống nạng đi thẳng lên sân khấu”, Đoàn Dự bồi hồi kể lại, nét mặt anh vẫn tràn đầy cảm xúc như câu chuyện mới diễn ra hôm qua.
Năm 1970, tiếng đàn của Đoàn Dự đã làm trái tim một thiếu nữ rung động. Bất chấp sự phản đối của gia đình, cô gái ấy đã nguyện gắn bó cuộc đời mình với người đàn ông tật nguyền nhưng tài hoa này. Người con gái ấy là chị Lê Thị Thanh, vợ anh bây giờ.
"Tôi không nghĩ mình là người thiếu may mắn, bởi vì tôi hạnh phúc khi mang lại niềm vui cho mọi người. Sau đó, tôi lại có hạnh phúc gia đình khi được một người con gái để mắt tới", Đoàn Dự vừa nói vừa nhìn người vợ đang ngồi bên cạnh bằng ánh mắt chan chứa yêu thương.
Lúc tôi ngỏ ý muốn chụp nghệ sỹ vài kiểu ảnh, người vợ liền đứng lên đi lấy một bộ đồ khác tươm tất hơn cho chồng thay và cầm cây lược âu yếm chải mái tóc dài cho anh. Nhìn nét mặt họ, tôi biết họ rất hài lòng về nhau, dù kinh tế gia đình còn khó khăn. Dường như để bù đắp cho những thiệt thòi về hình thể, số phận đã cho vợ chồng nghệ sĩ Đoàn Dự 3 người con trai khỏe mạnh, ăn học nên người và đều nối nghiệp cha.
KHỔ LUYỆN ĐỂ TRỞ THÀNH “ĐỘC NHẤT”
Nói về việc khổ luyện để chơi đàn bằng răng, Đoàn Dự kể: “Năm 30 tuổi, khi đã có tên tuổi trong làng nhạc ở Sài Gòn, cũng là lúc tôi nhận ra mình còn thiếu một cái gì đó. Rất nhiều đêm tôi nằm suy nghĩ nếu một lúc nào đó không còn sức, ngón đàn không còn sức hút để kéo khán giả đến với mình nữa thì sao? Bạn bè cũng gợi ý tôi nên luyện thêm một “chiêu độc” nào đó để giữ khán giả. Nói nghe rất có lý, nhưng cơ thể tật nguyền như vầy có thể làm được gì ngoài đôi tay gẩy đàn?”.
Và đây là ngón đàn răng “độc nhất vô nhị” của Đoàn Dự
Và, một lần nữa, số phận lại mỉm cười với Đoàn Dự. Một lần xem chương trình ca nhạc quốc tế, anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy tay ghita huyền thoại người Mỹ Jimi Hendrix gẩy đàn bằng răng. Ngay lập tức, trong đầu Đoàn Dự đã lóe lên ý định thử tập ngón đàn này. Kể từ đó, bất cứ lúc nào có thể là anh lại lấy đàn ra "cắn".
"Phải nói dùng răng gẩy đàn khó gấp ngàn lần dùng tay. Nhiều tháng trời tôi kiên trì tập luyện nhưng không ra tiếng đàn. Trái lại, chỉ sau vài tháng luyện đàn bằng răng, tôi đã sút mấy ký vì dây đàn làm răng ê buốt, môi, miệng lúc nào cũng rướm máu, không nuốt nổi cơm. Khi thử bằng ghi ta điện, còn bị điện giật tê cứng hai hàm răng. Và mỗi lần đàn đứt dây, lại bị dây đàn quất rất mạnh vào mặt, đau rát", Đoàn Dự kể.
“Ước mơ cuối cùng trong cuộc đời của tôi là được một lần đi lưu diễn khắp nước, và sau đó được khẩy ngón đàn bằng răng cho bà con Việt Nam ở nước ngoài nghe. Nhưng có lẽ, đó là điều không thể, bởi vì cuộc sống còn quá nhiều khó khăn”, Đoàn Dự nói. |
Đau đớn, khó khăn là vậy, nhưng với suy nghĩ “đây là con đường duy nhất để mình bước đi một cách đĩnh đạc” và khát khao được tiếp tục đứng trên sân khấu đã cho Đoàn Dự một nghị lực phi thường: 3 năm ròng tập luyện mới gẩy trọn bài "Hãy yên lòng mẹ ơi", sau đó là bài "Bảy ngày đêm gian khổ".
Nói về những ngày tháng khổ luyện của chồng, chị Thanh nhớ lại: “Lúc ấy, tôi nửa muốn anh cố gắng để phát triển nghệ thuật, nửa muốn anh dừng lại vì thấy anh tập luyện quá khó khăn, vất vả. Mỗi lần nhìn đôi môi rướm máu của anh, tôi lại thấy long mình như có muối xát. Nhưng, tôi hiểu quyết tâm làm đến cùng của anh nên chỉ còn cách động viên".
Phút thư giãn của Đoàn Dự với cháu nội
Năm 1980, lần đầu tiên khán giả đã bị “thôi miên” bởi những nốt nhạc du dương được gẩy lên từ 2 hàm răng Đoàn Dự. Ngay sau đó, những hợp đồng mời anh biểu diễn được gửi về tới tấp, khi ở miền Trung, lúc tận miền Bắc, khi về miền Tây... “thời gian đầu, nhiều người không tin tôi chơi đàn bằng răng nên nhiều lần đợi tôi diễn xong, họ mang đàn đến, xung quanh không có dàn nhạc và yêu cầu tôi gẩy. Nghe xong họ mới thực sự tin”. Đoàn Dự vừa kể vừa cười, phô hàm răng chắc khỏe và đôi mắt lấp lánh niềm vui. Đến nay, “gia tài” của Đoàn Dự là hơn 30 bài nhạc gẩy bằng răng nhuần nhuyễn, sắc sảo, hoàn toàn chinh phục lòng người.
Nghe danh Đoàn Dự, nhiều người tìm đến bái sư học… đàn. Rất nhiều người trong số này đã thành danh như ca sĩ, tay trống Khắc Triệu, hay “quái kiệt” ghita Khánh Dư. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ai học nổi ngón đàn răng của sư phụ. “Rất nhiều em đã thử tập ngón đàn răng của tôi nhưng không ai chịu nổi vì đau đớn, lại mất quá nhiều thời gian. Riêng Khánh Dư, tuy không học được đàn răng nhưng lại luyện được tuyệt chiêu “đàn giấu mặt”, tức là gảy đàn trong tư thế cây đàn nằm ở sau lưng”, Đoàn Dự nói.