| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 02/05/2013 , 10:27 (GMT+7)

10:27 - 02/05/2013

Đừng có nhân danh "quần chúng"

Những người có lương tâm bắt đầu cảm thấy lo ngại việc một số địa phương sử dụng "quần chúng" vào các hoạt động công vụ.

Ngay sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP Hải Phòng kiểm tra, làm rõ vụ việc báo chí nêu về vụ ẩu đả, xô xát giữa những người dân xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng - TP Hải Phòng với các đối tượng côn đồ xảy ra trưa 21/4 vừa qua, đã có 1 đối tượng bị bắt, 3 đối tượng ra đầu thú và vụ án "gây rối trật tự công cộng" được khởi tố.

Đây sẽ là kết quả kiểm tra, xử lý mà Hải Phòng sẽ báo cáo Thủ tướng trước ngày 5/5. Trước đó việc "côn đồ tham gia giải phóng mặt bằng" đã được hàng loạt các tờ báo đăng tải, chỉ rõ những dấu hiệu về việc hàng chục tên côn đồ tham gia gây hấn với người dân thuộc diện bị thu hồi đất cho dự án của một doanh nghiệp.


Khu vực xảy ra vụ xô xát

Chi tiết cụ thể về việc nhóm hàng chục thanh niên hung hãn kia có vai trò thế nào trong vụ cưỡng chế Bộ Công an và UBND TP Hải Phòng có trách nhiệm làm rõ, báo cáo Thủ tướng, song những người có lương tâm bắt đầu cảm thấy lo ngại việc một số địa phương sử dụng "quần chúng" vào các hoạt động công vụ, như tham gia điều tiết giao thông, dẹp hè đường, lòng đường, bắt hàng rong, ăn xin, tham gia giải phóng mặt bằng, cưỡng chế xây dựng trái phép v.v...

Thực tế thì sự tham gia của "quần chúng" nói trên ở một số nơi đã khắc phục tình trạng thiếu người của các cơ quan chức năng, góp phần đưa chủ trương "nhân dân làm chủ" vào thực tế, dân sự hóa quan hệ công dân - chính quyền, đảm bảo tính tự quản, tự chịu trách nhiệm... Thậm chí ở một số vụ việc nổi cộm, bức xúc, nhạy cảm, sự tham gia của lực lượng này còn có tác dụng cô lập kẻ xấu, hóa giải nhiều âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch...

Tuy nhiên mặt tích cực chưa đong đếm được rõ ràng thì mặt trái bắt đầu bộc lộ, mà thể hiện rõ nhất chính tại Tiên Lãng, Hải Phòng trong vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn cách đây hơn 1 năm. Trong vụ việc này một số "quần chúng" được xã thuê trông nom đầm tôm đã gây hấn và cản trở hoạt động của phóng viên, đem lại tiếng xấu cho chính quyền; một số hung hăng tham gia đập phá nhà đương sự ở ngoài khu vực cưỡng chế khiến cán bộ chỉ huy các cuộc này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản...

Tại một số vụ việc nóng ở địa phương khác, nhiều "quần chúng" quá tích cực đã gây thương tích cho đối tượng bị trấn áp khiến chính quyền rất mang tiếng. Hơn thế, thói quen sử dụng các biện pháp không chính danh như thế còn đem lại nguy cơ lớn hơn: gây đảo lộn trật tự xã hội, gây mất lòng tin của người dân vào cơ quan nhà nước. Vì thế với vụ xô xát mới nhất ở Tiên Lãng, chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đã rất kịp thời, bởi chỉ có làm rõ, xử lý nghiêm minh các hành vi xấu nhân danh "quần chúng" thì mới xử tận gốc hiện tượng "tự xử" trong dân do thiếu niềm tin vào chính quyền và mới làm người dân yên tâm.