| Hotline: 0983.970.780

Công khai bán... thịt dỏm!

Thứ Sáu 21/12/2012 , 10:11 (GMT+7)

Chi cục Kiểm lâm TP.HCM khẳng định, các món như heo rừng, chồn, cheo, sóc, vú dê… quảng cáo, bày bán trên thị trường hầu hết là hàng giả...

Càng về cuối năm, giới kinh doanh thịt thú rừng “rởm” càng làm ăn phát đạt khi nhu cầu mua loại “đặc sản” này tăng cao. Chi cục Kiểm lâm TP.HCM khẳng định, các món như heo rừng, chồn, cheo, sóc, vú dê… quảng cáo, bày bán trên thị trường hầu hết là hàng giả, được ngụy trang bằng nhiều công đoạn ngâm tẩm hóa chất độc hại.

“KÉO DÀI” + HÓA CHẤT = CHEO, CHỒN HƯƠNG!

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Đình Cương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM khẳng định: “Chỉ cần hành vi quảng cáo, giới thiệu món thịt rừng trên thực đơn hay biển hiệu (không cần bị phát hiện mua bán, kinh doanh) cũng đã bị xử phạt nặng rồi. Chính vì thế, thời gian gần đây, khi Chi cục tiến hành kiểm tra một số nơi nghi có kinh doanh thịt rừng, hầu hết đều phát hiện họ kinh doanh thịt rừng giả, đánh lừa người tiêu dùng”.

Trong số này, chợ thịt rừng Phạm Viết Chánh nằm ngay trung tâm quận 1, TP.HCM luôn trở thành tâm điểm chú ý của giới ham nhậu hàng “độc”. Có mặt tại đây lúc xế chiều, PV ghi nhận gần chục quán với đội ngũ nhân viên hùng hậu vài chục người tràn ra đường mời chào, níu kéo khách đi đường và công khai giới thiệu thịt nai, heo, chồn hương, cheo, nhím… 100% bắt tại các khu rừng có tiếng trên Tây Nguyên, Đông Nam bộ.


Thịt heo nái ngâm hóa chất và huyết tươi...\


... sau đó cho “ra lò”


... và bày bán thành heo rừng “xịn” lừa người tiêu dùng

Đặc biệt, tất cả các quán kinh doanh này chỉ quảng cáo bán thịt thú rừng bằng… miệng, hoàn toàn không có bất cứ biển hiệu, bảng quảng cáo nào phạm luật. Thậm chí đơn giản đến mức, các quán chỉ đặt tên Cô Sáu, Dì Năm, Chị Ba, Bích Ngọc… để không bị đội cơ động kiểm lâm “hỏi thăm”. Kiểm chứng món thịt rừng “đểu”, PV đã mua 1 ký thịt heo rừng với giá 150.000 đồng tại quán Bích Ngọc và đem hỏi một cán bộ kiểm lâm. Nhìn miếng thịt săn chắc, da vàng rộm, huyết tươi còn thấm ướt đẫm, vị này nói ngay: “Đích thị miếng ba rọi thịt heo nái được khò gas cho vàng da, săn mỡ, sau đó ướp thêm phooc-môn cho cứng thịt và có thể tươi vài ngày”.

Đặc biệt, món thịt “độc” là chồn, cheo có giá 400.000 - 500.000 đồng/kg hầu hết được làm từ thịt thỏ hoặc mèo. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM khẳng định, rất nhiều lần đội kiểm lâm cơ động bất ngờ kiểm tra tại đây đã phát hiện họ dùng thỏ để giả làm thịt cheo và chồn hương. “Bằng cách nào đó, họ đã khò gas và kéo dài con thỏ ra để cho giống cheo, chồn và bán với giá rất cao”.


Thỏ, mèo được “kéo dài” + tẩm hoá chất cho giòn, dai (hình 5+6) để “hô biến” thành đặc sản cheo, chồn hương

Theo tiết lộ của một cán bộ thú y thì việc kéo dài con vật ra và làm thịt săn chắc, ít mỡ, có màu sắc bắt mắt không quá khó. Đơn cử như thỏ và mèo, trước khi làm thịt sẽ bị bỏ đói cho teo tóp, bớt mỡ, sau đó cắt tiết, mổ bụng moi hết bộ lòng và quết phooc-môn cho thịt săn cứng lại (do thịt thỏ và mèo khá mềm). Công đoạn tiếp theo là chặt bỏ hai tai (có nơi cắt bỏ luôn đầu), sau đó dùng gas để khò da cho vàng ruộm. Dưới sức nóng, hai người sẽ kéo căng con vật ra (tạo hình dáng dài như cheo, chồn hương), sau đó dùng phẩm màu vàng quết lên toàn thân để “hô biến” thành đặc sản có giá trị cao gấp cả chục lần! Các con vật khác hầu hết cũng được làm theo công đoạn tương tự để đánh lừa người tiêu dùng ham món lạ như heo rừng làm từ heo nái, nai rừng làm từ thịt bò tơ; mang, mễnh (chó rừng) làm từ chó nhà đánh bả…

VÚ HEO THỐI TRUNG QUỐC THÀNH… VÚ DÊ

Để tiếp cận đường dây đưa vú heo thối từ Trung Quốc vào VN, PV NNVN đã được một nguồn tin cung cấp số điện thoại di động 0916.9384… của một đối tượng tên Hải Đăng chuyên chở vú dê “đểu” chạy từ Bắc Giang vào TP.HCM. Khi PV liên hệ hỏi mua một lượng lớn vú heo Trung Quốc cho quán dê mới mở, lập tức giọng một người đàn ông đầu dây bên kia tỏ ra nghi ngờ, hỏi đi hỏi lại: Lấy số điện thoại của ai, ở đâu, tại sao biết xe này chở vú heo? Sau khi nhận được câu trả lời hợp lý, tay này nói: “Trước đây người ta thuê chở nhiều, nhưng dạo này bị kiểm tra gắt lắm. Nếu anh muốn mua số lượng lớn để tôi báo cho mối nhập hàng từ Trung Quốc về…”.

Theo một cán bộ thú y, đây chỉ là một trong hàng chục đối tượng chuyên chở vú heo thối có nguồn gốc từ Trung Quốc vào VN. Các trạm kiểm dịch động vật tại cửa ngõ ra vào TP.HCM thời gian qua đã bắt được nhiều lô hàng vú heo bốc mùi hôi thối vận chuyển từ Trung Quốc vào phía Nam tiêu thụ. Điều đáng nói, số vú heo này sau khi vào các chợ hay quán nhậu đều được “hô biến” thành món vú dê đặc sản, có giá trị cao gấp vài lần. Trạm KDĐV Thủ Đức từng bắt giữ một lô hàng cực lớn lên tới trên 3 tấn vú heo đã thối rữa, bên trong dòi bò lúc nhúc, được một đối tượng vận chuyển từ Nam Định vào TP.HCM để bán cho các nhà hàng giả làm món… vú dê nướng. Để xử lý hết mùi thối và dòi, các nhà hàng thường dùng bột tẩy trắng sodium hyposulfite, sau đó “tráng” qua nước tẩm hàn the để đảm bảo món vú heo thối sẽ giòn, dai như món vú dê xịn!

Tiếp tục kiểm chứng thực tế, PV đã đến hai chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) và chợ Phú Lâm (quận 6) để tìm mua món vú dê “đểu”. Điều lạ là hầu hết các sạp bán thịt đều không trưng món “đặc sản” này lên bàn, chỉ khi nào khách hỏi mới đi lấy. Tại chợ Phú Lâm, PV đã đi theo một chủ sạp bán thịt vòng ra phía sau vài chục mét để “chộp” được nơi cất giữ vú heo Trung Quốc là một thùng đá ướp lạnh bẩn thỉu. Sau khi trả 100.000 đồng để lấy 5 lạng vú dê “đểu”, PV thắc mắc tại sao có mùi hăng hắc, tái nhợt và chất nhờn nhiều thế? Chị này liền nói: “Thì người ta giao sao tôi bán vậy. Anh cứ về rửa nước muối thật kỹ vài lần là… hết ngay thôi!”.

Theo tìm hiểu của PV, dê không phải vật nuôi chủ lực của VN, chỉ được nuôi rải rác ở một số vùng, trong đó dê nái chỉ chiếm một lượng nhỏ. Thông thường, để có món vú dê thì buộc phải mổ dê nái và trung bình chỉ có khoảng 1 kg vú/con. Chính vì thế, món vú dê cực hiếm, dân nhậu bình thường khó có cơ hội được thưởng thức. Một cán bộ thú y khẳng định: “Gần như 100% quán thịt dê trên địa bàn TP.HCM đang lừa thực khách ăn toàn món vú dê Trung Quốc ngâm tẩm hóa chất. Nếu là vú dê thật, có lẽ giết mổ sạch bách đàn dê nái của tỉnh nuôi nhiều dê nhất phía Nam là Ninh Thuận cũng không đủ cung cấp cho dân nhậu TP.HCM được… 1 tuần!”.

+ Ông Nguyễn Đình Cương – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM:

Bất cứ hành vi quảng cáo mua bán trái phép thịt thú rừng (kể cả quảng cáo giả mạo) cũng bị xử phạt nặng theo Nghị định 99 của Chính phủ. Nếu chúng tôi phát hiện họ nuôi nhốt ĐVHD thuộc nhóm 1B mà không có giấy tờ, nguồn gốc hợp pháp sẽ xử phạt lên tới 75 triệu đồng. Trường hợp các đối tượng thực hiện hành vi mua bán trái phép ĐVHD thuộc nhón 1B sẽ bị xử lý hình sự, dù chỉ 1 hoặc 2 con.

Riêng tại khu vực đường Phạm Viết Chánh, đội kiểm lâm cơ động đã nhiều lần đột kích kiểm tra, phát hiện các đối tượng có trà trộn thịt thú rừng vào kinh doanh nên tiến hành xử phạt, răn đe nhiều lần. Sau này họ chuyển qua hình thức kinh doanh thú rừng rởm, đánh lừa thực khách ham món lạ. Chi cục khuyến cáo người dân cảnh giác với hành vi lừa đảo này để tránh “tiền mất, tật mang”. Chi cục cũng sẽ phối hợp với lực lượng liên ngành theo dõi, kiểm tra chấn chỉnh vấn đề này.

 

 

+ Theo tìm hiểu của NNVN, một số hộ kinh doanh tại khu vực Phạm Viết Chánh như bà Nguyễn Thị Xê, Nguyễn Thị Tuyết… được UBND quận 1 cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP kinh doanh, mua bán thịt bò, bê thui, thịt heo. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh này thường “núp bóng” chợ thịt rừng để đánh lừa thực khách, đồng thời khi có đoàn kiểm tra đến làm việc thì đưa ra giấy chứng nhận này như “bùa hộ mệnh” cho tính hợp pháp của mình!

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm