| Hotline: 0983.970.780

Bội ước với dân

Thứ Hai 12/08/2013 , 09:51 (GMT+7)

Biên bản thỏa thuận giữa chính quyền xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội) với 14 hộ dân nơi đây về việc đổi đất ao lấy đất thổ cư để mở rộng con đường từ năm 1997 đến nay chưa được thực hiện. Và những nông dân này vẫn ngày ngày đội đơn khiếu kiện sự bội ước của chính quyền.

Biên bản thỏa thuận giữa chính quyền xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội) với 14 hộ dân nơi đây về việc đổi đất ao lấy đất thổ cư để mở rộng con đường từ năm 1997 đến nay chưa được thực hiện. Và những nông dân này vẫn ngày ngày đội đơn khiếu kiện sự bội ước của chính quyền.

Chết chưa đòi được đất

Tờ “biên bản thỏa thuận” đổi đất giữa gia đình anh Nguyễn Chính Tiến với chính quyền xã Bình Minh ngày 16/4/1997 được anh Tiến ép plastic và cất giữ rất cẩn thẩn. Trải qua 16 năm, nó vẫn mới tinh, con dấu đỏ chót do ông Chủ tịch UBND xã Bình Minh lúc đó là Lê Mạnh Là đóng và ký tên vẫn nguyên vẹn. Ngoài đại diện cao nhất là ông Chủ tịch, còn có rất nhiều chữ ký của các cơ quan ban ngành khác trong xã. Người đại diện cho gia đình anh Tiến ký vào biên bản lúc đó là ông Nguyễn Chính Điển (bố anh Tiến).

Theo nội dung thỏa thuận, gia đình ông Điển sẽ đổi 28 m2 đất thổ cư lấy 203 m2 đất ao Thực Vật (ao nằm giữa thôn Dộc và thôn Đìa). Sau khi biên bản có hiệu lực, Ban xây dựng đường xóm Dộc đã tiến hành đập phá tường rào, một phần ngôi nhà ông Điển đang ở, chuồng lợn, công trình phụ… để lấy đất làm đường.

Cùng thời điểm đó, không chỉ nhà ông Điển, 13 hộ dân khác cùng thôn Dộc cũng đã ký hợp đồng đổi đất tương tự. Và tất cả các gia đình này đều chung cảnh ngộ, bị chính quyền lấy làm đường nhưng họ chưa nhận được đất ao như thỏa thuận.

Ông Điển vốn là thương binh 2/4, bố ông Điển là liệt sỹ Nguyễn Chính Du. Trước đây ông Điển đã nhiều lần đi đòi đất nhưng không được. Năm 2008, ông lâm bệnh và qua đời. Trước khi nhắm mắt, ông không quên trăng trối lại với các con rằng, phải đi đòi đất cho bằng được, đó là quyền lợi chính đáng. Anh Tiến và các anh em khác trong gia đình ghi nhớ và tiếp tục “hành trình đòi đất” cho đến hôm nay.

Trong số 14 hộ giờ chỉ còn anh Tiến là vẫn giữ được quyết tâm. Các hộ khác đã quá mệt mỏi và có ý bỏ cuộc.


Một phần đường trước đây là đất của gia đình anh Tiến

Người dân bất ngờ bị quy kết

Ông Điển đã chết khi chưa đòi được đất, còn ông Chủ tịch xã Lê Mạnh Là, người ký biên bản đổi đất với dân cũng đã thành người thiên cổ. Thế nhưng, còn rất nhiều cán bộ đã ký vào biên bản hiện vẫn còn đương chức hoặc đang sống tại xã Bình Minh.

Điều đáng nói là trong khi đi đòi công lý, thì ngày 17/10/2001, UBND huyện Thanh Oai bất ngờ ra Kết luận số 65 TB/UB với nội dung: Đường trục xóm Dộc đã được mở rộng từ năm 1970 - 1973. Tuy nhiên, đường đã bị hẹp lại do một số hộ dân đã lấn chiếm mà chính quyền xã Bình Minh nhiệm kỳ từ 1989 - 1994 không xử lý. Thực tế việc mở rộng lại đường vào năm 1997 chỉ đi qua đất của 4 hộ với diện tích 14,61 m2.

Từ phân tích trên, UBND huyện Thanh Oai kết luận: “Việc 14 hộ dân đòi lại đất đã mở rộng đường đi công cộng từ năm 1970 - 1973 là trái với quy định của pháp luật. Bác bỏ toàn bộ các văn bản được lập giữa UBND xã Bình Minh, ban xây dựng trục đường xóm Dộc với 14 hộ dân xóm Dộc”.

Trước kết luận đó, các hộ dân tỏ ra vô cùng bức xúc. Anh Tiến nói: Chính quyền muốn cướp đất của dân nên mới “bịa” ra chuyện các hộ dân lấn chiếm đường. Đất của chúng tôi là đất có từ thời cha ông để lại, chúng tôi đã xây dựng nhà cửa trên đó từ lâu lắm. Năm 1997, lúc đổi đất xong, Ban xây dựng đường đã phá các công trình trên đất, họ biết rõ điều đó. Tôi thật không hiểu huyện Thanh Oai lấy căn cứ nào để bảo chúng tôi chiếm đất đường.

Còn ông Bùi Văn Oánh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho rằng, biên bản lập giữa chính quyền xã và các hộ gia đình là sai luật như kết luận của UBND huyện Thanh Oai và đó là “biên bản tình thế”.

“Hồi đó khi tiến hành làm đường gia đình họ xúm lại và quây, biên bản là do người dân tự lập ra, sau đó mới xin chữ ký. Việc này chúng tôi đã hỏi lại anh em trong thôn, các đồng chí trưởng thôn, bí thư đã nói như thế. Biên bản được lập nhưng không có hội nghị để thỏa thuận. Các ban bệ lúc đó đến nhưng là để vận động gia đình chuyển gạch đi để đổ đường bê tông”, ông Oánh cho biết.

Chưa bàn đến chuyện người dân có chiếm đất hay không vào giai đoạn trước năm 1997, nhưng với tinh thần đổi đất làm đường của 14 hộ dân ở thôn Dộc là rất đáng để ngợi khen. Chỉ có điều, sau khi làm việc tốt, họ lại bị chính quyền tố “ăn cắp” đất. Dù cho rằng các hộ dân lấn chiếm nhưng trong kết luận số 65 của UBND huyện Thanh Oai ngày 17/10/2001 chưa (có thể là không) chứng minh được mỗi hộ chiếm bao nhiêu? Với cách kết luận mang tính quy chụp, không rõ ràng như thế, việc người dân đi kiện cũng là điều đương nhiên.

Xem thêm
TP.HCM bổ sung thêm hai Phó Chủ tịch UBND thành phố

TP.HCM Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động và ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy được bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.