| Hotline: 0983.970.780

Phát huy trí tuệ Việt từ thế mạnh văn hóa

Thứ Hai 02/09/2013 , 15:30 (GMT+7)

Muốn nhìn rõ mình, chỉ cần một tấm gương, nhưng muốn hiểu rõ nền văn hóa của dân tộc thì cần thật nhiều “tấm gương văn hóa khác”.

Muốn nhìn rõ mình, chỉ cần một tấm gương, nhưng muốn hiểu rõ nền văn hóa của dân tộc thì cần thật nhiều “tấm gương văn hóa khác”. Qua các  tấm gương đó, những điểm mạnh, điểm yếu của người Việt sẽ hiện hình. Vậy, làm thế nào để phát huy trí tuệ Việt từ những thế mạnh và cả những hạn chế của nền văn hóa Việt, Báo NNVN có cuộc trò chuyện với ông Vũ Khoan (ảnh), nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Chúng tôi tìm đến ông nhân kỷ niệm 68 năm Quốc khánh như một cách tham khảo để nhìn cho rõ hơn dân tộc ta, đất nước ta. Chia sẻ nhận thức của mình về bản sắc văn hóa dân tộc, ông nói:

Thú thật, kiến thức của tôi về văn hóa rất hạn chế. Tôi chỉ có thể chia sẻ những điều tôi quan sát thấy, cảm nhận được trong cuộc sống thường nhật.

Mọi người đều biết, văn hóa là một phạm trù rất rộng cho nên nhận diện bản sắc văn hóa của cả một dân tộc không phải là điều dễ dàng. Theo thiển ý của tôi thì bản sắc văn hóa là một phạm trù “động”, không phải nhất thành bất biến mà thay đổi cùng thời gian, hoàn cảnh, tộc người...

Ví dụ một trong những bản sắc văn hóa nổi trội của dân tộc ta là lòng yêu nước, chí kiên cường giữ nước. Bản sắc ấy thể hiện đậm nét khi Tổ quốc lâm nguy nhưng trong hoàn cảnh xây dựng hòa bình thì bản sắc ấy thể hiện thế nào, ý chí thoát nghèo có mạnh mẽ như khi đánh giặc không?

Một khía cạnh khác đáng chú ý là nhiều bản sắc không chỉ dân tộc ta mới có mà vốn là bản sắc của cả loài người, chỉ có điều ở mỗi tộc người nó mang những sắc thái riêng. Ví dụ, lòng tương thân tương ái trong cơn hoạn nạn đâu chỉ dân ta mới có; cứ xem cách ứng xử của người dân Nhật trong cơn sóng thần thì đủ thấy.

Thứ nữa trong mỗi bản sắc nhiều khi ẩn chứa cả mặt mạnh lẫn mặt yếu. Ví dụ khi bị ngoại xâm hay thiên tai chúng ta luôn cố kết với nhau nhưng khi buôn bán làm ăn hình như không phải như vậy.

Chúng ta luôn luôn nói phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng không làm rõ tính phổ biến và tính đặc thù, cái bất biến và cái biến động, cái hay và cái dở... thì sẽ lúng túng không biết nên giữ gìn và phát huy cái gì, chỉnh sửa, thậm chí vứt bỏ cái gì.

Thưa ông, đúng thế! Chúng ta đã để xảy ra tình trạng vô cảm trong văn hóa, là cứ thản nhiên nói những cái rất hay về người Việt Nam trong khi nạn suy thoái đạo đức lối sống trong xã hội lại cứ không ngừng xuống cấp. Chúng ta cứ thản nhiên “Mẹ hát con khen” mà quên mất minh triết của ông cha mình: “Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường chán vạn kẻ giòn hơn ta”.

Như trên tôi đã chia sẻ, trong rất nhiều tố chất mang tính bản sắc của người Việt chúng ta luôn có hai mặt. Cá nhân tôi cảm nhận thấy rằng, nói chung trong cơn nguy biến thì những mặt mạnh bộc lộ rất rõ, còn trong hoàn cảnh thời bình mặt yếu thường trồi lên.

Lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của chúng ta rất mãnh liệt. Bất kì ai xúc phạm tới điều này thì người Việt Nam ta rất dễ “nổi khùng”.

Thế nhưng trong thời bình, nhất là trong thời buổi hội nhập, những biểu hiện sùng ngoại không phải là hiếm, ý chí thoát nghèo đã thật mãnh liệt chưa? Khi ra ngoài nước có phải mọi người đều có lòng tự trọng, hành xử văn hóa và giữ gìn danh dự đất nước chưa?

Mọi người đều thừa nhận người Việt Nam chúng ta cần cù, chăm chỉ làm lụng. Cứ xem bà con nông dân thì đủ thấy: một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời suốt năm suốt tháng lụi hụi làm ăn. Người nước ngoài sang Việt Nam hỏi tôi vì sao trên đường, ngoài phố lúc nào cũng đông nghịt người thế? Tôi giải thích cho họ rằng, không phải người ta đi chơi đâu mà đều chạy vạy mưu sinh cả đó.

Nhưng không phải chỉ có dân ta mới cần cù. Người Nhật, người Hàn, người Trung Quốc... cũng cần cù không kém. Ví dụ so với ta, sự cần cù của người Nhật đi đôi với sự chu đáo, tỷ mỷ, kỹ lưỡng từng li từng tí một do đó sản phẩm của họ rất tinh xảo tới mức không thể chê vào đâu được. Tuy nhiên họ có nhược điểm là “cứng nhắc”, mọi việc được lên kế hoạch quá tỷ mỷ, khi tình huống thay đổi họ thường lúng túng.

 Ngược lại người Việt chúng ta lại ít tỷ mỷ, kỹ lưỡng nhưng khi tình huống biến đổi thì xoay xở, thích nghi rất nhanh. Tôi cảm nhận thấy sự khác biệt này khi lần đầu tiên sang thăm Nhật vào cuối những năm 80 thế kỷ trước. Lúc ấy tôi mới chỉ là Trợ lý Bộ trưởng, một nhân vật xèng xèng vậy thôi nhưng trước khi lên đường bạn fax cho tôi một bản chương trình đón tiếp (khi ấy chưa sử dụng e-mail nhiều) rất là chi tiết dài tới 4-5 trang.

Họ thông báo chi tiết ra sân bay lúc mấy giờ, ai là người đại diện cho Đại sứ quán Nhật ở Hà Nội ra tiễn, cơ trưởng máy bay tên gì, trưởng tiếp viên phục vụ tên gì, ngồi ghế nào, bay mấy tiếng, ăn những gì, hạ cánh lúc mấy giờ, ai lo hành lí, ai lo hộ chiếu, ô tô đón màu gì, lái xe tên gì và đi theo phố nào về khách sạn, ở khách sạn ai đón, lên phòng số mấy ở tầng mấy, sẽ ăn lót dạ cái gì.

Tôi hình dung để lên một kế hoạch như vậy họ phải mất rất nhiều thời gian và công sức phối hợp. Còn ta, bản kế hoạch đón một vị nguyên thủ quốc gia chỉ  1-2 trang, chủ yếu là những phương châm định hướng!

Thứ nữa, người Việt Nam ta rất cần cù và khéo tay trong... sửa chữa, mông má, ví dụ chiếc xe máy tàng tới đâu cũng chữa được nhưng lại ít sự sáng tạo cái mới, cái khác lạ, cái hoàn thiện. Cứ nhìn con dao bài đây, mấy nghìn năm ta vẫn là ta! Tính kỷ luật, giữ gìn chữ tín cũng là một đòi hỏi để có thể vươn lên làm giầu, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Một bản sắc khác của người Việt Nam là đoàn kết. Nhưng tiếc rằng, bản sắc ấy thường chỉ được biểu hiện trong khi nguy kịch nhưng trong đời thường, khi làm ăn lại không như vậy và ta có thể thấy nhan nhản biểu hiện đố kỵ, không ai chịu ai, ăn mảnh.

Đoàn kết và tương thân tương ái có tôn chỉ mục đích hẳn hoi, “lá lành đùm lá rách” và “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Nhưng hở ra tí thì giờ nào là ngồi nói xấu người khác với người gần mình, nói xấu liên tu bất tận, nói xấu như một niềm vui sống, một thứ gia vị cho cuộc đời làm như thể nếu không có nó thì cuộc đời buồn tẻ.

 Và chen lấn nhau trên đường, dù chỉ nửa bước chân hay nửa vành xe máy. Anh bạn tôi, nhà thơ Phạm Đình Ân vừa có mấy bài thơ nói về những cái này: “Đang thân, bỗng lạnh mặt mày/ Lạ xa, thoắt cái bắt tay hẹn thề” và “Chen/ lách/ cố giành đường/ dù chỉ một xăng ti met/ Vội làm chi/ đến bệnh viện ư/ gậm giường chắc đâu còn chỗ!”.

Tôi dẫn thơ, vì quả thực thưa đồng chí nguyên Phó Thủ tướng, trên văn đàn nói về cái dở của cơ chế, của các nhân vật nắm quyền lực thì thừa thãi, nhưng nói về cái dở cụ thể của tính cách người, như thơ Phạm Đình Ân lại còn quá hiếm.

Khi làm ở Bộ Thương mại tôi từng rất khổ vì điều này. Chúng tôi tìm mọi cách kêu gọi, tổ chức để các doanh nghiệp Việt Nam chung lưng đấu cật với nhau nhưng không thành công lắm. Trong công việc ở ta, nỗi khổ nhất là sự phối hợp! Ai cũng thuộc lòng câu: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao, nhưng trong làm ăn lại không hẳn thư thế.

Tôi nhớ thời kinh tế khủng hoảng năm 1997, để vực dậy ngành du lịch ở Thái Lan người ta cụng lại với nhau giữa ngành hàng không, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ, xuất – nhập cảnh, tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ, chẳng mấy chốc lấy lại được phong độ.

Ra nước ngoài, ta thấy cộng đồng người Hoa, cộng đồng người Hàn Quốc, người Do Thái liên kết với nhau thành những mạng chặt chẽ, hùng mạnh chiếm lĩnh thị trường. Hình như điều này chưa có được trong cộng đồng người Việt. Ngồi chê cơ chế, nói về cái dở của cơ chế thì rất nhiều, rất hay, ví dụ người ta rất chịu khó nói đi nói lại về “được mùa rớt giá” nhưng thử hỏi, đã ai nêu được sáng kiến “theo tôi phải làm thế này thì…”.

Vâng, thưa ông, thực tế là mùa vải thiều chín rộ, giá bán có khi còn dưới giá thuê người hái; đó là lỗi người ăn có hạn độ, chứ đâu phải lỗi của người làm nông nghiệp?

Nhưng nhân đây, nhân câu chuyện cắt khúc, mạnh ai nấy lo mà ông vừa nói, tôi thấy sáng kiến của Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra là hạn chế xuất khẩu gạo để bảo vệ nông dân và đất đai là một kỹ thuật thương mại rất đáng để mang ra bàn thảo.

Nhưng, để câu chuyện về bản sắc văn hóa của chúng ta có “hậu”, xin ông nói về niềm mong muốn của riêng ông cho một tương lai cần có của người Việt?

Đơn giản là dám nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của mình để phát huy cái tốt, khắc phục những điều khiếm khuyết; chỉ có vậy mới vươn lên được.

Bây giờ xin chuyển câu chuyện sang ngoại giao. Tôi nghe nói ông đang viết hồi ký ngoại giao, ông viết gì trong hồi ký của mình, những nét chính?

Ngoại giao của Việt Nam cũng là một điểm sáng trong lịch sử cũng như văn hóa. Bây giờ ta kiểm lại xem có nước nào mà ngoại giao có vai trò như vậy trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước không? Những thành công trên mặt trận ngoại giao là sự kết tinh của những bản sắc văn hóa cao đẹp của dân tộc ta. Tôi thấy trong văn hóa ngoại giao của Việt Nam có một số điểm đặc sắc như sau:

Chúng ta kiên trì nguyên tắc nhưng rất uyển chuyển về sách lược. Ví dụ, trong đàm phán về Hiệp định sơ bộ với Pháp ký vào ngày mùng 6/3/1946, phía Pháp không chấp nhận gọi Việt Nam là một nước độc lập, Bác Hồ đã đưa ra phương án gọi là một nước Việt Nam tự do, bản chất thì cũng không khác gì nhau. Trong Hiệp định Paris 1973, ta chấp nhận để cho “Mỹ cút” trước đã, còn ngụy chưa nhào mà cứ ở đó.

Tính nhân văn cũng là một bản sắc nữa của ngoại giao Việt Nam. Chúng ta không bao giờ đánh đồng giới cầm quyền xâm lược nước ta với nhân dân các nước đó, ngược lại còn coi nhân dân yêu chuộng hòa, bình công lý của các nước đi xâm lược ta là đồng minh của mình, sau chiến tranh không cố chấp lưu giữ hận thù dân tộc mà luôn sẵn sáng khép lại quá khứ hướng tới tương lai.           

Ông hình dung như thế nào về một Việt Nam sau khi đã công nghiệp hóa?

Tôi có một trăn trở từ rất lâu rồi, đó là nông nghiệp đóng vai trò gì, vị trí của nó ra sao trong quá trình công nghiệp hóa. Tất nhiên bất kì quốc gia nào đi lên công nghiệp hóa cũng là rời bỏ xã hội nông nghiệp chuyển sang xã hội công nghiệp.

 Nhưng vấn đề là trong hành trang đi lên công nghiệp thì đèo bòng nông nghiệp như thế nào? Bây giờ chỉ thấy nói là nó bảo đảm an ninh lương thực rồi thừa thì xuất khẩu thôi. Còn định vị nông nghiệp trong quá trình CNH ra sao thì hình như chưa thật rõ vì vậy cứ loay hoay tranh luận suốt.

Nay đang bùng lên cuộc tranh luận xung quanh vấn đề có nên hãnh diện về vai trò cường quốc lúa gạo không? có nên chuyển đổi sang giống cây trồng khác cho chăn nuôi và các nông sản có giá trị cao khác không? vấn đề “người cày có ruộng”, tích tụ ruộng đất, nông dân bỏ ruộng giải quyết thế nào? thu hồi hay trưng mua đất?... Xem ra chưa có câu trả lời nào là thỏa đáng và rõ ràng.

Nhiều nước đi lên công nghiệp thông qua việc bần cùng hóa nhà nông. Chúng ta không muốn như vậy nhưng cũng nên nhìn thẳng vào sự thật là bà con nông dân cơ cực lắm, có nơi, có người bị bần cùng trong khi họ còn chiếm tới 70% dân số. Không giải quyết tốt vấn đề này thì nước ta vẫn nghèo khó, hơn thế nữa có thể nảy sinh bất ổn xã hội.

Với thế mạnh, nhược điểm đó, theo ông việc sử dụng nhân tài để phát huy trí tuệ của người Việt mình có cần một chủ trương đặc thù không?

Tất cả nằm ở khâu “đổi mới một cách cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà” – một việc Đại hội XI đã đề ra nhưng cho tới nay còn rất lúng túng, tranh luận nhiều, đường ra chưa rõ. Như vậy chưa đủ, đào tạo ra rồi, có người tài rồi thì cơ chế tuyển dụng và sử dụng ra sao nhân tài cũng chưa rõ, nhiều sáng kiến mang tính địa phương, chưa có quốc sách. Đó chính là hai chủ trương gọi là “đặc thù” cũng được.

Vâng, mỗi khi nghe dư luận kêu ca về giáo dục, tôi lại nhớ đến cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục, TS Nguyễn Văn Huyên, người có quan niệm trở thành tôn chỉ của ngành, “giáo dục là bông hoa ưu việt của chế độ”. 

 Cũng chính tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên có một khái luận còn đúng đến tận hôm nay: “Không một ví dụ tốt đẹp nào về người Việt lại không có ngay một ví dụ ngược lại, về cái dở”. Thưa ông, tôi rất tiếc là chúng ta chỉ thích nói về những cái hay mà lờ đi những nét dở, khiến nó cứ “hồn nhiên” tồn tại.

Tôi vừa nghe trên tivi người ta tổng kết có bao nhiêu hộ gia đình, bao nhiêu làng đạt chuẩn gia đình (làng) văn hóa mới, tịnh vô không có bài báo nào nói về cái dở để cùng nhau khắc phục. Họ quên mất rằng, hạt nhân của văn hóa, đơn vị cuối cùng của văn hóa là tính cách Người – những con người cụ thể.

Khi cụ Phạm Quỳnh đọc diễn văn tại Đại học Sư phạm Paris: “Người Việt không thể coi Pháp là tổ quốc của họ, vì họ đã có tổ quốc của mình rồi". Khi cụ Nguyễn Văn Huyên nói với giới trí thức Pháp, trong khảo luận về “Văn minh Việt Nam” rằng “Người Việt Nam không thiếu lòng dũng cảm, ghét chiến tranh và khinh bỉ các biểu hiện bạo lực nhưng có khả năng kháng cự lâu dài trong những điều kiện thiếu thốn tệ hại nhất, chống lại các lực lượng mạnh hơn về số lượng và chất lượng”.

Đó là khí phách Việt Nam, nhưng do những con người cụ thể biểu lộ. Nhân nói đến cụ Huyên, xin ông nói đôi chút về quan hệ thân tộc với bậc đại trí thức này?

Vợ tôi là Hồ Thể Lan, con gái của cụ GS Hồ Đắc Di mà cụ Hồ Đắc Di và cụ Nguyễn Văn Huyên đều là con rể của cụ Vi Văn Định, nguyên Tổng đốc Thái Bình, sau Cách mạng, tham gia Mặt trận Việt Minh, nhân sỹ yêu nước.

Kỳ lạ thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ thời trứng nước, khi mà trong tay có chỉ đâu một triệu bạc tiền Đông Dương đang có nguy cơ trở thành giấy nhưng vẫn đã tập hợp quanh mình những đại trí thức tầm cỡ không phải thời nào muốn có là có ngay.

Cụ Hồ Đắc Di là bác sỹ nội trú người ở xứ thuộc địa đầu tiên tại Pháp, là giáo sư đầu tiên bình đẳng với các giáo sư Pháp tại Đông Dương. Cụ là thầy rồi trở thành nhạc phụ đại nhân của GS Tôn Thất Tùng, người phát minh phương pháp mổ gan khô của y học thế giới, người mổ tim đầu tiên của Việt Nam.

Còn bản thân cụ thì phát minh cách nối dạ dày bị loét với tá tràng. Như vậy, tại các thời điểm cụ nối dạ dày tá tràng, con rể cụ mổ gan khô thì về mặt y khoa thực hành, Việt Nam sánh ngang tầm thế giới.

Đúng là cái thời ấy hay thật. Hồi tôi mới còn đang tìm hiểu, không mấy Chủ nhật mà các cụ Đồng (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - PV), cụ Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV) không đến nhà cụ Di, cụ Huyên chơi. Đến chơi theo đúng nghĩa, chứ không phải cách đến thăm tặng quà chụp ảnh đăng báo đâu. Nói chuyện xưng anh tôi, chuyện về gia đình con cái, về học vấn, về các món ăn hay về ký ức thời trẻ.

Theo ông việc sử dụng nhân tài của dân tộc ta trong nhưng năm qua đã phát huy được hết trí tuệ của người Việt chưa?

Theo tôi thì chưa! Có chăng mới là cá biệt vì chưa có một chiến lược nhất quán tổng thể từ khâu chọn lựa tới khâu đào tạo, hình thành môi trường sáng tạo, chính sách sử dụng, đãi ngộ thỏa đáng... Không làm việc này thì không mong gì nước ta trở thành nước tiên tiến theo hướng hiện đại được!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm