Dân đã nghèo càng nghèo thêm
Từ khi QL 16 nối từ huyện Kỳ Sơn sang huyện Quế Phong, đi qua các xã Nhôn Mai, Mai Sơn được thông tuyến (2014), đời sống kinh tế người dân hai xã này đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, đất nông nghiệp bị thu hẹp, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới thấp lại cách xa trung tâm huyện Tương Dương tới gần 150 km, nên đến nay, hai xã này vẫn có tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức trên 70%.
Cuộc sống lam lũ của đồng bào vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ |
Còn tại xã Hữu Khuông, số người học và tốt nghiệp đại học trên địa bàn xã hiện chỉ khoảng 10 người. Không ít trong số đó vì huyện không sắp xếp được công việc ở xã nên đã bỏ quê đi làm ăn xa.
Hữu Khuông mãi nghèo vì còn bị bao bọc giữa biển hồ và núi rừng. Toàn xã hiện chỉ có 15km đường nhựa nối từ bản Sàn - Huồi Cọ sang xã Yên Tĩnh. Còn lại là đường đất, nhỏ không thuận tiện cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa. 100% đường khu vực trung tâm xã Hữu Khuông là đường đất.
Một cán bộ huyện Tương Dương cho biết, hiện nay tại Hữu Khuông đã trồng được một số diện tích chanh leo và đang có tiềm năng nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng, diện tích. Tuy nhiên, người dân Hữu Khuông phải vận chuyển gần 10 km đường rừng để ra QL 16 nhập cho một đơn vị thu mua tận huyện Quế Phong.
Đói nghèo bủa vây |
“Từ trung tâm xã, nếu mở đường ra QL 16, phải đi qua xã Yên Tĩnh cũng dài trên 30km. Người dân phải đi mở đường nhưng sức dân có hạn nên đến nay cũng mới được vài km. Đáng buồn là, dù người dân bị bao bọc bởi sông nước và núi rừng, đường bộ không có nhưng dự án Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ lại không có phần xây dựng các con đường nối xã ra các tuyến đường lớn. Có rừng sản xuất nhưng người dân cũng chẳng mặn mà vì trồng rừng rồi biết vận chuyển đi đâu để bán? Người dân đã nghèo lại càng nghèo thêm”, vị cán bộ này nói.
Nhức nhối “hậu thủy điện”
Ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng TNMT huyện Tương Dương cho biết, diện tích đất bị ảnh hưởng do xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ là 88,7ha đất ở; đất sản xuất trên 534ha; đất nuôi trồng thủy sản trên 7ha; đất lâm nghiệp gần 1.452ha; đất phi nông nghiệp trên 9,2ha; rừng sản xuất trên 2.076ha; đất khác trên 497ha thuộc 34 bản của 9 xã, thuộc 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Nhiều công trình, trụ sở làm việc bị ngập hoàn toàn với tổng diện tích trên 2,1ha.
Tương Dương có 2.910 hộ (13.735 nhân khẩu) thuộc 31 bản, 8 xã phải di dời TĐC. Trong số này có 27 hộ chống đối không chịu di dời. Sau nhiều lần vận động, hiện đã có 19 hộ đồng ý di dời TĐC nhưng một số chưa thể đi được, vì nguyện vọng của họ là được đem theo toàn bộ gỗ đã tích trữ từ nhiều năm nay. Trong khi đó, UBND tỉnh Nghệ An quy định, ngoài nhà cửa, mỗi hộ chỉ được mang theo 3m3 gỗ ra khỏi khu vực lòng hồ về khu TĐC. Hiện vẫn còn 8 hộ tại bản Chà Coong, xã Hữu Dương cũ, quyết bám trụ ở quê.
Theo thống kê của UBND huyện Tương Dương, tính đến tháng 5/2017, toàn huyện có 192 hộ (544 nhân khẩu) quay lại và cư trú, làm ăn trên khu vực lòng hồ.
Hạ tầng giao thông yếu kém |
“Cứ vận động được bản này đi thì bản khác lại quay về. Họ quây thành từng nhóm dọc các khe suối, chăn nuôi, làm rẫy nên nguy cơ phá rừng rất cao, gây nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo ANTT” – một cán bộ xã Hữu Khuông cho biết.
Một thực tế nữa khiến nhiều hộ dân có cớ quay lại cư trú bất hợp pháp tại khu vực lòng hồ là khi dự án Thủy điện Bản Vẽ triển khai, diện tích đất đã được cấp cho các hộ dân ở trên mực nước dâng không được đền bù.
Ông Vi Văn Dung, một người đưa cả gia đình về cư trú bất hợp pháp tại bản Kim Hồng (xã Hữu Khuông) cho biết, do ở khu TĐC Thanh Chương làm ăn không được như nguyện vọng nên người dân mới quay lại đây. Và họ đang sinh sống, làm ăn trên phần đất rừng được Nhà nước cấp.
“Thực tế là chúng tôi vẫn đang ở trên phần đất Nhà nước cấp có bìa xanh, bìa đỏ (GCN QSDĐ đất rừng - PV) hẳn hoi. Vì thế, chúng tôi vẫn chặt gỗ, làm nhà ở. Khi nào Nhà nước đền bù số diện tích đất ở trên mực nước thủy điện dâng thuộc quyền sở hữu của chúng tôi, thì chúng tôi mới đi”, ông Dung nói.
Ông Hùng cho biết, toàn bộ diện tích trên cốt ngập của dự án Thủy điện Bản Vẽ là 4.291,11ha. Trong số này có cả một số diện tích đất ở. Theo quy định của dự án thì không thực hiện phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng diện tích này. Nhưng người dân trong khu vực lòng hồ đều phải di dời về các khu TĐC tại huyện Thanh Chương và huyện Tương Dương, không thể sản xuất trên phần đất này mà phải trả lại cho Nhà nước. Dự kiến kinh phí bồi thường, hỗ trợ về đất là 107,85 tỷ đồng. “Phần bồi thường, giải phóng mặt bằng này không có trong dự án Thủy điện Bản Vẽ. Việc đền bù là bất khả kháng, kinh phí bồi thường lớn nên rất khó khăn. Ngoài vấn đề này, dự án Thủy điện Bản vẽ hiện nay cũng đã phát sinh một số vấn đề như công trình TĐC xuống cấp, chủ đầu tư chưa đầu tư sửa chữa. Một số hạng mục giao thông, công trình nước sạch, hỗ trợ san nền chưa chi trả xong. Một phần kinh phí hỗ trợ sản xuất cho người dân chưa hoàn thành…”.
Tính đến cuối tháng 6/2017, sau khi loại khỏi quy hoạch 14 dự án, Nghệ An có 32 dự án thủy điện với tổng công suất 1.372,45MW. Đến cuối tháng 7/2017 có 12 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động. 3 dự án thủy điện có số lượng di dân lớn là Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Hủa Na, Thủy điện Khe Bố với 5.009 hộ dân phải di dời. UBND tỉnh Nghệ An đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về lương thực thời gian 36 tháng kể từ khi đến nơi ở mới, mỗi khẩu 30kg/tháng. Hỗ trợ thêm 24 tháng lương thực cho đồng bào theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 627/TTg-KN ngày 11/05/2012. |