| Hotline: 0983.970.780

Rau VietGAP "ngáp ruồi"

Thứ Năm 31/07/2014 , 10:16 (GMT+7)

Làng Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) SX rau theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ duy trì được hơn 3 năm. Do đầu ra sản phẩm bấp bênh nên cả 21 hộ dân làm rau VietGAP đã tái SX rau thông thường.

ĐẦU XUÔI, ĐUÔI CHƯA LỌT

3 năm trước, cánh đồng rau Lang Châu Bắc được biết đến là vựa rau VietGAP đầu tiên của khu vực miền Trung.

21 hộ dân được tiếp cận kỹ thuật trồng rau sạch nên rất phấn khởi. Ruộng rau lúc nào cũng có cán bộ kỹ thuật giám sát, sản phẩm làm ra được DN thu mua với giá cao. Giờ đây chẳng hộ nào áp dụng VietGAP nữa.

Trở lại câu chuyện những ngày đầu triển khai mô hình, ông Lê Trung Ba, Phó Ban nông nghiệp xã Duy Phước kể: "Năm 2011, 21 hộ dân ở thôn Lang Châu Bắc được tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hỗ trợ SX rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chi cục BVTV Quảng Nam và ILO phối hợp với Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 mở khóa tập huấn SX. Họ hướng dẫn nông dân đánh giá, lựa chọn vùng đất gieo trồng, việc sử dụng giống, phân bón, nước tưới, hóa chất, thuốc BVTV, cách xử lý chất thải, ghi chép hồ sơ và kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm…

08-07-31_nh-1
Cánh đồng rau VietGAP thôn Lang Châu Bắc có nhiều ruộng đã chuyển qua trồng ngô, lúa

Tất cả các hộ tham gia đã trồng 2,7 ha rau. Rất may mắn, sản phẩm làm ra được một DN đứng ra thu mua. Phần vì có kỹ thuật SX theo VietGAP, phần có đầu ra nên ai cũng vui mừng. Niềm vui ấy tưởng sẽ gắn bó với bà con trồng rau lâu dài, ai ngờ chỉ trong 6 tháng thì bị "dập tắt".

Rau làm ra rất nhiều, nhưng lượng tiêu thụ quá ít ỏi nên DN ngừng thu mua. Không có ai bao tiêu sản phẩm, người trồng rau bắt đầu chán nản thì Cty TNHH Việt Thiên Ngân (trụ sở tại TP Đà Nẵng) vào đặt vấn đề liên kết SX.

Theo đó, phía Cty hỗ trợ kinh phí, cử người theo dõi SX rau. Mỗi ngày Cty bao tiêu 500 kg rau, củ, quả để phân phối cho siêu thị, nhà hàng ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Nhưng chỉ sau 1 năm thì Cty không còn liên kết với bà con nữa, bởi một lý do rau VietGAP khó tiêu thụ.

Mặc dù Cty TNHH Việt Thiên Ngân không còn thu mua sản phẩm song người dân Lang Châu Bắc vẫn tiếp tục SX theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên giá bán chỉ bằng rau thông thường nên tất cả các hộ đều bỏ.

08-07-31_nh-3
Bà Nguyễn Thị Hòe trồng 4 sào rau, quả nhưng nay chuyển qua SX theo phương thức thông thường

Chị Hồ Thị Hương, một hộ dân trồng 2 sào rau VietGAP đã chuyển qua SX rau thường. Chị cho biết, trồng rau VietGAP tốn công, đầu tư lớn. Thế nhưng bán ra thị trường thì giá rau VietGAP cũng rau thường nên lỗ nặng. SX rau thường vừa năng suất cao, vừa tốn ít chi phí.

“Nếu có DN vào liên kết thu mua sản phẩm thì chúng tôi sẽ trồng theo VietGAP. Kinh nghiệm, kỹ thuật bà con có sẵn nhưng chờ mãi chẳng có ai nên bà con chuyển sang SX truyền thống”, chị Hương nói.

Cùng chung cảnh ngộ với chị Hương, bà Nguyễn Thị Hòe tham gia khóa học trồng VietGAP, sau đó chuyển đổi 4 sào đất sang trồng rau luân canh theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng hơn 1 năm nay, không có đầu ra nên đã quay lại trồng rau thông thường.

08-07-31_nh-4
Trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng bán với giá rau thường

“Việc làm theo tiêu chuẩn VietGAP rất dễ, bởi bà con ai cũng có kỹ thuật hết. Nếu có nơi tiêu thụ, người dân sẽ chuyển qua VietGAP liền, nhưng đầu ra không có nên chẳng ai trồng, do đó cơ quan chức năng chưa cấp giấy chứng nhận mới”, ông Lê Đông Sang cho biết.

“Tôi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc rau không sử dụng các loại thuốc BVTV, quy trình thu hoạch, bảo quản rau cũng như những lợi ích về kinh tế và môi trường. Ngày mới triển khai mô hình, DN thu mua ổn định nên rau VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao hơn rau thường.

Tôi cứ nghĩ rau sạch sẽ được người tiêu dùng đón nhận và tiêu thụ mạnh nên dành hết số đất để làm. Vậy mà khi làm ra chẳng ai mua, bán thì như giá rau thường. Rau VietGAP bị đánh đồng như rau thường nên tôi đã bỏ hẳn rồi”, bà Hương buồn rầu.

"CHẾT YỂU"

Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng rau VietGAP, ông Lê Trung Ba, Phó Ban nông nghiệp xã Duy Phước buồn bã: "Ngày trước vào thời điểm này bà con tấp nập thu hoạch rau đưa về nhà sơ chế, sau đó được đóng gói đưa vào nhà hàng, siêu thị… Nhưng giờ đây mạnh ai người ấy làm, tìm được thương lái thì họ thu hoạch nhiều, còn không thì hái đem bán lẻ".

Tại đây có một nhà sơ chế rau được đầu tư hơn 500 triệu đồng, trong đó có 2 máy sục ozon, hệ thống làm ráo, máy đóng gói sản phẩm, bể nước lớn...

08-07-31_nh-5
Nhà sơ chế đóng cửa quanh năm

Thế nhưng nhà sơ chế đã đóng cửa hơn 1 năm nay. Bởi chẳng một ai thu hoạch rau cần đến công nghệ này nữa, cứ hái rau xong họ đưa ra mương nước rửa qua rồi cho lên xe chở đi bán hoặc giao cho thương lái tại ruộng.

Ông Lê Đông Sang, Tổ trưởng tổ hợp tác SX rau an toàn thôn Lang Châu Bắc chua chát: "Sau khi các DN không còn liên kết với bà con, chúng tôi tìm đến các DN khác để tìm đầu ra nhưng DN nào cũng lắc đầu từ chối.

Thậm chí tìm đến các DN xuất khẩu rau thì họ bảo rằng rất khó, bởi diện tích nhỏ lẻ, trong khi xuất khẩu phải cần số lượng lớn nhưng ở thôn Lang Châu Bắc rất ít nên không thể. Nếu muốn xuất khẩu thì phải có những cánh đồng rau như ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Bán lẻ cũng không được, xuất khẩu cũng bất thành nên đến nay mạnh ai người làm, chẳng ai theo VietGAP”.

Tiêu chuẩn rau VietGAP có thời hạn 1 năm, sau đó lại phải làm thủ tục cấp lại. Giấy chứng nhận rau VietGAP của thôn Lang Châu Bắc đã hết hạn ngày 3/4/2013.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất