| Hotline: 0983.970.780

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thứ Tư 24/04/2024 , 09:19 (GMT+7)

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Trong 5 năm gần đây, nhiều thú cưng tìm đến các phòng khám thú cưng để điều trị bệnh và làm đẹp. Ảnh: V.Đ.T.

Trong 5 năm gần đây, nhiều thú cưng tìm đến các phòng khám thú cưng để điều trị bệnh và làm đẹp. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, những cơ sở chăm sóc, điều trị thú cưng là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, nên quy định những nhân viên tham gia điều trị phải là bác sỹ thú y, được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo quy định, nhân viên phòng khám thú y phải được học chuyên môn từ các trường đào tạo từ Trung cấp trở lên, người kê đơn thuốc cho thú cưng phải là Bác sĩ thú y. Các sơ sở hành nghề điều trị bệnh cho thú cưng còn phải tuân thủ về xử lý chất thải nguy hại, xử lý môi trường trong quá trình hoạt động.

“Những cơ sở điều trị, chăm sóc thú cưng hầu hết đều có nhân viên tốt nghiệp đại học chăn nuôi, thú y. Những gia đình có điều kiện kinh tế và có con tốt nghiệp đại học chăn nuôi, thú y thường mở cơ sở điều trị, chăm sóc thú cưng.

Những em dù đã tốt nghiệp đại học chăn nuôi, thú y, nhưng sau khi ra trường muốn mở dịch vụ điều trị, chăm sóc thú cưng còn phải học thêm tại các phòng mạch, bệnh viện dành cho thú cưng ở TP. HCM hay ở Hà Nội để va chạm thực tế, chứ kiến thức trong trường chưa đủ để làm, nhất là trong trường không có dạy môn làm đẹp cho thú cưng”, ông Huỳnh Ngọc Diệp chia sẻ.

Đưa chúng tôi đến thăm Phòng Khám thú cưng Quang Dung ở 85 Nguyễn Thái Học (TP. Quy Nhơn), ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định) cho biết, càng ngày dịch vụ điều trị, chăm sóc thú cưng mở ra càng nhiều, nên định kỳ mỗi năm 1-2 lần, ngành chức năng tổ chức kiểm tra để nhắc nhở các cơ sở hoạt động phải tuân thủ quy định.

“Nhìn chung, các phòng khám thú cưng trên địa bàn Quy Nhơn đều được trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ việc khám, chữa bệnh cho thú cưng. Nhiều cơ sở còn thực hiện tốt việc phẩu thuật xương, thay khớp cho thú cưng bị tai nạn gãy chân”, ông Nguyễn Thanh Bình đánh giá.

Anh Hồ Duy Phiên, Bác sỹ thú y Phòng Khám thú cưng Quang Dung chuẩn bị siêu âm cho thú cưng. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Hồ Duy Phiên, Bác sỹ thú y Phòng Khám thú cưng Quang Dung chuẩn bị siêu âm cho thú cưng. Ảnh: V.Đ.T.

Vừa bước vào Phòng Khám thú cưng Quang Dung, chúng tôi đã thấy choáng ngợp với muôn thứ vòng cổ, dây dắt, chuông, rọ mõm… và muôn loại thức ăn, thuốc dinh dưỡng, sữa tắm dành cho thú cưng được bày bán trong 2 dãy tủ nằm 2 bên lối đi.

Anh Hồ Duy Phiên (26 tuổi), Bác sỹ thú y phụ trách việc điều trị cho thú cưng tại Phòng khám Quang Dung cho biết, cơ sở này ngoài điều trị bệnh, làm đẹp cho thú cưng còn làm thêm dịch vụ bán phụ kiện cho thú cưng để vừa phục vụ nhu cầu của khách hàng, vừa kiếm thêm thu nhập.

Theo Phiên, Phòng Khám thú cưng Quang Dung hoạt động đã hơn 10 năm nay, nhưng trong 5 năm gần đây mới có nhiều khách hàng đưa thú cưng đến cơ sở này điều trị. Phòng Khám thú cưng Quang Dung hiện có 3 nhân viên, 1 phụ trách việc điều trị, 1 phụ trách chăm sóc, làm đẹp cho thú cưng và 1 phụ trách bán phụ kiện.

Hiện, mỗi ngày phòng khám tiếp nhận 5-6 thú cưng được chủ nuôi đưa đến để điều trị các loại bệnh và khoảng 5-6 ca tiêm phòng. Thú cưng đến phòng khám nhiều nhất là chó và mèo; gà cảnh, chim cảnh cũng có nhưng ít, chủ yếu người nuôi đến nói bệnh rồi mua thuốc về cho gà, chim uống chứ không điều trị nội trú.

Bác sỹ thú y của Phòng Khám thú cưng Quang Dung siêu âm cho thú cưng. Ảnh: V.Đ.T.

Bác sỹ thú y của Phòng Khám thú cưng Quang Dung siêu âm cho thú cưng. Ảnh: V.Đ.T.

Phiên tốt nghiệp Trường Cao đẳng Bình Định, ngành thú y, mới 26 tuổi nhưng Phiên đã có 5 năm trong nghề điều trị cho thú cưng. Trước khi hành nghề, Phiên vào TP. HCM học thêm các khóa đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật thú cưng. Lớp đào tạo do các Bác sỹ thú y thâm niên người nước ngoài, nhất là các Bác sỹ thú y người Trung Quốc có những giờ dạy về chụp X quang, xét nghiệm máu, đặc biệt là phẫu thuật thay khớp gối cho chó rất hay.

“Hiện, ở TP. HCM có gần 10 bệnh viện chuyên điều trị cho thú cưng, ai từng kinh qua thực tế tại những bệnh viện nói trên sau này về hành nghề sẽ được khách hàng tín nhiệm. Bởi ngoài những kiến thức học ở trường, thực tế sẽ bổ sung thêm những kiến thức hữu ích, thiết thực”, anh Hồ Duy Phiên chia sẻ.

“Nghề làm đẹp cho thú cưng cũng xuất phát từ ngành thú y. Tuy nhiên, trong trường chỉ dạy điều trị cho thú lớn như trâu, bò, heo, gà, vịt mà thú lớn không có môn làm đẹp. Trước đây, nuôi thú cưng chưa thành phong trào như bây giờ nên chưa được chú trọng. Bây giờ, những người dù đã tốt nghiệp đại học ngành thú y, nhưng muốn làm công việc chăm sóc, làm đẹp cho thú cưng phải đi học thêm từ những cơ sở chuyên làm đẹp cho thú cưng ở TP. HCM”, anh Hồ Duy Phiên, Bác sỹ thú y Phòng Khám thú cưng Quang Dung cho hay.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.