| Hotline: 0983.970.780

Rầy cánh trắng hại lúa và cách phòng trừ

Thứ Sáu 24/06/2011 , 11:23 (GMT+7)

Rầy cánh trắng là loại dịch hại đa ký chủ, ngoài cây lúa chúng còn gây hại nhiều loại rau màu, cây ăn trái, cây công nghiệp… nên việc phòng trừ chúng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn.

Hỏi: Vụ hè thu năm ngoái, lúa ở vùng chúng tôi đã bị một loại bọ rầy gây hại rất nặng, làm cho cây lúa bị ngả vàng, giựt lá chân và trổ bông không đạt như mong muốn. Khi quơ tay vào bụi lúa thấy chúng bay lên rất nhiều (dân ở đây gọi là bọ cánh trắng).

Trước kia vùng chúng tôi không thấy loại rầy này. Có phải đây là loại bọ rầy mới. Đề nghị cho biết thêm về loại bọ rầy này và cách phòng trừ sao cho có hiệu quả?

Huỳnh Văn Ngoan và một số bà con ở xã Nhơn Mỹ, Chợ Mới (An Giang)

Trả lời: Qua đồng nghiệp ở An Giang, chúng tôi được biết con bọ cánh trắng mà các bạn gọi chính là con rầy cánh trắng (hay còn gọi là rầy phấn trắng hay rầy cánh phấn…). Theo các nhà khoa học thì rầy cánh trắng gây hại trên lúa thường có một số loài như Aleurodicus dispersus, Aleurocybotus sp.… (thuộc họ Aleyrodidae, bộ Homoptera).

Đây không phải là những loài côn trùng mới trên cây lúa ở nước ta, thực ra nó đã gây hại trên lúa mùa ở một số tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Và cũng đã từng gây hại nặng ở một số nơi của Tiền Giang, Long An… từ vụ hè thu năm 1998. Sau năm đó chúng chỉ gây hại nhẹ, rải rác. Vụ hè thu năm 2010 do mùa mưa đến muộn, thời tiết đầu vụ lại nắng nóng, gây hạn kéo dài, đây là điều kiện rất thuận lợi cho những loài rầy này nên chúng lại bùng phát và gây hại mạnh ở một số tỉnh của ĐBSCL.

Rầy cánh trắng là loại dịch hại đa ký chủ, ngoài cây lúa chúng còn gây hại nhiều loại rau màu, cây ăn trái, cây công nghiệp… nên việc phòng trừ chúng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn.

Cơ thể của chúng rất nhỏ khoảng trên dưới 1mm, lại bu bám ở mặt dưới của lá lúa, nên khi đi kiểm tra ruộng lúa, nếu chưa có kinh nghiệm sẽ khó phát hiện. Người có kinh nghiệm chỉ cần lấy tay khua mạnh khóm lúa sẽ thấy con trưởng thành bay lên rất nhiều như bụi phấn do cơ thể của chúng có phủ một lớp sáp phấn màu trắng, không thấm nước.

Rầy cánh trắng thường gây hại từ lúc lúa đẻ nhánh rộ đến làm đòng, trổ bông và ngậm sữa, ở những vụ lúa hè thu có thời tiết nắng nóng hạn kéo dài. Chúng gây hại bằng cách cả con trưởng thành và con ấu trùng đều chích hút nhựa ở mặt dưới của những lá lúa còn non hay vừa trưởng thành. Làm lá bị vàng úa (ruộng lúa bị vàng từng chòm). Nếu nặng có thể làm cho lúa trỗ không đều, bông lúa bị lép lửng, thậm chí có thể làm cho bông lúa bị nghẹn trỗ không thoát hoặc nếu có trỗ được thì cũng bị lép.

Ngoài ra, cơ thể chúng còn truyền bệnh virus, bệnh này làm cổ lá đòng bị co rút chặt, không bung ra được, bông lúa không trỗ thoát, nếu có trỗ được thì các gié lúa cũng quấn sát vào nhau và bị lép.

Để chủ động hạn chế tác hại của rầy cánh trắng, các bạn không nên gieo sạ quá dày, chỉ nên sạ với lượng giống khoảng 100-120 kg/ha, nếu sạ hàng thì khoảng 70-80 kg. Bón phân cân đối giữa đạm lân và kali, không nên bón thừa đạm. Thường xuyên chăm sóc để lúa phát triển tốt, tăng cường sức chống chịu cho cây.

Rầy cánh trắng có rất nhiều loài thiên địch trong tự nhiên như bọ cánh lưới, bọ rùa, bọ xít ăn thịt… nhưng chúng dễ bị thuốc trừ sâu giết chết. Để bảo vệ thiên địch, các bạn nhớ không phun thuốc trừ sâu sớm ở đầu vụ. Nếu cần cũng chỉ nên dùng những loại thuốc đặc trị, tránh phun thuốc có phổ tác động rộng. Các bạn chỉ được phun để diệt sâu, chứ không phun để phòng ngừa như một số nông dân vẫn còn làm.

Do rầy cánh trắng có vòng đời ngắn, lại sinh sản nhiều (mỗi con cái có thể đẻ hàng trăm trứng) và phát triển rất mạnh. Để chủ động hạn chế tác hại của rầy, nếu thấy thời tiết nắng nóng, các bạn phải kiểm tra ruộng lúa thường xuyên (phải lội hẳn xuống ruộng, kiểm tra kỹ mặt dưới của lá, hoặc khua động bụi lúa để rầy bay lên). Chú ý những ruộng bón thừa đạm, lúa tốt bít bùng, những ruộng đang ở giai đoạn đòng - trỗ… Nếu thấy mật số cao và có chiều hướng gia tăng thì phải sử dụng thuốc diệt trừ rầy kịp thời.

Về thuốc, các bạn có thể phun xịt một trong những loại thuốc như: Bascide 50EC, Supracide 40EC (hoặc Suprathion 40EC), dầu khoáng SK Enspray 99EC, Dragon 585EC, Vibasa 50ND…

Khi xịt, nhớ đưa vòi xịt xuống thấp phía dưới tán lúa để thuốc có thể tiếp xúc được với rầy, rầy dễ chết hơn.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm