Rừng xưa đã khép
Theo bà Đinh Thị Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương Bình Định) thì tỉnh này không chủ động quy hoạch thủy điện như nhiều địa phương khác, chỉ thực hiện theo quy hoạch của Bộ Công thương đề ra.
Kênh thủy điện Vĩnh Sơn 5 cắt đường vào rẫy của dân làng Đăk Tral
Nhằm “tận thu” lợi thế dòng chảy bậc thang của thượng nguồn sông Kôn, trong những năm qua, Bộ Công thương đã quy hoạch trên dòng sông này những 14 nhà máy thủy điện, có tổng công suất lắp máy 312,1MW.
Trong số đó, đã có đến 11 nhà máy thủy điện nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định). Khởi động là Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn có công suất 66MW bắt đầu đi vào vận hành vào đầu tháng 12/2004, tiếp đến là Nhà máy Thủy điện Định Bình có công suất 9,9MW nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh).
Từ đó đến nay, có thêm hàng chục nhà máy thủy điện khác đã và đang được xây dựng. Riêng trong năm 2015, dòng sông Kôn tiếp tục “gánh” thêm 4 nhà máy thủy điện khác đi vào vận hành, gồm: Thủy điện Trà Xom có công suất 20MW và Thủy điện Vĩnh Sơn 5 có công suất 28MW đều nằm trên địa bàn xã Vĩnh Kim; thủy điện Tiên Thuận có công suất 9,5MW nằm trên địa bàn xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) và Thủy điện Văn Phong có công suất 6MW nằm trên địa bàn xã Bình Tường (huyện Tây Sơn).
Đó là chưa kể nhiều nhà máy thủy điện khác đang triển khai đầu tư xây dựng mà sắp tới đây sông Kôn lại phải tiếp tục “gánh vác” như: Nhà máy Thủy điện Ken Lút Hạ có công suất 6MW nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh), Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn 4 có công suất 18MW nằm trên địa bàn xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh).
Thực tế cho thấy, khi 1 công trình thủy điện “mọc” lên là chắc hẳn sẽ có hàng trăm héc ta rừng nguyên sinh có nhiệm vụ phòng hộ đầu nguồn xung yếu mất đi. Có thể nêu ví dụ: Khi Nhà máy Thủy điện Trà Xom có mặt thì đã có 633,7ha diện rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu và đất rừng nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) biến mất. Hay như Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận đã “nuốt” mất của huyện Tây Sơn 90ha rừng đầu nguồn; các Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5 đã tẩy hàng trăm héc ta rừng nguyên sinh khác của xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh).
Hệ lụy nhãn tiền
Theo báo cáo đánh giá của Sở Công thương Bình Định, những nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, đồng thời tạo điều kiện giải quyết công việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, tạo được diện mạo mới ở vùng nông thôn miền núi; hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn các xã có dự án thủy điện được nâng lên một bước đáng kể.
Hiu hắt làng nghèo Đăk Tral nằm ngay “cổ họng” thủy điện Vĩnh Sơn 5
Đối với các dự án thủy điện có hồ chứa với dung tích lớn, ngoài những lợi ích phát điện, tạo điều kiện giải quyết công việc làm cho người lao động, còn góp phần làm giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ cho vùng hạ du, đồng thời chủ động cấp nước vào mùa khô cho hạ du để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp…
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Lại, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, với 11 nhà máy thủy điện nằm trên địa bàn, thoạt nhìn vào, sẽ có nhiều người cho rằng 1 huyện “giàu” về thủy điện cỡ này thì ắt đời sống người dân cũng sẽ khấm khá theo. Nhưng không, thực tế đi theo chiều ngược lại, Vĩnh Thạnh hiện vẫn đang là 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Chẳng thấy giàu đâu chỉ thấy môi trường rừng bị hủy hoại và con người bị thiên nhiên “trả đũa” hiện hữu.
“Hiếm có một con sông nào lại phải “gánh” đến hơn chục công trình thuỷ điện như sông Kôn. Sự chen chúc của những công trình thủy điện này đã làm dòng sông biến dạng. Những cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn cũng bị xóa sổ”, ông Trần Quốc Lại, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh. |
Nhãn tiền nhất là trận lũ lịch sử xảy ra vào cuối năm 2013 mà tôi được tận mắt chứng sự “thần tốc” của cơn lũ năm ấy. Giữa buổi chiều ngày 15/11/2013, đang ngồi làm việc tại UBND huyện Tây Sơn thì cánh nhà báo chúng tôi bỗng nghe cán bộ Văn phòng Ủy ban râm ran có tin lũ lớn đang xảy ra tại huyện Vĩnh Thạnh. Anh em bàn bạc chiều hôm ấy kéo nhau lên Vĩnh Thạnh để viết về lũ, chưa kịp thực hiện ý định thì lũ đã về đến Tây Sơn. Chỉ trong loáng mắt, khoảng sân của UBND huyện Tây Sơn đã ngập nước đến hơn 1m.
Cơn lũ “thần tốc” đến mức những hộ dân định cư ở những vùng đất cao nhất của huyện Tây Sơn cũng trở tay không kịp. “Rừng bị phá để làm thủy điện hết rồi, còn cây cối đâu mà giữ nước, mưa trút bao nhiêu nước xuống thượng nguồn là bấy nhiêu nước ào ạt chảy về xuôi, nên mới xảy ra lũ lớn và nhanh đến vậy”, người dân vừa chạy lũ vừa than trời như vậy.
Thiệt hại trong đợt lũ này, ngoài 12 người chết, Bình Định còn bị mất mát tài sản khoảng trên 1.000 tỷ đồng.
Mất mát do thủy điện lớn là vậy, thế nhưng những gì Bình Định được nhận lại từ thủy điện trong thời gian qua chẳng có là bao.
Theo cho biết của Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng (Sở NN-PTNT Bình Định), trong số những nhà máy thủy điện trên địa bàn đã đi vào vận hành, tỉnh Bình Định chỉ thu được tiền dịch vụ môi trường rừng của Nhà máy Thủy điện Trà Xom. Theo giải thích của ông Nguyễn Đức Chiến, Phó Giám đốc Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng Bình Định, do các nhà máy thủy điện khác tuy đóng trên địa bàn tỉnh Bình Định, nhưng lại có lưu vực dòng chảy nằm trên địa bàn nhiều tỉnh khác, nên khoản dịch vụ môi trường rừng do Trung ương thu, sau đó phân bổ về cho từng tỉnh căn cứ trên lưu vực cụ thể tỉnh đó bị ảnh hưởng.
“Nhà máy Thủy điện Trà Xom mới đóng khoản dịch vụ môi trường rừng cho tỉnh Bình Định trong năm 2015 vừa qua, với số tiền là hơn 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Trung ương cũng đã phân bổ về cho Bình Định thêm 2,6 tỷ đồng nữa”, ông Chiến cho biết.
Còn theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, trong 3 năm qua, Nhà máy Thủy điện Trà Xom đã hợp đồng với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh và Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trồng lại khoảng 100ha rừng. Những con số nói trên rõ ràng chẳng bõ bèn gì so với những diện tích rừng mà Bình Định đã phải chịu mất để những nhà máy thủy điện “mọc” lên.
Có lẽ, cái “được” mà Bình Định nhận nhiều nhất từ các nhà máy thủy điện đóng trên địa bàn trong những năm qua là những kiến nghị, kiện tụng của nhân dân địa phương về những bức xúc do thủy điện mang lại. Hết kiến nghị bằng đơn thư, họ lại phản ánh qua những cuộc tiếp túc cử tri các cấp. Chính quyền địa phương đã không ít lần phải đứng ra can thiệp. Tuy nhiên, mặc kệ những kiến nghị, kiện tụng tới tấp, các chủ đầu tư thủy điện chỉ đáp ứng nhỏ giọt.
Trong cuộc họp với Cty CP Đầu tư Vĩnh Sơn cách đây không lâu, UBND huyện Vĩnh Thạnh lại tiếp tục đề xuất một chuyện đã quá cũ, đó là về con đường đi phục vụ sản xuất của người dân bị ảnh hưởng từ Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn 5, và Cty CP Đầu tư Vĩnh Sơn lại hứa hẹn.