| Hotline: 0983.970.780

Sốc với danh sách đỏ 100 quan tham Trung Quốc bỏ trốn cần bắt giữ

Thứ Hai 26/09/2016 , 08:07 (GMT+7)

Trong nỗ lực trừng phạt các quan chức tham nhũng chạy ra nước ngoài, Trung Quốc đã phải huy động bộ máy ngoại giao và kêu gọi sự giúp đỡ của các nước, nhất là Mỹ, Canada hay Australia, các điểm đến hàng đầu của giới quan chức Trung Quốc sau khi đã ẵm bộn tiền công quỹ.

Kẻ đào tẩu bị săn lùng ráo riết nhất, đứng đầu danh sách quan chức tham nhũng cần bắt giữ ở Trung Quốc cuối cùng cũng “muốn về nhà” sau 13 năm trốn ra nước ngoài, theo nhật báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).

Yang Xiuzhu, 70 tuổi, cựu Phó thị trưởng thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang đã chạy ra nước ngoài, bôn ba qua nhiều nước để tránh bàn tay pháp luật Trung Quốc. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực xin tị nạn chính trị ở Mỹ không thành, bà này đang đợi ngày được “gửi” về cố quốc. Báo SCMP nói lệnh dẫn độ có thể được thực hiện trong tháng 9 này.

 

Trên đường bôn tẩu

Sau 13 năm trốn chạy, sức khỏe của Yang bắt đầu suy sụp và bà ta quyết định từ bỏ mong muốn xin tị nạn ở Mỹ, quay về Trung Quốc để được chữa bệnh, theo lời luật sư của Yang, Vlad Kuzmin.

“Ngày nào Yang cũng gọi điện cho tôi, 3 hay 4 lần hỏi khi nào bà ấy có thể về lại Trung Quốc”, tờ World Journal xuất bản bằng tiếng Trung, có trụ sở ở Mỹ trích lời luật sư Kuzmin. Ông này nói bà Yang cảm thấy nhớ quê. Bà ta đã chạy trốn từ Trung Quốc sang Singapore vào năm 2003 rồi đến Mỹ sau khi đã tới Hà Lan. Năm 2005, Yang bị bắt ở Hà Lan nhưng đã nộp tiền bảo lãnh và rời tới Canada năm 2014, ngay trước khi giới chức Hà Lan chuẩn bị cho hồi hương nghi can này về Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà này lại bị bắt khi cố gắng vào Mỹ bằng hộ chiếu giả trong lúc Yang đang cố gắng xin tị nạn chính trị ở nước này. Các cơ quan công tố Trung Quốc cáo buộc Yang nhận hối lộ tổng cộng 250 triệu Nhân dân tệ (khoảng 836 tỷ đồng).

Kuzmin nói công ty luật của ông, thay mặt Yang, đã nộp các giấy tờ cần thiết để hủy yêu cầu xin tị nạn chính trị ở Mỹ, tới tòa án di trú do Bộ Tư pháp Mỹ chỉ định và các luật sư đại diện Chính phủ Mỹ. Tòa di trú thường mất một đến bốn tuần để xem xét các trường hợp như Yang rồi mới ra quyết định liệu Yang có thể được trở về Trung Quốc hay không.

Trong khi bà Yang còn đang tìm cách tự trở về để hưởng khoan hồng những ngày cuối đời, 6 doanh nhân Trung Quốc chạy trốn ra nước ngoài sau khi bị cáo buộc phạm các tội danh kinh tế đã bị tóm ở Indonesia. Đây là kết quả sự hợp tác giữa Indonesia và Chính phủ Trung Quốc trong thời gian thực thi chiến dịch “Săn cáo”.

 

Danh sách đỏ

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hồi tháng 6/2015 tường thuật rằng cùng với việc bắt giữ 6 nghi can, cảnh sát còn thu giữ 30 triệu Nhân dân tệ (khoảng 100 tỷ đồng) tiền mặt và các tài sản khác. Ba trong số các nghi can có mặt trong “danh sách đỏ” của Interpol. Đây là bản danh sách các đối tượng cần bắt giữ, do các nước thành viên tổ chức Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đề nghị. Báo chí Trung Quốc không nói thêm chi tiết về vụ này.

Sự kiện bắt và trục xuất này là vụ đầu tiên trong năm 2015 có sự tham gia của các lực lượng của Indonesia trong chiến dịch “Săn cáo” được Chính phủ Trung Quốc khởi động từ tháng 7/2015 và sau đó là chiến dịch “Thiên La” quy mô lớn hơn. Các chiến dịch này đã bắt giữ khoảng 1.000 nghi can, tính đến giữa năm 2015 theo tường thuật của Nhân dân Nhật báo.

Tuy nhiên, bàn tay sắt của Chính phủ Trung Quốc gặp phải nhiều “vật cản” khi tội phạm chạy tới những nước đang có nội chiến. Liu Dong, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống tội phạm kinh tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc nói với Nhân dân Nhật báo rằng tại một quốc gia (không nêu tên), một kẻ chạy trốn đã bị công an Trung Quốc bắt. Hắn chẳng những không sợ, còn cảnh cáo lực lượng này rằng xe của họ sẽ không ra khỏi khu vực do quân nổi dậy kiểm soát bởi hắn có mối quan hệ mật thiết với các lãnh đạo ở vùng này. Liu, người đứng đầu chiến dịch “Thiên La” nói phiến quân ở quốc gia nọ đã đuổi theo xe cảnh sát khi họ trên đường về khu vực do chính phủ sở tại kiểm soát.

Ngoài ra, cảnh sát Trung Quốc còn gặp khó khi chưa có hiệp định dẫn độ với các quốc gia thường là điểm đến của những kẻ trốn truy nã của nước này như Mỹ và Canada. Trung Quốc đã ký hiệp định dẫn độ với 41 nước, trong đó có Indonesia. Hầu hết các nước này ở khu vực châu Á. Hồi tháng 4/2015, Ủy ban Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, cơ quan chuyên trách về tham nhũng, đã công bố danh sách 100 đối tượng cần bắt giữ. Tất cả các đối tượng này đều năm trong danh sách đỏ Interpol và 40 trong số đó đang ở Mỹ, chính quyền Bắc Kinh nói.

Kể từ khi vào Mỹ, cựu Phó thị trường Ôn Châu Yang Xiuzhu đã bị cảnh sát sở tại bắt giam.

Hơn 850 "cáo" bị bắt trong năm 2015

Sau khi nắm chức Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch “Săn cáo” để truy bắt các quan chức tham nhũng, bọn tội phạm kinh tế chạy ra nước ngoài.

Sau đó, chiến dịch săn cáo được mở rộng toàn quy mô và đổi tên thành Chiến dịch Thiên La (lưới trời), có sự tham gia của nhiều cơ quan chính phủ trong đó có cảnh sát và ngân hàng trung ương.

Chiến dịch “Săn cáo 2015” đã bắt giữ hơn 850 nghi can ở 66 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vài năm trước đây, hầu hết những tội phạm trốn chạy bị bắt lại Trung Quốc là doanh nhân, có quan chức cũng chỉ là cán bộ cấp tương đối thấp.

 

Xem thêm
Ninh Dương Lan Ngọc rời Việt Nam sang Úc du học

Ninh Dương Lan Ngọc xác nhận với Tiền Phong thông tin nữ diễn viên du học Australia trong vài ngày tới. Cô sẽ trở lại Việt Nam sau hai tháng nữa.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.