| Hotline: 0983.970.780

Sông Lô, sức trẻ vươn lên

Thứ Tư 09/11/2016 , 08:25 (GMT+7)

Sông Lô là huyện trẻ nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2016, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của huyện.

Nhờ sức trẻ, Sông Lô đã vượt qua được những khó khăn của một huyện thuần nông, huyện miền núi với đất đai manh mún…
 

Vừa đồi, vừa sông, vừa ruộng…

Đúng với cái tên của huyện, con sông Lô như một dải lụa uốn quanh, bao bọc lấy mảnh đất bán sơn địa thơ mộng này. Sông Lô có tổng diện tích tự nhiên 15.031,7 ha. Đất nông nghiệp có 11.193,1 ha, trong đó đất sản xuất (SX) nông nghiệp 7.041,8 ha. Đất rừng SX 2.917,7 ha. Đất rừng phòng hộ 1.081 ha. Đất nuôi trồng thủy sản 152,7 ha. Dân số 102.650 người…

15-08-45_img_0016
Cảnh quan nông thôn rộng thoáng
 

Mục tiêu của huyện, là tập trung chỉ đạo sát sao đặc biệt đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2016 và các xã đăng ký đạt chuẩn sau 2016. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt 3 xã: Bạch Lưu, Đôn Nhân, Phương Khoan.

Cùng với đó kiểm tra từng nội dung, hạng mục công trình đầu tư trong xây dựng NTM, từ đó kịp thời động viên, nhắc nhở, tháo gỡ các khó khăn trong triển khai thực hiện chương trình.

Đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã tiến hành kiểm tra, rà soát tổng hợp khối lượng, nhu cầu đầu tư, đặc biệt là tiêu chí giao thông tại các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2016, cung cấp hồ sơ dự án để thẩm định, phân bổ nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2016.

Đến nay, Sông Lô đã có 9 xã đạt 19 tiêu chí. Có 3 xã đạt từ 15 đến 16 tiêu chí, như: Xã Đôn Nhân đạt 16/19, 2 xã Bạch Lưu, Phương Khoan đều đạt 15/19. Các xã còn lại đạt từ 11 tiêu chí trở lên.

Năm 2016, Sông Lô đăng ký 3 xã: Bạch Lưu, Phương Khoan, Đôn Nhân về đích NTM. 4 xã: Đức Bác, Như Thụy, Tứ Yên, Quang Yên đăng ký về đích các năm 2017, 2018.
 

Xuất phát điểm thấp

Các xã còn lại chưa về đích NTM đa phần là các xã xuất phát điểm thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hệ thống chính trị xã hội chưa đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Bên cạnh đó năm 2016 các cấp, các ngành tập trung cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Sau bầu cử, nhiều chức danh chủ chốt cấp xã được kiện toàn. Một số xã đội ngũ cán bộ lãnh đạo có sự thay đổi lớn, cán bộ mới chưa có kinh nghiệm trong khi phải giải quyết nhiều tồn tại cũ do giai đoạn trước để lại, gây khó khăn cho công tác triển khai thực hiện chương trình.

15-08-45_img_0006
Sông Lô như dải lụa uốn quanh huyện
 

Công tác thu hồi đất để phục vụ bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình hạ tầng trong xây dựng NTM còn chậm so với yêu cầu đặt ra, do trình tự thủ tục phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình hạng mục.

Nguồn thu trên địa bàn xã thấp. Bên cạnh đó, đời sống đại bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện xây dựng NTM như ở các xã: Quảng Yên, Như Thụy, Tứ Yên gặp nhiều trở ngại.
 

Cái khó giống nhau

Các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2016 của huyện Sông Lô có 3 xã Bạch Lưu, Đôn Nhân, Phương Khoan có một đặc điểm giống nhau, là đều chưa đạt các tiêu chí "khó nhằn" là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường.

Cái “giống nhau” đáng buồn này cũng dễ hiểu. Như trên đã nói, Sông Lô là huyện miền núi, lại mới được thành lập (Sông Lô tách khỏi huyện Lập Thạch từ 1/4/2009) nên khó khăn là điều khó tránh khỏi.

Đơn cử như tiêu chí giao thông, đường trục xã, liên xã của Bạch Lưu cứng hóa chỉ mới đạt 34,4%. Đôn Nhân mới đạt 8,9%. Phương Khoan thậm chí chỉ đạt có 1,7%.

Đối với các xã đăng ký về đích sau năm 2016, có 4 xã: Đức Bác, Tứ Yên, Như Thụy, Quang Yên. Các xã này mới đạt từ 11 đến 12 tiêu chí.

Có một điều giống nhau, là đều chưa đạt 5 tiêu chí: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế và môi trường. Trong đó, trường học và văn hóa là khó khăn nhất, do hiện nay việc đầu tư xây dựng dở dang khi các nhà đầu tư dừng thi công vì nhiều lý do. Có trường hợp đất quy hoạch đang bị điều chỉnh, hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cái khó giống nhau ở các xã nói trên, xuất phát từ một huyện miền núi nghèo, chính là một thử thách đối với huyện Sông Lô trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.
 

Sức trẻ vươn lên

Là huyện miền núi, đất đai manh mún, trồi sụt, đã khiến Sông Lô, huyện mới được tách ra gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng dường như cái khó này, đã nẩy sinh những thuận lợi. Chính là “sức trẻ” của một huyện mới, đã giúp Sông Lô phát triển.

15-08-45_img_0012
Chăn nuôi phát triển
 

Địa hình không bằng phẳng, nhiều ao hồ, lại hữu ích cho việc chăn nuôi. Hiện nay ở Sông Lô có tới 40 trang trại lớn nhỏ. Tuy rằng đa số tự phát, chưa được công nhận chính thức, nhưng đời sống người nông dân được cải thiện. Có hộ nhờ chăn nuôi mà thu lãi tiền tỷ mỗi năm. Không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu.

Hiện nay, toàn huyện có hơn 4.300 con trâu, 19.200 con bò, 66.000 lợn các loại, 77.000 con gia cầm. Từ 40 mô hình trang trại nói trên, mỗi năm SX ra 12.000 tấn thịt lợn, 1.000 tấn thịt gia cầm và hàng chục vạn quả trứng.

Sông Lô còn tận dụng đất đồi rừng để đưa các con đặc sản của núi rừng như chim, rắn, lợn rừng…vào chăn nuôi, đem lại lợi nhuận cao.

Mục tiêu trọng tâm trong các tháng cuối năm 2016, huyện Sông Lô tập trung chỉ đạo quyết liệt các xã đăng ký về đích 2016, huy động nguồn lực, khẩn trương triển khai các nội dung chưa đạt trong 19 tiêu chí xây dựng NTM để bảo đảm hoàn thành về đích đúng tiến độ.

Chỉ đạo các xã chưa đạt chuẩn rà soát lại hiện trạng các tiêu chí, xây dựng lộ trình phấn đấu đạt chuẩn và giải pháp cụ thể bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Tiếp tục duy trì và củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Chú trọng quan tâm đến những tiêu chí đạt nhưng thiếu bền vững như: Văn hóa, hệ thống chính trị xã hội, an ninh trật tự…

Có thể nói bước đi của Sông Lô tuy chậm, mà chắc.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.