| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng chất cấm trong TĂCN: Truy tố!

Thứ Sáu 22/08/2014 , 13:10 (GMT+7)

Cục Chăn nuôi phối hợp với các tỉnh sẽ kết hợp với cơ quan công an, tiến hành điều tra, kiểm tra gắt gao chất lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN), đặc biệt là sử dụng chất cấm.

* Xét nghiệm 1 lần, "dính" chất cấm là xử lý ngay

Theo đó, DN sử dụng chất cấm trong SX, gia công TĂCN sẽ bị xử lý rất nặng, rút giấy phép, thậm chí đề nghị truy tố hình sự.

Thông tin này vừa được Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết trong đợt triển khai trọng điểm chất lượng TĂCN năm 2014 tại 6 tỉnh có hoạt động SX kinh doanh và chăn nuôi lớn trên cả nước gồm TP Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, TP.HCM, Đồng Nai và Vĩnh Long.

Tại phía Bắc, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng DN sản xuất, kinh doanh TĂCN và hoạt động chăn nuôi lớn nhất với gần 80 cơ sở SX TĂCN và hơn 1.100 cơ sở kinh doanh TĂCN. Đây sẽ là địa bàn mà Cục Chăn nuôi phối hợp với Sở NN-PTNT và các cơ quan liên quan dồn lực lượng kiểm tra chất lượng TĂCN, đặc biệt là hành vi sử dụng chất cấm trong TĂCN.

Tại cuộc họp triển khai đợt kiểm tra trọng điểm TĂCN ngày 20/8 vừa qua cùng Sở NN-PTNT TP Hà Nội, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Đợt kiểm tra trọng điểm chất lượng TĂCN lần này, cơ quan chức năng sẽ có phương án tiếp cận mới. Thay vì tổ chức kiểm tra kiểu trống dong cờ mở, “công văn đi trước, đoàn kiểm tra rồng rắn theo sau”, cơ quan thanh tra của Sở NN-PTNT phối hợp với Cục Chăn nuôi sẽ có sự vào cuộc của các lực lượng công an kinh tế và Cục An ninh Nông nghiệp (Bộ Công an).

Các DN, cơ sở SX TĂCN, kể cả các trang trại chăn nuôi “có vấn đề” về chất lượng TĂCN, đặc biệt là sử dụng chất cấm sẽ bị bí mật điều tra, mật phục để kiểm tra hoặc lấy mẫu đột xuất.

“Trước tình trạng lôm côm trong quản lí TĂCN, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo làm quyết liệt đặc biệt đối với vấn nạn sử dụng chất cấm để xốc lại ngành TĂCN. Đối tượng vi phạm trong sử dụng chất cấm sẽ bị xử lí rất nặng, đình chỉ SX, thậm chí đề nghị truy tố hình sự” – ông Vân cho biết.

Để thực hiện đợt ra quân kiểm tra trọng điểm này, Cục Chăn nuôi đã đề nghị UBND các tỉnh thành lập BCĐ triển khai, với trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, nòng cốt là lực lượng thanh tra chuyên ngành, phối hợp với an ninh kinh tế và an ninh nông nghiệp.

6 tháng đầu năm 2014, trong tổng số 31 mẫu TĂCN do Sở NN-PTNT Hà Nội phân tích, có tới 14 chỉ tiêu bị phát hiện vi phạm, nhiều nhất là chỉ tiêu về axit amin, protein thô không đạt yêu cầu, trong đó chủ yếu thuộc các loại TĂCN dành cho lợn.

Về quy trình kiểm tra lấy mẫu, theo kiến nghị của Thanh tra Sở NN-PTNT Hà Nội, để đảm bảo việc xử lí các DN, cá nhân vi phạm quyết đoán hơn trong đợt kiểm tra cao điểm này, các mẫu TĂCN sẽ chỉ gửi phân tích ở một đơn vị phân tích, nếu “dính” dương tính với chất cấm thì cơ quan chức năng có quyết định xử lí ngay.

Theo ông Trần Anh Hiếu, đội trưởng đội Thanh tra chuyên ngành số 3 (Sở NN- PTNT Hà Nội), trước đây, có rất nhiều trường hợp cùng một lô TĂCN, lực lượng Thanh tra đưa đi phân tích chỗ này dương tính với chất cấm, nhưng sau đó đơn vị thứ 2 phân tích lại âm tính nên rất khó khăn cho việc xử lí vi phạm. Vì vậy từ nay, sẽ chỉ xét nghiệm một lần, nếu dương tính với chất cấm là xử ngay.

“Quy định hàng hóa trong mỗi lô phải đồng nhất, nên chẳng có lí do gì phải đi phân tích lần 2, lần 3 như hiện nay cả. Quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra cũng hoàn toàn cho phép cơ quan chức năng có quyền xử ngay nếu phát hiện vi phạm, đối với chất cấm trong TĂCN thì hoàn toàn có cơ sở pháp luật để khởi tố hình sự” – ông Hiếu nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết thêm: Các chỉ tiêu kiểm tra trong đợt cao điểm từ nay đến cuối năm sẽ tập trung toàn diện vào cả DN TĂCN, cơ sở gia công, cơ sở kinh doanh lẫn các trang trại chăn nuôi.

Các nội dung kiểm tra sẽ tập trung trọng tâm, trọng điểm vào một số nhóm chỉ tiêu chính về chất lượng và an toàn của TĂCN như Protein, Lysine, các chất cấm (chủ yếu là Salbutamol và một số mẫu sẽ kiểm tra thêm về Clenbuterol, Ractopamine)...

Ngoài các DN TĂCN, cơ quan kiểm tra sẽ tập trung thêm vào nhóm chăn nuôi có nguy cơ sử dụng chất cấm cao là các cơ sở chăn nuôi tự phối trộn TĂCN hoặc tận dụng các nguồn thức ăn từ bếp ăn tập thể, nhà hàng, KCN...

LÊ BỀN

Xem thêm
Lưu ý chăm sóc hồ tiêu ở Tây Nguyên sau thu hoạch

Chăm sóc cho hồ tiêu sau thu hoạch rất quan trọng để giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt sau thời gian dài nuôi trái, để vụ sau cho năng suất cao...

Muỗi hành gây hại và phòng trừ

Muỗi hành (sâu năn) gây hại ở nhiều nước trồng lúa châu Á trong đó có Việt Nam, thất thoát năng suất lúa do muỗi hành có thể đến 50%.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm