| Hotline: 0983.970.780

"Sự phản đối của Việt Nam vượt ngoài dự tính của Trung Quốc"

Thứ Sáu 27/06/2014 , 09:15 (GMT+7)

Tình hình ngày càng đáng báo động khi Trung Quốc tiến hành hàng loạt các động thái gây bất ổn tại khu vực Biển Đông, giới chuyên gia nhận định.

Ngày 25/6, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM) đã tổ chức tại Paris hội thảo “Tình hình an ninh tại Đông Nam Á và khu vực Biển Đông.”

Diễn giả chính của hội thảo là ông Rommel Banlaoi, giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường đại học Miriam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia của Philippines (CINNS).

Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu, gồm các giáo sư, học giả đến từ các trường đại học và trung tâm nghiên cứu tại Pháp, các nhà ngoại giao, và các nghiên cứu viên đến từ Học viện Quốc phòng Pháp.

Theo giáo sư Rommel Banlaoi, Trung Quốc là một con rồng đã thức dậy và vươn lên mạnh mẽ. Thoạt đầu, rất nhiều người mong đợi rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ mang lại tác động tích cực cho khu vực và thế giới. Thế nhưng, sự thất vọng, hoài nghi và lo ngại đã dần xuất hiện.

Tình hình ngày càng đáng báo động khi Trung Quốc tiến hành hàng loạt các động thái gây bất ổn tại khu vực Biển Đông.

Để minh họa cho các hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, giáo sư Rommel Banlaoi đã trích dẫn việc Trung Quốc điều tàu đến gây rối các hoạt động của tàu tiếp tế Phillippines tại các khu vực do Phillippines quản lý (Bãi Cỏ Mây), và đặc biệt là ngày 2/5, Trung Quốc đã kéo giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

“Rõ ràng hành động của Trung Quốc đã vi phạm những thỏa thuận quốc tế mà nước này đã ký kết như Công ước Liên Hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tất cả đều phục vụ mục đích là cụ thể hóa tham vọng chiếm trọn Biển Đông thông qua tuyên bố vô căn cứ Đường chín đoạn,” ông này nói.

Ông Banlaoi cũng chỉ rõ là sự phản đối của Việt Nam vượt ngoài dự tính của Trung Quốc, tinh thần yêu nước cùng với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của người Việt Nam lan rộng khắp cả nước và ngày càng trở nên mạnh mẽ. Thực tế đã chứng minh rằng Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, Trung Quốc cần phải hiểu điều này.

Giáo sư Banlaoi cũng cho rằng tình hình bất ổn trong khu vực ngày càng trở nên nghiêm trọng khi Trung Quốc tiếp tục tuyên bố đưa thêm bốn giàn khoan nữa vào thăm dò ở khu vực Biển Đông.

Theo ông, để bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Trung Quốc phải tôn trọng những gì họ đã thỏa thuận và trên hết là các nước ASEAN phải có tinh thần đoàn kết vì chỉ có đoàn kết và hợp tác mới góp phần giải quyết tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

Ông cũng cho rằng, những sự kiện giao lưu thể thao như giao lưu ngày 7/6 tại quần đảo Trường Sa giữa hải quân Philippines và hải quân Việt Nam là một hoạt động hữu nghị, giúp tăng cường hiểu biết giữa các nước trong khu vực, tuy nhiên, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối hoạt động này.

Liên quan đến quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), ông cho rằng mặc dù EU đã ra tuyên bố về tranh chấp tại Biển Đông, nhưng tuyên bố đó nhưng chưa tương xứng với sức mạnh của tổ chức này. Cần phải có tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn, bởi vì EU cũng có lợi ích tại khu vực này, không thể vì lợi ích song phương với Trung Quốc mà bỏ qua lợi ích của cả khu vực.

Nếu toàn bộ khu vực Đông Nam Á có ổn định thì EU mới có thể tăng cường hợp tác mọi mặt với khu vực đó. Nếu không, Trung Quốc sẽ đạt được mục đích là tiếp tục tạo ra “sự đã rồi” để tiến hành việc chiếm trọn Biển Đông.

Giáo sư Rommel Banlaoi cũng nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bá quyền và việc sử dụng vũ lực không thể giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, nó chỉ đem lại những hậu quả tiêu cực, cần phải tiến hành các đối thoại. Chỉ có các biện pháp ngoại giao và hòa bình mới giải quyết được các bất đồng và tranh chấp.

Bên lề hội thảo, bà Marie-Sybille de Vienne, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (INALCO) có trụ sở tại Paris, Giám đốc Trung tâm Nam Á và Đông Nam Á, đã bày tỏ lo ngại khi nhận thấy Trung Quốc sẵn sàng làm mọi cách để thể hiện rằng họ đã trở thành một cường quốc, có thể làm gì tùy thích trong khi các nước Đông Nam Á không có đủ phương tiện để ứng phó.

Bà Marie-Sybille de Vienne đánh giá không dễ nhìn thấy lối thoát cho sự gia tăng căng thẳng hiện nay khi nó diễn ra cùng với sự tăng cường đều đặn lực lượng răn đe chiến lược của Trung Quốc, xét cả ở khía cạnh quân sự lẫn kinh tế. Có cảm giác rằng Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh to lớn của mình bắt đầu từ việc áp đặt trên thực địa khu vực trước khi triển khai các tham vọng ra quy mô toàn cầu.

Bà cũng cho rằng, Trung Quốc cũng như tất cả các nước trong khu vực phải thể hiện tinh thần trách nhiệm nhằm giảm bớt căng thẳng, phá bỏ bức tường của sự mất lòng tin, hướng đến việc giải quyết một cách hoà bình những tranh chấp về chủ quyền hiện có.

Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm