| Hotline: 0983.970.780

'Tái sinh' đào sau tết

Thứ Năm 16/02/2017 , 15:45 (GMT+7)

Thời điểm này ở Hải Phòng, khắp các ngả đường phố cũng như thôn quê, nhộn nhịp những chiếc xe chở gốc đào đã bỏ đi sau mùa chơi tết.

Những gốc đào đó lại tiếp tục được vun trồng trong suốt một năm để tết năm sau lại hồi sinh trong dáng hình, màu sắc mới.
 

Tất bật thu gom

Việc thu gom này những cây cảnh đã qua sử dung sẽ tạo nguồn cây giống tốt, tiết kiệm chi phí đáng kể cho các chủ vườn đồng thời tránh lãng phí.

09-49-29_img_3150
Những gốc đào mới được thu gom
 

Trong số ba loại cây cảnh được chơi phổ biến dịp tết là đào, quất, hải đường, đào được thu gom nhiều nhất, ít hơn là hải đường, quất thì hiếm người lấy. Các chủ vườn cho biết, những gốc đào còn tươi, đem về chăm sóc đến mùa tết năm sau lại có được cây đào đẹp đem bán. Còn cây quất khó được như vậy, bởi cây đã vắt kiệt sức để nuôi nhiều quả dịp tết, khó phục hồi được.

Anh Nguyễn Hoàng Minh, một chủ vườn ở xã Đồng Thái (huyện An Dương) cho biết, những ngày sau tết, các nhà vườn cây cảnh bận rộn chẳng kém gì thời điểm giáp tết. Gia đình anh cũng như nhiều hộ trồng đào khác phải huy động toàn bộ nhân lực trong nhà để đi khắp thành phố tìm kiếm, thu gom gốc đào bỏ đi.

Trong số đào gom được, một phần là những cây đào cho thuê, nay thu về tiếp tục chăm sóc, một phần được mua lại từ người chơi đào với giá rẻ chừng vài trăm nghìn đồng/gốc tùy theo dáng, thế. Số đào còn lại được gia chủ cho không hoặc là những cây bị vứt lại ngoài đường. Cứ thấy cây đào nào còn tươi, bộ rễ còn sống tốt thì hỏi mua lại hoặc nhặt về.

09-49-29_img_3156
Những vườn đào vừa trồng lại

 

Mỗi ngày, mỗi nhà vườn có thể thu về được vài chục gốc đào. Ai cũng vội vàng đi sớm, về muộn, nghỉ trưa qua quýt, “quần thảo” khắp các ngõ ngách phố phường, thôn xóm tìm đào.
 

Tái sinh cây đào

Sau khi đã thu gom đủ số gốc đào làm “vốn” cho vụ hoa tới, các chủ vườn bắt tay vào quá trình tái sinh những gốc đào cũ. Trên khắp các cánh đồng chuyên canh hoa, cây cảnh, nông dân đang khẩn trương làm đất, lên luống trồng lại đào.

Bà con cho biết, đối với những cây đào đã qua sử dụng này, đem về phải trồng càng sớm càng tốt để nhanh chóng phục hồi đào, tránh cây bị héo. Trước khi trồng cần chú ý xem xét kỹ chất lượng bộ rễ để đảm bảo cây có thể sống tốt.

09-49-29_img_3205
Sau khi cắt cành, quét chất sát khuẩn, chống thấm nước vào vết cắt để bảo vệ đào

 

Ông Nguyễn Văn Hiển ở thôn Chiến Thắng, xã Đặng Cương (huyện An Dương) đang trồng 2 sào đào cho hay, cây đào mỗi năm phải thay rễ và thay cành một lần. Cây đào sau khi đem về, được cắt thật “đau”, loại bỏ hết cành nhỏ, chỉ giữ lại thế cây. Sau khi cắt cành, cần quét nước vôi vào đầu cành. Với những cây bị sâu bệnh cũng phải quét vôi vào gốc cây và đầu cành. Vôi giúp phòng, chống nấm bệnh, sâu bọ hại cây.

Bên cạnh đó, thay rễ là điều bắt buộc đối với cây đào cảnh, nếu không nó sẽ không tồn tại được. “Vì thế, gốc đào đem về cần cắt hết rễ, đến năm sau lại cắt xa hơn vết cắt cũ khoảng 2cm để cây mọc rễ mới, nghĩa là mỗi năm bầu gốc phải rộng hơn một chút. Cành đào cũng phải cắt gọn, nếu không, năm sau cây đào sẽ không đẹp với những cành khẳng khiu, thiếu sức sống”, ông Hiển phân tích.

Cây đào không chịu được úng nên theo ông Hiển, một yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình trồng là lên luống, tạo mặt luống cao đều nhau và phải chắc chắn cao hơn mực nước lụt cao nhất những năm trước. “Chẳng hạn, những năm trước, vào mùa mưa lũ, khoảng tháng 6,7, nước lụt đến đâu thì năm nay phải làm luống cao hơn để gốc đào không bị ngập nước. Hố trồng đào được bón lót bằng phân ải hoặc phân hữu cơ vi sinh. Đưa gốc đào vào trồng, lấp đất vào cho đào ra rễ, chỉ tưới nước sạch chứ chưa được tưới phân đạm. Luôn tưới đủ ẩm cho cây, chờ đến khi cây nẩy chồi non thì mới bón phân”.

Theo chia sẻ của những người trồng đào, quá trình tạo thế và tạo tán được thực hiện liên tục cho đến giữa năm, sao cho cành tỏa kín thân cây, tán cây tròn đầy. Cứ vài ngày một lần lại cắt tỉa cành kết hợp uốn sửa, tạo hình tán cây. Đối với những cây đào ghép mắt, họ chọn mắt đào to, khỏe, tiến hành ghép trước tháng 2 âm lịch...

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.