| Hotline: 0983.970.780

Tăng giá trị SX từ... cái bóng đèn

Thứ Sáu 16/01/2015 , 08:54 (GMT+7)

“Nếu chúng ta đầu tư thích đáng cho lĩnh vực chiếu sáng trong nông nghiệp thì chắc chắn giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp không chỉ dừng lại ở mức 30% mà có thể lên tới 50%”.

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi tại buổi tọa đàm “Nghiên cứu sáng tạo các nguồn sáng chuyên dụng thích hợp với gây nuôi, dẫn dụ hoặc tiêu diệt các loại động vật và vi sinh vật phục vụ nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững”, do Hội Các ngành sinh học Việt Nam và Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tổ chức.

Giảm chi phí SX, tăng hiệu quả kinh tế

Mùa đông 1995, một nông dân Bình Thuận tình cờ phát hiện cây thanh long nằm gần bóng đèn (thường được thắp sáng ban đêm) dưới mái hiên nhà mình ra quả trái mùa. Câu chuyện lạ lẫm lan nhanh như điện.

Nông dân ở Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh đua nhau bắt chước để ép cây ra trái nghịch vụ. Mỗi ha thanh long treo khoảng 1.400 bóng đèn sợi đốt công suất 100w, 75w hoặc 60w để thắp sáng khiến ngành điện lực của địa phương khốn đốn.

den190413310
Chong đèn compact cho thanh long ra hoa trái vụ

Sốt ruột, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Văn Tý đã tìm gặp một số chuyên gia khoa học về chiếu sáng, phân trần: “Bà con đang thi nhau trồng thanh long nghịch vụ, đời sống khá lắm nhưng điện không thể lo kịp. Các ông làm thế nào giúp bà con với”.

Năm 2005, Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tặng những chiếc đèn compact 20w cho một số nông dân để thay thế đèn sợi đốt. May thay, quang phổ, bước sóng ánh sáng của loại đèn này vẫn đáp ứng yêu cầu quang hợp để thanh long ra trái sớm và tiết kiệm được 80% điện năng tiêu thụ.

Với những giống hoa cúc được trồng phổ biến ở Lâm Đồng, muốn thân cây cao khoảng 60 cm mới ra hoa, trước đây nông dân phải thắp sáng bằng bóng đèn sợi đốt 23w từ 8 – 10 giờ/đêm liên tục hơn 10 ngày.

Nhờ kết hợp chặt chẽ với các nhà sinh lý học thực vật, Rạng Đông đã cho ra lò loại bóng đèn compact 20w chuyên dụng để kiểm soát quá trình phát triển, ra hoa của hoa cúc với thời gian chiếu sáng chỉ 1 giờ/đêm (thay vì chiếu sáng 8 – 10 giờ/đêm như trước) nhưng vẫn đạt được hiệu quả tương đương.

Tại Tiền Giang, người dân áp dụng công nghệ chiếu sáng đã làm tăng khả năng quang hợp của hoa thiên lý. Sản lượng hoa thu được cao gấp đôi, gấp 3 lần so với thông thường, trở thành cây làm giàu cho bà con.

“Ở Lâm Đồng hiện nay 100% bóng đèn dây tóc đã được nông dân thay thế bằng đèn compact 20w. Các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, chúng tôi chỉ vận động được 30% bà con thay hoàn toàn đèn dây tóc 75w, 100w bằng đèn compact; 50% sử dụng đan xen đèn compact và đèn sợi đốt. Còn lại là những hộ sử dụng hoàn toàn đèn sợi đốt. Nguyên nhân là do giá một bóng đèn sợi đốt rẻ (5.000 đồng/bóng), đầu tư ban đầu thấp hơn đèn compact”, ông Nguyễn Đoàn Thăng, PCT thường trực Hội chiếu sáng Việt Nam, TGĐ Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chia sẻ.

Để ánh sáng trở thành "đòn bẩy"

Điểm danh một vài mô hình ứng dụng công nghệ chiếu sáng trong trồng trọt trên, tính hiệu quả đã hiện lên ngồn ngộn. Nhưng, để ánh sáng trở thành “đòn bẩy” nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, khó khăn vẫn trùng trùng.

den-2190416227

Bởi, mỗi loại cây trồng, vật nuôi cần những bước sáng khác nhau, quang phổ và màu sắc khác nhau để kích thích sinh trưởng, phát triển. Hiện tại, chúng ta vừa thiếu doanh nghiệp SX thiết bị chiếu sáng chuyên dụng phục vụ nông nghiệp, vừa thiếu đội ngũ chuyên gia nghiên cứu ánh sáng hữu ích với cây trồng, vật nuôi.

PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết: Nếu nhốt ngỗng cái trong bóng tối một thời gian để chúng không phân biệt được sự thay đổi về mùa, nhổ bớt lông rồi sau đó điều chỉnh ánh sáng tăng dần lên, con ngỗng cái sẽ đẻ 2 lần/năm thay vì 1 lần như thường lệ. Bằng cách này, chúng tôi đã tìm ra cách làm tăng sản lượng trứng.

“Tại sao Việt Nam chưa phát triển được những loại nấm ăn cao cấp? Theo tôi, một phần vì công nghệ diệt khuẩn mầm bệnh trên nấm của ta chưa tốt. Tôi được biết có những ánh sáng có khả năng xua đuổi và tiêu diệt côn trùng trong không khí. Rất cần những nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu lĩnh vực này”, PGS.TS Phạm Thị Vượng.

Mặc dù khẳng định việc chiếu sáng có nhiều vai trò hữu ích sưởi ấm, nâng cao năng suất và kích thích tiết hoóc môn sinh sản, tiết sữa của vật nuôi, tuy nhiên nhìn lại ngành công nghiệp chiếu sáng của Việt Nam, ông Vang thấy buồn vì chưa có một doanh nghiệp nào sản xuất bóng đèn chuyên dụng phục vụ từng đối tượng vật nuôi. Vì thế, các trang trại, gia trại vẫn phải sử dụng thứ ánh sáng lệch chuẩn, làm giảm hiệu quả sản xuất.

Cùng chung quan điểm trên, TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, cho rằng: "Hiện nay, nhiều tiến bộ KH&CN áp dụng vào sản xuất nông nghiệp đã tạo ra giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp khoảng 30%. Nhưng nếu chúng ta đầu tư thích đáng cho lĩnh vực chiếu sáng trong nông nghiệp thì chắc chắn không chỉ dừng lại ở con số 30% mà có thể lên tới 50%”.

Các Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao KHCN trực thuộc Viện Chăn nuôi mỗi năm xài không dưới 1 tỷ đồng để thay bóng đèn. Nhưng, bản thân chúng tôi cũng không dám khẳng định những thiết bị chiếu sáng đó có đáp ứng được nhu cầu sinh trưởng, sinh sản của vật nuôi hay không. Nói như vậy để thấy rằng, tiềm năng phát triển lĩnh vực chiếu sáng trong nông nghiệp là rất lớn và hoàn toàn có thể sản xuất quy mô hàng hóa để phục vụ đại trà.

GS.TS Nguyễn Viết Tùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp 1, nhận định: Rất nhiều vấn đề bế tắc, tạo nên rào cản trong lĩnh vực côn trùng học và bảo vệ thực vật có thể hé mở được lối thoát nhờ công nghệ chiếu sáng.

Trong ngành bảo vệ thực vật, chúng tôi sử dụng ánh sáng để thăm dò, dự tính, dự báo quy luật phát sinh, phát triển của các loài côn trùng. Nhưng phải nói thật là dụng cụ thăm dò rất thô sơ và chưa thể kiểm soát được về kỹ thuật.

Chẳng hạn, các bẫy đèn sử dụng ở các trạm không đồng nhất về mặt cường độ ánh sáng. Có khi chỗ ít bắt được nhiều, chỗ nhiều bắt được ít. Do vậy, không thể lấy kết quả đó làm cơ sở dữ liệu chính xác để nghiên cứu và tính toán để đưa ra những dự báo tổng thể phục vụ sản xuất.

“Năm 2006, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hoành hành ở ĐBSCL, phun thuốc bảo vệ thực vật chỉ như muối bỏ bể. Để chống dịch, chúng tôi phải mua nhiều bẫy đèn của Trung Quốc để bắt rầy nâu. Tại sao chúng ta không ưu tiên nghiên cứu về những thiết bị này?”, ông Tùng nói.

PGS.TS Phạm Thị Vượng, Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật, kể: Trước đây, chúng tôi phải ra chợ mua hàng loạt thiết bị đèn điện của Trung Quốc rồi phát cho nông dân để họ thử nghiệm xem loại ánh sáng nào thu hút mạnh với côn trùng. Cuối cùng nhóm nghiên cứu cũng tìm ra loại ánh sáng tím dẫn dụ tốt loài bọ hung.

Nhờ loại đèn này, hàng chục tấn bọ hung đã chui vào bẫy. Nếu có đa dạng thiết bị bẫy côn trùng, chúng ta sẽ không phải chứng kiến cảnh tượng phun thuốc trừ sâu tràn lan ngoài đồng ruộng, hủy hoại tàn bạo môi trường như hiện nay.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm