| Hotline: 0983.970.780

Tết ở vùng rốn lũ

Thứ Sáu 24/01/2014 , 09:41 (GMT+7)

Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi xảy ra lũ lụt, tỉnh Quảng Ngãi được người dân cả nước hỗ trợ được 20 tỷ đồng tiền mặt và lượng hàng hóa trị giá trên 20 tỷ đồng.

Tết Nguyên đán cận kề, chúng tôi trở lại vùng rốn lũ xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua của tỉnh Quảng Ngãi. Bà Lê Thị Thanh Điểm, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nham, cho biết: Cơn lũ đã khiến 16 ngôi nhà trên địa xã sập hoàn toàn; 33 ngôi nhà hư hỏng 30 - 70%. Ngoài ra, tài sản bị nước lũ cuốn trôi nhiều vô kể.

“Những hộ dân bị nhà sập hoàn toàn được Nhà nước hỗ trợ 32 triệu đồng để xây mới, đến nay mới có 10 hộ làm xong, còn 3 hộ sẽ hoàn thành kịp đón Tết và 3 hộ xin xã khất cho sang năm mới làm. Trong đợt lũ vừa qua, ngoài những khoản hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, xã Sơn Nham đón nhận hàng chục tổ chức, cá nhân đến tặng quà chia sẻ những khó khăn người dân gặp phải”, bà Điểm cho hay. 

Rời UBND xã, chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Tạ Hồng Thanh, thôn Xà Nay, xã Sơn Nham. Trong đợt lũ vừa qua, ngôi nhà của anh Thanh bị nước lũ cuốn trôi, hiện gia đình anh có 5 người đang sống chen chúc trong một lều bạt được lực lượng quân đội dựng lên sau khi cơn lũ đi qua để giải quyết chỗ ở tạm thời. 

Nhắc về cơn lũ, anh Thanh kể: Trong 4 giờ đồng hồ, nước từ sông Trà Khúc dâng lên 20 m, nước đổ về như sóng thần khiến người dân trở tay không kịp. Gia đình tôi may mắn chạy lên được tầng 2 của trường Tiểu học và THCS xã Sơn Nham trú ẩn. 

Tôi hỏi: Gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 32 triệu đồng để xây nhà mới, sao anh lại không làm vậy? Anh Thanh đáp: “Xã đã giao cho 17 triệu đồng để xây nhà nhưng không cho xây trên mảnh đất có nhà bị sập, vì xã sợ nếu có lũ sẽ bị cuốn trôi lần nữa. Do đó, tui lấy số tiền đó đi mua đất ở chỗ cao để làm nhà nên không còn tiền để xây nữa, còn 15 triệu đồng nữa thì xã bảo phải làm xong nhà mới cấp tiếp”. 

Căn lều bạt gia đình anh Thanh đang sinh sống rộng chừng 30 m2, phía trong có mấy tấm ván ghép lại làm giường để ngủ và một cái bàn. Đấy là “căn nhà” mà 5 người trong gia đình anh Thanh sống mấy tháng nay. “Vợ chồng tui thì không sao, nhưng thương đứa con, hai đứa em chú ạ! Bọn nó chờ ba ngày Tết để ăn miếng bánh chưng, bộ áo quần mới khoe với bạn bè, rứa mà Tết ni mà chẳng có chi hết!”, anh Thanh buồn rầu. 


Anh Tạ Hồng Thanh buồn bã trên đống đổ nát của ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi

Cạnh nơi gia đình anh Thanh ở là căn lều bạt của hai vợ chồng ông Nguyễn Bính. Trong đợt lũ vừa qua, căn nhà cấp bốn xây kiên cố của ông Bính bị nước lũ làm sập hoàn toàn. Đến nay ông nhận được 17 triệu đồng nhưng xã không cho xây nhà mới trên nền căn nhà bị sập, trong khi ông Bình chưa kiếm được đất để làm nhà mới, buộc hai vợ chồng ông phải sống trong căn lều bạt tạm bợ này. 

“Người ta nói cả năm được 3 ngày Tết nên khó khăn đến mấy cũng sửa sang bàn thờ, nhà cửa để ông bà có về thì cũng còn nơi ấm áp. Cơn lũ quá lớn đã cuốn sạch nhà cửa, tài sản rồi, giờ không còn tiền đâu để sắm sửa đồ đạc. Tết sắp đến nhưng không mua sắm được cái chi hết, cũng may có được ít gạo của Nhà nước, các DN hỗ trợ, nấu lên cúng ông bà tổ tiên, chứ biết làm sao được”, bà Nguyễn Thị Nhạn, vợ ông Bính nói. 


Vợ chồng ông Nguyễn Bính sống tạm trong lều bạt

Rời huyện Sơn Hà, chúng tôi đến vùng rốn lũ huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, đi theo tuyến đường ĐT 624B về các xã, tại đây chúng tôi gặp nhiều người dân, hỏi chuyện đón Tết Giáp Ngọ thì ai cũng buồn buồn. 

Ngôi nhà chị Lữ Thị Hiền, thôn Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện nằm ngay bên đường, chị Hiền đang gom những viên gạch, đá… để dựng lại ngôi nhà bếp chuẩn bị đón Tết. Mang tiếng là nhà bếp nhưng trong vài ngày tới sẽ có mấy cọc tre dựng và tấm bạt phủ lên để chị nấu ăn. 

Chị Hiền kể: “Hôm đó nước đổ về rất nhanh, hai vợ chồng đeo bám lấy hai con bò đưa lên núi chạy lũ. Vợ ở phía trước dắt bò, còn chồng ở phía sau đẩy. Hai vợ chồng loay hoay hơn 2 giờ đồng hồ đưa bò lên núi thì nước ngập không còn đường về nhà để dọn dẹp tài sản lên cao. Đứng trên núi nhìn xuống nhìn bếp bị nhà sập, tài sản trôi lềnh bềnh mà bất lực”. 

Sau một ngày ở trên núi trú ẩn, nước rút hai vợ chồng về nhà, tài sản không còn một cái gì, bùn ngập đến đầu gối. Nước lũ đã “nuốt” hết tài sản mà bao năm nay vợ chồng chị dành dụm. Lúa gạo ướt hết, heo, gà bị cuốn trôi, trong những ngày qua hai vợ chồng chị được Nhà nước hỗ trợ gạo. Nhà có 4 người, mỗi tháng được cấp 60 kg, thức ăn thì rau củ qua ngày. 


Chị Lữ Thị Hiền đang dọn dẹp gạch, đá để dựng lại ngôi nhà bếp

Đã cận kề Tết nhưng chồng chị Hiền vẫn lên rừng chặt keo, tràm thuê để có tiền mua cân thịt, gói bánh. Các Tết trước chị Hiền mua cho mấy người con được bộ áo quần mới, nhưng năm này chịu rồi. Chồng đi làm thuê nhưng nay họ cũng chưa thanh toán cho, mong rằng họ sẽ trả trước Tết để sắm được ít đồ. 

“Nhắc đến Tết mà buồn! Heo, gà thì trôi theo lũ, giờ không còn chi hết. Như các năm trước mình không có tiền thì gà, lợn mình nuôi được, cá ngoài ao, rau ngoài vườn cũng dư sức đón Tết. Năm nay chỉ có bùn non phủ khắp vườn, đi ra chợ thấy họ mua sắm tấp nập, nào là lá dong, bánh kẹo, nếp thơm, thịt... mà mình thấy tủi thân. Hết Tết rồi cũng lo lắm, ra Giêng không biết Nhà nước trợ cấp gạo nữa không, còn lúa mới trồng chưa thu hoạch được”, chị Hiền trải lòng. 

Còn với ông Huỳnh Tấn Trung, thôn Nhơn Lộc 2, xã Hành Tín Đông khi tôi nhắc đến Tết, ông Trung liền chép miệng: “Cơn lũ đi qua người dân chúng tôi mong no đủ qua Tết là may mắn lắm rồi! Cơn lũ lịch sử hoành hành đã làm người dân quên hết Tết mất rồi! Các năm trước có con gà, con vịt, con heo… đem bán có ít tiền sắm đồ nhưng Tết này chẳng có gì mà bán hết”.


Nước lũ cuốn trôi sạch tài sản gia đình ông Huỳnh Tấn Trung

Theo như ông Trung, như thường lệ, người dân vùng rốn lũ huyện Nghĩa Hành mấy người chung nhau mổ một con heo làm thịt chia ra vài kg đón Tết, con cá dưới ao bán rẻ cho nhau, rau, quả có ngoài vườn. Tết đến gia đình nào cũng có nồi bánh chưng, bánh tét và ít cân thịt trong nhà. Nhưng năm nay rau quả trồng chưa tốt, người dân chỉ mơ có được một cái bánh chưng và một cân thịt để thắp hương cho ông bà gọi là có Tết.

Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi xảy ra lũ lụt, tỉnh Quảng Ngãi được người dân cả nước hỗ trợ được 20 tỷ đồng tiền mặt và lượng hàng hóa trị giá trên 20 tỷ đồng. Số tiền này được phân bổ về cho người dân vùng lũ. Công tác hỗ trợ xây dựng 164 căn nhà mới theo mức 30 triệu đồng/nhà (ở miền núi) và 25 triệu đồng/nhà (ở đồng bằng) cơ bản được hoàn thành. 

Trong dịp Tết Giáp Ngọ, tỉnh Quảng Ngãi chuẩn bị 17.200 suất quà, mỗi suất trị giá 300.000 - 500.000 đồng cùng tiền hỗ trợ heo, gà, trâu, bò… cho người dân vùng lũ đón Tết. Tỉnh cố gắng không để người dân vùng lũ nào bị đói ăn, thiếu mặc.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm