| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 09/01/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 09/01/2017

Thăng trầm con lợn, 'biết rồi khổ lắm nói mãi'!

Nhiều ngày nay, người nuôi lợn Việt Nam điêu đứng, vì giá lợn hơi sụt một cách thê thảm, nhiều nơi giá đã chạm đáy.

Người chăn nuôi lỗ nặng. Hàng ngàn hộ chăn nuôi phải bán tống bán tháo đàn heo rồi bỏ trống chuồng, không có điều kiện tái đàn nữa.

Nguyên nhân: Từ hơn tháng nay, Trung Quốc đã chỉ đạo các tỉnh giáp biên giới với nước ta giám sát chặt chẽ việc nhập lợn từ Việt Nam qua các đường tiểu ngạch. Vì thế các thương lái xuất lợn sang Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn, bởi trước nay, lợn của ta hầu như chưa xuất chính ngạch sang Trung Quốc được một tấn nào.

Lợn hơi, thủy hải sản, dưa hấu, thanh long... và rất nhiều nông sản khác nữa, khi xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, cũng từng chịu cảnh như vậy. Không biết từ lúc nào, chúng ta đã tự mình buộc chặt mình vào cái thị trường khổng lồ, khá dễ tính về chất lượng này. Chính điều đó đã khiến họ dễ dàng làm mưa làm gió, tự tung tự tác trên nền sản xuất của ta bằng những chiêu trò mà ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng lại rất khó bề chống đỡ. Còn chúng ta thì hoàn toàn bị động, luôn phập phồng trước cái gậy chỉ huy của họ.

Chuyện con lợn cũng thế. Có thời kỳ Trung Quốc mua ồ ạt lợn hơi với giá cao, khiến người chăn nuôi Việt Nam ồ ạt tăng đàn, đầu tư mở rộng trang trại một cách tự phát, mà không hề tính đến những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường này. Quả nhiên, khi tăng đàn đến đỉnh điểm thì Trung Quốc lại đột ngột dừng mua, khiến người chăn nuôi lỗ nặng, số lãi có được khi họ mua lợn giá cao không thấm gì so với số lỗ mà người chăn nuôi Việt Nam phải gánh khi họ ngừng lại. Và chuyện đó cứ lặp đi lặp lại.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã có kế hoạch trình Chính phủ và làm việc với phía Trung Quốc để ký kết các hợp tác song phương, giúp các doanh nghiệp có thể xuất khẩu chính ngạch mặt hàng lợn.

Đây là một hướng đi đúng đắn. Chỉ có con đường xuất khẩu chính ngạch và kiểm soát chặt chẽ quy hoạch chăn nuôi, chấm dứt tình trạng phá vỡ quy hoạch một cách tự phát, thì chúng ta mới có thể nâng cao được chất lượng các mặt hàng nông sản của mình, và mới không lo những biến động về giá cả. Chỉ đáng tiếc là các hiệp định hợp tác song phương đáng lẽ đã phải được ký kết từ nhiều năm trước rồi. Và không chỉ với một mặt hàng lợn, mà phải với nhiều mặt hàng nông sản khác nữa.

Nhưng, muộn còn hơn không. Vấn đề là đã có kế hoạch rồi, thì phải khẩn trương thực hiện.