Cây thanh táo còn gọi là thuốc trặc, tần cửu, có tên khoa học Justicia gendarussa L. f. (Gendarussa vulgaris Nees), thuộc họ Ô rô - Acanthaceae.
Cây thanh táo là loài cây nhỏ mọc hoang hay thường được trồng làm cảnh, làm hàng rào. Cây cao 1-1,5m. Thân cành non màu xanh hoặc tím sẫm. Lá mọc đối, hình mác hẹp, có gân chính tím, không lông.
Trên mặt lá thường có những đốm vàng hoặc nâu đen do một loài nấm gây nên. Hoa mọc thành bông ở ngọn hay ở nách lá về phía ngọn bao bởi nhiều lá bắc hình sợi.
Ðài 5, hợp ở gốc cao 3-5mm. Tràng màu trắng hay hồng có đốm tía, chia 2 môi. Nhị 2, bao phấn 2 ô. Quả nang hình đinh, dài 12mm.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Justiciae, thường gọi là Tiểu bác cốt.
Theo Đông y, cây thanh táo có vị cay, tính ấm; có tác dụng nối gân tiếp xương, tiêu sưng giảm đau. Rễ có vị hơi chua cay, tính bình có tác dụng hoạt huyết, trấn thống, làm lợi đại tiểu tiện, tán phong thấp.
Vỏ rễ và vỏ thân có tác dụng gây nôn. Lá có tác dụng sát trùng. Thường được dùng trị gãy xương, sái chân, phong thấp viêm khớp xương. Rễ dùng chữa vàng da, giải độc rượu, còn trị viêm thấp khớp, bó gãy xương, trật khớp.
Liều dùng 15-20g cây khô, dạng thuốc sắc. Vỏ rễ, vỏ thân sắc uống hoặc ngâm rượu uống chữa tê thấp. Rễ và cành lá có thể dùng tươi giã đắp các vết thương chỗ sưng tấy và bó gãy xương. Còn dùng tán bột rắc trừ sâu mọt.
Sau đây là một số bài thuốc có vị thanh táo:
- Chữa bong gân sai khớp: Thanh táo 20g, lá diễn tươi 50g; cốt toái bổ, xuyên tiêu, mần tưới mỗi vị 20g. Sắc uống lúc còn ấm, mỗi ngày 1 thang. Bên ngoài dùng lá thanh táo, lá ngải cứu, lá diễn dùng tươi, lượng bằng nhau. Giã nhỏ đắp ngày 2 lần.
- Chữa ho, sốt, mồ hôi trộm: Rễ thanh táo, miếp giáp, địa cốt bì, sài hồ mỗi vị 10g; đương quy, tri mẫu mỗi vị 5g; thanh tao, ô mai mỗi vị 4g. Sắc uống trong ngày.
- Viêm tinh hoàn (dái sưng đau, một bên sa xuống): Rễ thanh táo, rễ sưng, rễ bấn trắng, rễ vạy đỏ, mỗi vị một nắm, sắc uống.
- Chữa sản phụ máu xấu đưa lên choáng váng, mắt mờ: Thanh táo, mần tưới, cỏ màn chầu, mỗi vị 20g, sắc uống.
- Chữa phong thấp, tay chân tê bại: Rễ thanh táo, dây chiều, rễ hoàng lực, rễ gai tầm xoọng, mỗi vị 20g; cốt khí củ, thiên niên kiện mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa vết lở, vết thương nhiễm độc chảy máu không dứt hay nhọt lở thối loét, khó kéo miệng: Lá thanh táo và lá mỏ quạ lượng bằng nhau, rửa với nước muối, giã nhỏ, đắp rịt, thay thuốc hằng ngày. Trong uống nước sắc bạch chỉ nam, kim ngân hoa, bồ công anh, mỗi vị 1 nắm và ăn rau sống hằng ngày, sau một tuần lễ sẽ có kết quả.
Chú ý, cây thanh táo có độc nhẹ, người bệnh nên tham khảo ý kiến của các lương y danh tiếng.