Chanh đào ngâm đường phèn có tác dụng gì?
Tại Việt Nam, có khoảng 20 giống chanh khác nhau. Trong đó, chanh đào là thảo dược rất được ưa chuộng. Mùa chanh đào thường diễn ra từ tháng 8, tháng 9 hàng năm. Chanh đào ngâm đường phèn, mật ong là một bài thuốc quý được lưu truyền từ rất lâu đời trong dân gian vì nó rất có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh về đường hô hấp.
Chanh đào hay chanh thường đều có tác dụng điều trị nhiều bệnh và có thể dùng làm thuốc để chữa viêm họng hay viêm họng hạt. Nguyên nhân là trong vỏ và lá chanh có nhiều tinh dầu có công dụng trị cảm cúm, ho, hạ sốt. Đây cũng là lý do mà người ta thường cho lá chanh và vỏ chanh vào nồi nước lá xông.
Ngoài ra, ruột quả chanh có chứa nhiều vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin C giúp giải nhiệt, kháng viêm, lợi tiểu, tiêu độc…Bên cạnh đó, hàm lượng axit citric đáng kể trong vỏ quả chanh phòng và điều trị ho, khan tiếng rất hiệu quả.
Mặc dù vậy, chuyên gia vẫn khuyến cáo những bệnh nhân bị ho nặng, ho do nhiễm vi khuẩn, vi trùng thì không nên dùng phương pháp điều trị bệnh dân gian này bởi nó không mang lại hiệu quả cao. Người bệnh cần được điều trị đúng theo phác đồ có kháng sinh của bác sĩ.
Trong quá trình sử dụng chanh, nếu bạn bị đi ngoài, chướng bụng thì nên ngưng dùng. Quả chanh kích thích tiết tân dịch nên bạn có thể bị tiêu chảy, đau bụng nặng hơn. Thêm vào đó, lạm dụng chanh đào ngâm đường phèn để trị ho cũng có khả năng gây hại cho đường tiêu hóa.
Nguyên liệu ngâm chanh đào đường phèn
Các nguyên liệu để ngâm chanh đào đường phèn bao gồm:
- Chanh đào: 1kg. Bạn cần chọn trái tươi, chín vàng, hơi già, vỏ mỏng, vỏ bóng, ruột có màu hồng.
- Đường phèn: 0,8kg.
- Mật ong: 1l.
- Bình đựng thủy tinh.
- Vỉ nén bằng nan tre để đè chanh xuống trong quá trình ngâm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Dao, thớt, bình, vỉ nén cần được rửa sạch, để khô.
- Hướng dẫn cách ngâm chanh đào đường phèn
Dưới đây là chi tiết cách ngâm chanh đào đường phèn:
Bước 1: Rửa sạch chanh. Pha một ít muối trong nước sôi để nguội, ngâm chanh khoảng 30 phút rồi vớt ra để thật khô. Trong trường hợp chanh chưa đủ độ khô, bạn hãy lấy khăn sạch và khô để lau kỹ từng quả chanh. Khi làm, cần để thớt, dao và tay khô, không dính nước lã. Kế tiếp, cắt chanh thành từng lát mỏng, để nguyên hạt.
Bước 2: Đập nhỏ đường phèn, đổ 1 lớp đường vào lọ, xếp 1 lớp chanh vào. Cứ thế xếp 1 lớp đường, 1 lớp chanh cho đến khi hết chanh. Chừa lại những cục đường to để lên trên cùng.
Bước 3: Đổ mật ong vào. Dùng vỉ nan tre để nén chanh xuống, đậy nắp kín. Để hỗn hợp khoảng 3 tháng rồi mới có thể sử dụng.
Những lưu ý khi sử dụng chanh đào ngâm đường phèn mật ong
- Không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi: Mật ong có thể gây ngộ độc botulism ở trẻ dưới 1 tuổi.
- Sử dụng đúng liều lượng: Dù chanh đào ngâm mật ong đường phèn rất tốt, bạn cũng không nên lạm dụng. Việc tiêu thụ quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày hoặc gây tăng đường huyết.
- Người dị ứng mật ong nên tránh: Nếu bạn dị ứng với mật ong, tốt nhất là không nên sử dụng phương pháp này. Bạn có thể tham khảo các phương pháp khác để thay thế.
- Chanh đào ngâm đường phèn mật ong chữa ho rất tốt nhưng chỉ có tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị. Những người bị ho khan, ho mãn tính, ho nặng cần đi thăm khám để xác định rõ bệnh và có hướng điều trị hiệu quả.
- Bảo quản đúng cách: Khi đã mở nắp, nên bảo quản hũ chanh đào trong ngăn mát tủ lạnh để đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng hỗn hợp bị mốc hay lên men.