| Hotline: 0983.970.780

Tòa xử 'người đã chết' đòi đất

Thứ Năm 26/11/2015 , 09:16 (GMT+7)

Mới đây TAND huyện Nam Sách, Hải Dương đã đưa ra xét xử vụ việc ly kỳ, một người mẹ còn sống nhưng bị khai là đã chết, đứng lên đòi lại đất từ người con trai…

Gieo nhân hậu, gặt khổ đau

Bà có tên là Nguyễn Thị Đụn một người sống hiền lành, nhân hậu, tất bật với việc nông gia chẳng mấy khi rời chân ra khỏi cổng làng (xã An Bình, Nam Sách).

Chuyện người sống phải vất vả để chứng minh tim mình còn… đập, phổi mình còn thở quả thực éo le, khó nói khi chính do một khúc ruột mình dứt ruột gây ra để giờ đây gia đình bà chia rẽ làm hai phe.

Số là khi bà đến tuổi 80 đủ điều kiện được nhận trợ cấp hằng tháng dành cho người già, con gái bà mới đem phô tô sổ hộ khẩu của mẹ ra xã làm thủ tục.

Cán bộ bảo rằng chị nhầm lẫn thế nào khi đem khai báo cho một người đã chết từ năm 2008. Giật thót người, chị xem lại quyển sổ hộ khẩu.

Quả đúng thật. Giấy vẫn một màu trắng, mực vẫn một màu đen, dấu vẫn một màu đỏ lại còn có cả chữ ký của Phó công an xã ghi rõ ràng rằng bà Nguyễn Thị Đụn đã chết năm 2008...

Chuyện lộ ra, về sau chẳng biết thế nào quyển sổ hộ khẩu bị sửa lại chữ chết thành chữ chuyển.

Người ta nghi ngờ chuyện biến người sống thành người đã khuất nằm trong một kịch bản để chiếm đất vì bà mẹ đau khổ đó có mảnh đất mà vợ chồng bà đã từng dựng lên một ngôi nhà tranh để ở từ những năm 70 của thế kỷ trước, từng đóng thuế đầy đủ.

Thế mà sau một chuyến đi thăm con gái  trở về, bà thấy ngôi nhà xưa đã bị dỡ bỏ, mảnh đất xưa đã bị đứng tên bởi người con trai cả là Trần Quang Thẻ. Bà phải làm đơn cầu cứu khắp nơi.

Về việc này ngay từ đầu năm 2015, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã từng phản ánh chi tiết trong phóng sự “Đòi được quyền làm người…còn sống”. Bài báo khiến đông đảo dư luận trong cả nước phải dậy sóng phẫn nộ thay cho bà mẹ bất hạnh đó.

Mới đây, TAND huyện Nam Sách đã mở phiên xét xử do thẩm phán Vương Đình Phan làm chủ tọa. Sự kiện thuộc vào loại hiếm có ở vùng đất thuần nông này khiến không ít người rớm nước mắt vì hoàn cảnh éo le, bất đắc dĩ khi bà mẹ phải đưa chính con đẻ và cháu nội của mình ra tòa, bày sự đau khổ ra cho bàn dân thiên hạ biết.

Bà Nguyễn Thị Đụn và chồng là ông Trần Quang Thảng sinh được 9 con nhưng chỉ dưỡng được 7 người, trong đó ông Trần Quang Thẻ là con cả. 

Từ năm 1970-1971 do gia đình đông con nên hai người đã làm đơn đề nghị và được HTX Nông nghiệp xã An Bình cấp cho 528 m2 đất thổ cư ở tại đội 2 để giãn hộ.

Sau khi có đất, ông bà đã cùng các con tôn tạo và dựng lên một căn nhà cấp bốn tường trình đất, mái lợp rạ. Thời đó cả nước đang đói vàng mắt, nhà bà đông con lại càng thiếu, phải vớt cả những thân rau muống già về độn, ghế lên với cơm ăn cho qua cơn đại nạn.

Nghèo túng nhưng ông bà vẫn thường giáo dục các con anh em như thể tay chân, phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Làm nhà xong một mình ông Thảng ra ở trước để trông coi rồi sau đó mới đưa người con dâu mới (vợ Trần Quang Thẻ) và cháu nội ra. Chẳng được mấy năm, ông khuất núi vì bạo bệnh.

Năm 1984-1985 vợ chồng anh Trần Quang Thẻ xin phép mẹ cho xây một căn nhà cũng ở phần đất trên để ra riêng còn bà Đụn vẫn sống cùng các con trong ngôi nhà tranh.

Năm 1993 anh Thẻ xin phép và được mẹ đồng ý tách cho một phần đất về phía tây nơi mà vợ chồng anh đã xây nhà (diện tích thực tế 336 m2), phần còn lại 352 m2 có ngôi nhà tranh mái rạ là của bà Đụn (sở dĩ đất có diện tích dôi ra so với lúc cấp là bởi thời trước ông bà có khai hoang thêm).

Mọi thủ tục tách đất bà đều tin tưởng giao cho người con trai cả Trần Quang Thẻ thực hiện. Năm 2001 bà vào miền Nam chơi với con gái, khi trở về thấy căn nhà cũ đã bị vợ chồng anh Thẻ phá bỏ, thay vào đó là một khu chuồng trại nuôi tằm và nuôi gà.

Khi được yêu cầu phải làm lại nhà trả mẹ, vợ chồng anh Thẻ đã sửa sang khu chuồng chăn nuôi này cho mẹ ở. Tết Nguyên đán năm 2009 bà Đụn bị ốm phải nằm bệnh viện, khi ấy người con gái bà tên là Thạch lấy chồng ở Quảng Ninh về chơi có nhờ anh Thẻ đi đóng thuế nhà đất hộ mẹ mới được bảo rằng: “Mẹ không có đất làm sao mà phải đóng thuế?”.

Thì ra phần đất 352 m2 này đã được âm thầm chuyển nhượng, được UBND huyện Nam Sách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng người con trai cả là Trần Quang Thẻ tự bao giờ.

Quá sốc, bà Đụn ốm lăn ốm lóc mãi mới lại người để đi gõ cửa khắp nơi khiếu nại.

UBND huyện sau khi xác định đã ra quyết định số 5138/QĐ-UBND thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận thửa đất trên đã cấp cho vợ chồng anh Thẻ.

Người ta có câu “Tuổi già như chuối chín cây”. Đau biết mấy khi ngọn “gió” lay mẹ rụng ấy lại chính là đứa con mình dứt ruột đẻ ra, đêm ngày cho bú mớm, ầu ơ ru bằng những câu ca dạy dỗ mong sao con nên người. Thế gian này còn bi kịch nào hơn thế?

Sau quyết định trên, bà Đụn đề nghị chính quyền địa phương tiến hành làm các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đất lại trả bà nhưng vợ chồng người con trai nhất mực không chịu. Đặng chẳng đừng, bà mới phải viết đơn khởi kiện.

Tuổi già như chuối chín cây

Trước tòa vợ chồng người con trai cả Trần Quang Thẻ nhất mực khăng khăng rằng chính họ chứ không phải ai khác là người làm đơn xin đất và khi dựng lên ngôi nhà tranh vách đất đã được bố mẹ cho 4 cây cột bằng tre. Từ đó vợ chồng họ đã sử dụng đất và đóng thuế đầy đủ.

Tuy nhiên tòa xét những lời khai cũng như chứng lý mà họ đưa ra không có cơ sở chấp nhận được nên buộc vợ chồng anh Trần Quang Thẻ phải trả lại thửa đất diện tích 352 m2 cho mẹ là Nguyễn Thị Đụn.

14-28-32_dsc_9484
Cuốn sổ hộ khẩu ghi là bà Đụn đã chết năm 2008

Để bà Nguyễn Thị Đụn được sở hữu và sử dụng các tài sản do vợ chồng người con trai đầu tư xây dựng như căn nhà cấp bốn cùng công trình phụ, 3 cây nhãn, 1 cây hồng xiêm, 5 gốc táo, 3 cây cau…

Tổng cộng bà Nguyễn Thị Đụn phải thanh toán trả cho chính vợ chồng người con trai cả đã phá đi căn nhà xưa, đã tranh chấp đất với mình là 40,5 triệu đồng (phần này đa phần dư luận địa phương không đồng tình vì theo họ đã chiếm đất thì phải hoàn trả mặt bằng nguyên trạng, có công trình, cây cối gì cứ việc đào đi mang về chứ không thể bắt đền người mẹ ruột mình được).

Phiên tòa có lý, có tình đã được đông đảo dư luận đồng tình ngoại trừ việc bắt bà Đụn phải trả hơn 40 triệu đồng đền bù tài sản, nhưng ngay lập tức gia đình người con trai đã có đơn kháng cáo.

Lạ cái là Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nam Sách sau đó đã bác bỏ hầu hết luận điểm của TAND huyện Nam Sách trong việc xét xử vụ bà Đụn và đề nghị TAND tỉnh Hải Dương đưa ra phúc thẩm.

Hy vọng rằng chân lý không thuộc về những kẻ có tiền, có quyền mà thuộc về những người dân lương thiện.

Khi tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Đụn, người mẹ đau khổ này đang bông băng trắng toát do tuổi già, sức yếu, xương cốt giòn tựa thủy tinh mới ngã nhẹ cái đã gãy tay, khiến cho bát cháo bưng lên đổ tung tóe trắng cả một góc sân. Thời gian đối với bà lúc này có lẽ không tính bằng năm nữa mà bằng tháng, bằng ngày.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm