| Hotline: 0983.970.780

Trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu

Thứ Tư 05/09/2012 , 10:19 (GMT+7)

NNVN giới thiệu mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu cho hiệu quả cao.

LTS: Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị tổng kết vụ đông 2011 và triển khai kế hoạch 2012 tại miền Bắc. Do ảnh hưởng của lịch thời vụ, vụ đông năm nay sẽ tăng diện tích nhóm cây ưa lạnh, đặc biệt là khoai tây. NNVN giới thiệu mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu cho hiệu quả cao.

Ở Việt Nam, khoai tây là cây trồng vụ đông có năng suất ổn định và là nguồn nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, với kỹ thuật trồng khoai tây cũ áp dụng lối canh tác cày bừa "toàn diện", làm đất nhỏ trong điều kiện khó khăn do vụ đông hay gặp mưa đầu vụ khiến đất nát khó làm.

Mặt khác, muốn khoai tây năng suất cao cần có nguồn giống sạch bệnh, mầm khỏe, lượng phân hữu cơ đã ủ hoai mục ít nhất 500 - 700 kg/sào. Nhưng lượng phân hữu cơ ngày càng hiếm do chăn nuôi hộ gia đình giảm. Hiện nông dân ít sử dụng rơm rạ làm chất đốt và phân hữu cơ, rơm rạ thường được đốt trực tiếp trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường...


Mô hình khoai tây thiểu canh tại Lâm Thao, Phú Thọ

Tận dụng rơm rạ

PGS.TS Mai Quang Vinh, Viện Di truyền Nông nghiệp chia sẻ, trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ ủ vi sinh kết hợp cân đối dinh dưỡng bằng phân đa yếu tố giải quyết được vấn đề chi phí lao động, tận dụng rơm rạ bổ sung chất hữu cơ cho đất, giúp người nông dân có ý thức về SX nông nghiệp bền vững.

Thực tế cho thấy, mô hình áp dụng TBKT trồng khoai tây theo phương pháp mới được Trung tâm Chuyển giao công nghệ & Khuyến nông, Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với Cty Phân lân Văn Điển và Cty Tam Nông triển khai tại 6 điểm trên 4 tỉnh (Phú Thọ, Hà Nội, Hà Giang, Thái Nguyên) vào vụ đông 2011 cho kết quả vô cùng khả quan.

Sau khi trình diễn, áp dụng một số TBKT mới như: Kỹ thuật trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu; sử dụng phân bón chuyên dụng cho khoai tây, ủ rơm rạ bằng phương pháp hữu cơ vi sinh, dùng các giống khoai tây ruột vàng chất lượng cao của Hà Lan, Đức như Diamond, Solara, Mariela… cho năng suất cao hơn cách làm cũ từ 10-15%, tiết kiệm khoảng 30% chi phí vật tư và công lao động. Đặc biệt, mô hình đã khắc phục được khó khăn trong khâu làm đất khi gặp thời tiết bất thuận mưa kéo dài, đất ướt nhão, không làm đất tơi nhỏ theo yêu cầu của cây khoai tây.

PGS.TS Mai Quang Vinh khuyến cáo, để chủ động cho vụ đông 2012, trước 15 ngày đến vụ khoai tây, sau khi thu hoạch lúa mùa, cần khẩn trương tận dụng toàn bộ rơm rạ của 3 sào lúa (khoảng 1,5 tấn), có thể trộn lẫn phân chuồng tươi, các loại cỏ rác thải nông nghiệp, các loại thân lá dài cần băm nhỏ có kích thước 3-5 cm, trải chất thành lớp dày 20 cm. 1 tấn rơm rạ, dùng 0,3-0,5 kg chế phẩm Trichoderma và 100ml Amino Humate Tam Nông hòa tan vào 70 lít nước, tưới bằng ô-doa theo từng lớp (20 cm/lớp) cho đủ ẩm, đậy kín đống ủ bằng bạt ni lông hoặc trát kín bùn.

Không được để đống ủ bị khô. Sau 15-20 ngày thấy phân ủ hoai ẩm và đen mịn thì đem ra phủ lên khoai tây. Sau đó, chọn nơi đất tơi xốp, đất thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu, thoát nước nhanh khi gặp mưa úng. Tốt nhất nên quy hoạch thành vùng tập trung để tiện công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

Tiếp đến, làm đất trồng theo phương pháp trồng khoai tây thiểu canh: Đất sau khi gặt xong lúa mùa tháo cạn nước, bón vôi bột với lượng 15-20 kg/sào. Cắt rạ sát gốc, tiến hành xẻ rãnh rộng 40 cm, sâu 15 cm, tạo thành luống có mặt rộng 90 cm. Xung quanh bờ ruộng cũng cày xẻ rãnh để chủ động thoát nước tốt, tránh ngập úng làm thối cây, thối củ sau này. Lượng giống 1.300-1.500 củ/sào tương đương 30-40 kg/sào. Chọn củ giống sạch bệnh, có trọng lượng 30-40 củ/kg để hạn chế bổ củ. Khoai giống đem về rải dày 5-10 cm, phủ kín bằng rơm rạ ẩm khoảng 5-7 ngày, khi mầm dài 0,5 - 1 cm đem trồng.

Năng suất cao hơn

Trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu có sử dụng phân bón đa yếu tố đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, tạo cơ hội mở rộng diện tích trồng khoai tây khi lao động chuyển sang làm ngành nghề khác. Mặt khác, tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch sẽ khắc phục hiện tượng đốt rơm rạ. Đặc biệt, mô hình phù hợp với địa phương thu hoạch lúa mùa muộn, không kịp gieo trồng các cây trồng vụ đông ưa ấm.

Là một trong những địa phương đi đầu thử nghiệm mô hình trồng khoai tây theo phương pháp mới, ông Đỗ Đức Thắng, Phó Chủ tịch xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao, Phú Thọ cho hay: Tại mô hình cải tiến trồng khoai tây trên rơm rạ không cần làn đất, bà con nông dân đều nhận xét, sau khi ủ rơm 15 ngày đưa ra tủ lên củ giống khoai tây, rơm rạ hoai mục dần thành phân bón hữu cơ làm cho củ khoai dễ phát triển, củ lớn nhanh, không thấy các loại bệnh hay xuất hiện khi trồng khoai tây như chết (héo) xanh, sương mai, phấn trắng… Trong suốt vụ, không cần phun thuốc hóa học trừ bệnh nên củ khoai tây rất sạch, nhẵn nhụi, mẫu mã đẹp, vị ngon đậm, trong khi các mô hình SX cũ, kể cả mô hình trồng khoai tây phủ rơm rạ không xử lý vẫn phải phun thuốc trừ sâu bệnh 2-3 lần.

Qua hạch toán kinh tế cho thấy, việc trồng khoai tây theo phương pháp thiểu canh tại huyện Lâm Thao đã tiết kiệm công lao động, cho năng suất cao hơn phương pháp làm đất truyền thống là 661.000 đ/sào (18,5 triệu đ/ha). Một số gia đình trên quy mô hẹp đã đạt tới 8 tạ/sào, hiệu quả có thể đạt 6-8 triệu đ/sào (166,2-221,6 triệu đ/ha), năng suất bình quân 550-700 kg/sào (15-20 tấn/ha).

Từ kết quả mô hình thực tế đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao Nguyễn Hữu Hải cho biết, vụ đông 2012 huyện sẽ khuyến khích bà con nông dân chuyển sang trồng khoai tây theo phương pháp mới này.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm