Đẩy ô nhiễm ra thế giới
Theo các số liệu nghiên cứu toàn cầu, Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu về lượng xả thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính. Sau khi Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi thoả thuận khí hậu Paris ký năm 2015, Bắc Kinh đang được chờ đợi sẽ dẫn đầu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên thế giới. Nhiều ý kiến phân tích cùng cho rằng, đây sẽ là đòn bẩy giúp Bắc Kinh nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Trung Quốc dẫn đầu về lượng xả thải carbon gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới |
Tuy nhiên mới đây, Liên Hợp Quốc đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc cần làm nhiều hơn nữa so với những cam kết của nước này. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời Trưởng chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Erik Solheim cho biết, thế giới đang ở giai đoạn chuyển tiếp giữa sử dụng năng lượng than đá sang năng lượng tái tạo, và Trung Quốc giữ một vai trò thiết yếu.
Theo báo cáo, song song với “vị thế” dẫn đầu về nguồn gây ô nhiễm môi trường, Trung Quốc hiện cũng là nước đầu tư mạnh nhất vào nguồn năng lượng gió và mặt trời. Mức độ tiêu thụ năng lượng than đá của Trung Quốc đã giảm trong vòng 3 năm trở lại đây. Hồi đầu năm nay, Bắc Kinh thông báo đã huỷ 100 dự án năng lượng về than đá. Kết quả này một phần xuất phát từ mục tiêu giảm mức độ ô nhiễm không khí ở các thành phố của Trung Quốc, trong đó gồm cả thủ đô Bắc Kinh, vốn đã lên tới mức báo động. Mặc dù vậy, Bắc Kinh đồng thời lại bị chỉ trích là đang “xuất khẩu” ô nhiễm ra thế giới, đặc biệt ở các nước nghèo và kém phát triển.
Cụ thể theo ước tính của Tổ chức Môi trường Urgewald (Đức), có khoảng 250 Cty Trung Quốc liên quan tới gần một nửa trong tổng số 1.600 dự án năng lượng than đá mới trên toàn thế giới, gồm cả ở những nước vốn ít sử dụng như Pakistan hay Ai Cập. Theo ông Solheim, đây là một xu hướng nguy hiểm khi khiến cho các nước này phụ thuộc ngày càng mạnh vào năng lượng hoá thạch, gây rủi ro về môi trường và sức khoẻ.
Biến đổi khí hậu đe doạ thế giới
Một nghiên cứu do Viện Công nghệ Massachusett (MIT) của Mỹ mới đây cho thấy, khu vực Nam Á, nơi chiếm tới 1/5 dân số thế giới, sẽ trở nên quá nóng để con người có thể sống vào cuối thế kỷ này. Theo các nhà khoa học MIT, nếu mức độ biến đổi khí hậu tiếp tục như hiện nay thì trong vòng vài thập niên nữa, các luồng khí nóng chết người sẽ tấn công một phần Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Những vùng nông nghiệp lớn như lưu vực sông Indus, Ganges sẽ bị tác động mạnh nhất, khiến giảm sản lượng mùa màng, gây nên tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. “Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề trừu tượng. Nó đang gây tác động tới số lượng lớn những người dễ bị tổn thương”, giáo sư Elfatih Eltahir thuộc MIT cho biết. Theo ông Eltahir, tác động xấu có thể xảy ra đối với các vùng ở bắc Ấn Độ, phía nam Pakistan và Bangladesh, với dân số 1,5 tỉ người.
Theo kết quả nghiên cứu, hiện có khoảng 2% dân số Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng, khô hạn. Con số này có thể tăng lên tới 70% vào năm 2100 với xu hướng biến đổi khí hậu hiện nay. Chỉ trong năm 2015, các đợt nắng nóng vào mùa hè đã giết chết 3.500 người ở khu vực Nam Á.
Ở mức độ rộng hơn, biến đổi khí hậu dự báo sẽ khiến số ca tử vong liên quan tới thảm hoạ môi trường ở châu Âu vào cuối thế kỷ này tăng gấp 50 lần so với hiện nay, từ 3.000 ca/năm trong giai đoạn 1981 -2010, lên 152.000 ca/năm trong giai đoạn 2071 - 2100. Biến đổi khí hậu trở thành mối đe doạ lớn nhất đối với sức khoẻ con người trong thế kỷ 21.