Trước khi bị phát giác, cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An khẳng định không sai phạm
Cuối tháng 8/2015, trên mạng xã hội facebook cá nhân của chị Đàm Lan Anh (34 tuổi, trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An), xuất hiện những hình ảnh về cuộc sống của những đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An (đóng tại xã Giang Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) và gây dậy sóng trong dư luận.
Không khó để nhận thấy, khẩu phần ăn của bệnh nhân chỉ có vài ba miếng thịt mỡ, kèm theo ít rau và canh. Phần chung người bệnh đều ốm yếu, gầy gò, có nhiều trường hợp bệnh nhân tâm thần không mặc quần áo, ngồi bốc thức ăn hệt như thời tiền sử.
Chứng kiến cảnh này, cộng đồng mạng xã hội hết sức xót xa, không ít ý kiến cho rằng, các cán bộ của trung tâm đã có hành vi “ăn chặn, bớt xén” khẩu phần của các đối tượng bảo trợ để chia chác với nhau. Vậy đâu là sự thật?
Sau khi tìm hiểu, PV được biết, chị Đàm Lan Anh cùng bạn bè thường tổ chức những chuyến đi tình nguyện, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khốn khó trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2012, chị cùng đoàn đã nhiều lần đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An để nấu cơm, cắt tóc, tắm rửa... cho những bệnh nhân tâm thần và người già neo đơn không nơi nương tựa. Có lần tận mắt chứng kiến người bệnh phải bốc thức ăn, trên người không một mảnh vải che thân, chị Anh không khỏi bàng hoàng, xót xa.
Để kêu gọi, vận động các tấm lòng hảo tâm, chị quyết định chụp các bức ảnh để đưa lên facebook cá nhân và gây được hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội.
Để đối phó với việc này, lãnh đạo trung tâm và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đã từng lớn tiếng khẳng định: “Chế độ Nhà nước áp dụng cho bệnh nhân chỉ có từng đó nên khẩu phần như thế là chuyện đương nhiên, tuyệt đối không có hành vi bớt xén ở đây”.
Về việc người bệnh “ở truồng”, cán bộ Trung tâm cho rằng, các bệnh nhân đều được phát quần áo theo quy định nhưng các trường hợp tâm thần nặng, không kiểm soát được hành vi nên đã xé rách. Còn việc không được dùng thìa ăn cơm là để tốt cho bệnh nhân, phòng khi nổi cơn họ lại dùng để làm hung khí tấn công nhau (?!).
Hành vi ăn chặn chế độ của bệnh nhân là không thể chấp nhận
Trao đổi về vấn đề này, chị Đàm Lan Anh quả quyết: “Chúng tôi đã phát quần áo cho họ, phát chén, thìa cho họ dùng cơm, điều đó giúp tinh thần các bệnh nhân lạc quan và yêu đời hơn hẳn. Người tâm thần không xé hết quần áo như cán bộ khẳng định, chưa kể họ có thể cầm thìa, đũa ngồi vào bàn ghế ăn cơm nghiêm túc”.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết, ngay sau khi những hình ảnh nhạy cảm trên được phát tán rộng rãi thì đơn vị đã thành lập tổ công tác kiểm tra sổ sách, chứng từ, thực đơn hàng ngày… của Trung tâm nhưng không phát hiện thấy hành vi sai phạm.
Tuy nhiên, ở lần thanh tra sau đó thì kết quả lại khác: “5 năm qua (2011-2015), Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã ăn chặn của các đối tượng gần 800 triệu đồng, trong đó hơn 530 triệu đồng là tiền trang bị vật dụng (quần áo, dày dép, chăn màn, thuốc men…) và hơn 200 triệu tiền chênh lệch khẩu phần ăn.
Các đối tượng được chăm sóc ở Trung tâm Bảo trợ là những người tâm thần nặng, người già neo đơn, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, chính vì thế chúng tôi rất bất ngờ trước việc làm này”.
Theo ông Dương, khẩu phần ăn của các đối tượng là khác nhau nhưng Trung tâm Bảo trợ xã hội lại “cào bằng” chế độ ăn như nhau và duy trì ở mức thấp nhất (360.000 đồng/người/tháng); ngoài một số hồ sơ, giấy tờ được ký khống, lãnh đạo Trung tâm đã tự ý “vẽ thêm” đối tượng ăn so với thực tế để nhận tiền…
Được biết, ngay sau khi có kết quả thanh tra thì ông Nguyễn Xuân Phú (Giám đốc) và bà Nguyễn Thị Thu Phương (phó giám đốc) đã “khắc phục” bằng cách nộp lại gần 800 triệu đồng do sai phạm mà có.
Về việc này, ông Dương khẳng định, Hội đồng kỷ luật của Sở sẽ họp, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm. Quan điểm của đơn vị là xử lý nghiêm khắc, không bao che nhằm đảm bảo cuộc sống cho các đối tượng chính sách”.
Chế độ hỗ trợ của người bệnh vốn đã thiếu thốn lại còn bị ăn chặn
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An hiện đang tiến hành chăm sóc, nuôi dưỡng cho 122 người bệnh tâm thần và 18 người già neo đơn.
Trước đây, mỗi tháng người già neo đơn được cấp 360.000 đồng/người, còn người mắc bệnh tâm thần là 450.000 đồng/người. Nguồn chi trả cho các đối tượng bảo trợ xã hội chủ yếu từ ngân sách tỉnh; ngoài ra còn có tiền, vật chất của các nhà hảo tâm ủng hộ.
Từ tháng 10/2015, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã điều chỉnh, nâng mức trợ cấp theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP và Nghị quyết 74 của Chính phủ. Theo đó, mức hỗ trợ với các đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được điều chỉnh từ 360.000 đồng - 450.000 đồng/người/tháng lên mức 810.000 đồng - 1.080.000 đồng/tháng.