| Hotline: 0983.970.780

Từ chức, vì sao khó thế?

Thứ Bảy 10/02/2018 , 08:01 (GMT+7)

“Một cái khó của từ chức ở Việt Nam là do định kiến. Sự tu thân của Nho giáo rất tốt nhưng sự khắc kỷ của Nho giáo rất thiếu nhân văn. Nó dường như không chấp nhận cho con người có sai lầm; đã sai lầm là phải mang án suốt đời”, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, chia sẻ.

nh-chn-dung-nguyen-si-di190618430
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại

Thưa ông, nói về từ chức thì gần đây có ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, rồi ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 TP.HCM từ chức để lại nhiều suy ngẫm. Xin hỏi, ông có bình luận gì về vấn đề này?

Cám ơn Tuần san Kiến thức gia đình đã cho tôi cơ hội để thảo luận về một vấn đề rất hay và cần thiết, đó là từ chức và văn hóa từ chức ở Việt Nam.

Việc từ chức của ông Trần Đăng Tuấn thì tôi không hiểu rõ lắm nhưng cũng là hành vi đáng trọng. Trường hợp từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải ở TP Hồ Chí Minh là ông ấy chủ động: Ông ấy đặt ra một chương trình mục tiêu và nói trước, mình không làm được việc lập lại trật tự đô thị ở quận I thì xin từ chức. Ông đã không sợ đe dọa của kẻ xấu, nhưng tự thấy không vượt qua được những sự cản trở khác. Tôi nghĩ, đấy là ứng xử của người hiểu mình, hiểu người, hiểu hoàn cảnh, một người có nhân cách và bản lĩnh.

Phải nói rằng, cán bộ ta có vấn đề nhưng việc từ chức còn hiếm. Cán bộ thiếu năng lực, cán bộ có sai phạm cần phải biết từ chức, đó là mong muốn, là đòi hỏi thiết tha và chính đáng của nhân dân hiện nay.

Vâng, tại Quốc hội cũng như các diễn đàn khác, nhiều người cho rằng ở Việt Nam chưa có văn hóa từ chức. Theo quan sát của ông, việc từ chức ở nước ngoài như thế nào? Từ chức ở nước ngoài do văn hóa hay là do quy định của pháp luật?

Trước hết, chúng ta cần thống nhất khái niệm. Theo tôi, từ chức là một hành vi tự nguyện hoặc do bị sức ép của dư luận của người có chức vụ trong bộ máy nhà nước hay tổ chức xã hội - bao gồm cả tôn giáo. Tự nguyện từ chức khi mình cảm thấy thiếu năng lực, thiếu sức khỏe để hoàn thành chức trách. Tự nguyện cũng do cảm thấy cần sớm rời khỏi chức vụ để đào tạo, bồi dưỡng cho người kế cận, đạt tới mục tiêu phát triển lâu dài. Đó là ứng xử văn hóa dựa trên cơ sở lương tri và tinh thần trách nhiệm. Sức ép của dư luận cũng có thể do sai lầm của người giữ chức vụ, cũng có thể do thủ đoạn của đối thủ chính trị. Từ chức cũng xảy ra khi người có chức vụ cảm thấy không thi hành được lý tưởng chính trị của mình.

Nói Việt Nam không có văn hóa từ chức là không đúng, là khinh thị dân tộc mình - một dân tộc có truyền thống trọng nghĩa khinh tài, tre già măng mọc, luôn biết vun đắp cho thế hệ tương lai. Biết bao nhiêu ông quan tài giỏi đã treo ấn từ quan để giữ lấy sự trong sạch của mình.

Nhưng cũng có thể nói là các quan chức cao cấp nước ngoài từ chức phổ biến hơn, bình thường hơn ở Việt Nam. Nhiều khi chỉ vì thuộc cấp có sai lầm hoặc bị nghi vấn về một vấn đề gì đó.

Nói vậy, bạn đọc cũng có thể nhận thấy: Về phía cá nhân, người ta đủ tự trọng để từ chức, giữ danh dự hơn giữ ghế. Về phía nhà nước, có đủ quy định pháp luật và cơ chế kiểm soát quyền lực để buộc từ chức. Nhưng dù là Tây, thì pháp luật cũng không bao giờ đủ để ôm trùm được mọi chuyện của cuộc sống mà luôn cần đến đạo đức, phẩm giá con người.

Qua phân tích của ông, rõ ràng, từ chức là việc rất đỗi bình thường với nước ngoài song lại chưa bình thường ở Việt Nam. Có cái gì khác biệt, có cái gì thiếu để có một văn hóa từ chức?

Câu này khó. Khó thì bỏ qua chăng? Nhưng thôi, tôi cứ nói cái nghĩ của mình vậy, có gì chưa thấu đáo mong bạn đọc bổ khuyết cho. Ngày xưa luật mình ít lắm, nhưng bộ máy vẫn hoạt động tốt, cán bộ tốt. Nói quy định pháp luật mình chưa đủ cũng đúng nhưng tôi thấy cũng chẳng thiếu, chẳng kém gì Tây. Ta có Nghị định Chính phủ quy định về trách nhiệm người đứng đầu, có Luật Cán bộ, công chức, có quy định những điều đảng viên không được làm…

Chúng ta đều biết, khi cách mạng chưa giành được chính quyền và trong kháng chiến, người ta đi làm cách mạng để cứu nước, dám hy sinh thân mình, từ bỏ của cải nhà mình cho cách mạng. Hòa bình rồi, nhiều người vào Đảng, vào bộ máy Nhà nước, “phấn đấu” có chức quyền để lấy của dân nước về cho nhà mình. Làm cán bộ có quá nhiều đặc quyền, đặc lợi, từ lương bổng đến đất đai, nhà cửa, xe cộ…, lại thêm biếu xén. Cán bộ mà ngoài lương, được thêm mỗi năm hàng chục tỉ đồng thì khó từ chức lắm. Đấy là một điều cần sửa. Nếu cán bộ là công bộc của dân như Bác Hồ nói thì sẽ không có chuyện chạy chức, chạy quyền.

tu-chuc19141897
Minh họa: Ngọc Diệp

Điều Bác Hồ nói mang tinh thần văn hóa rất cao. Làm chính trị phải mang tinh thần cống hiến, thiện nguyện; nghĩa là đem cái mình có để phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc và nhân loại. Và cảm thấy được phụng sự như một hạnh phúc, một sự thăng hoa của đời sống, đời người chỉ sống có một lần…, không làm cho con người mình bị thấp hèn vì sự ích kỷ.

Một cái khó của từ chức nữa ở Việt Nam là do định kiến. Sự tu thân của Nho giáo rất tốt nhưng sự khắc kỷ của Nho giáo rất thiếu nhân văn. Nó dường như không chấp nhận cho con người có sai lầm; đã sai lầm là phải mang án suốt đời. Cho nên người ta cứ phải giấu giếm, che đậy, quanh co.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại” nhưng thực tế thì không phải hoàn toàn được như thế. Anh đã bị kỷ luật, thì rất khó tin dùng lại, huống hồ dã từ chức!

Vì vậy, nếu từ chức, cũng có nghĩa là anh tự chấm dứt sự nghiệp của mình. Đây là một trong những điều khác Tây, điều cần sớm giảm nhẹ tiến tới loại bỏ để việc từ chức rồi phục chức được bình thường. Có như thế mới tạo ra dòng chảy thông suốt, lành mạnh trong công tác cán bộ…

(Kiến thức gia đình số tết)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm