| Hotline: 0983.970.780

Về nơi ổ dịch có người tử vong

Thứ Hai 06/02/2012 , 09:27 (GMT+7)

Đầu tháng 2/2012, chúng tôi theo đoàn công tác Sở NN-PTNT Sóc Trăng đến ấp B1, xã Thạnh Tân- nơi ổ dịch CGC bộc phát làm một người bị tử vong...

* Cảnh báo vịt chạy đồng vào vụ thu hoạch lúa đông xuân!

Chuồng gà nằm cạnh bên phải căn nhà này là nơi có nhiều gà bệnh chết được phát hiện đầu tiên tại ấp B1, xã Thạnh Tân

Sau khi ca nhiễm bệnh cúm A H5N1 đầu tiên - chị Sơn Thị Sà Vượl ở ấp B1, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) bị tử vong ngày 28/1/2012 vừa qua, người dân ở vùng nông thôn thêm một lần nữa giật mình nhận ra ý thức phòng chống dịch còn quá lơ là.

Đầu tháng 2/2012, chúng tôi theo đoàn công tác Sở NN-PTNT Sóc Trăng đến ấp B1, xã Thạnh Tân- nơi ổ dịch CGC bộc phát làm một người bị tử vong. Đoàn ghé thăm thân nhân gia đình có người chẳng may bị nhiễm bệnh CGC vừa mất. Từ ngoài ngõ đến trong nhà vắng lặng, buồn thảm. Ông Danh Đen, cha chồng của chị Sà Vượl chưa hết bàng hoàng sau cái chết của con dâu. Ông kể: “Gia đình có nuôi 30 con gà, đã bán hết một ít, số còn lại để dành ăn tết. Đàn gà nuôi bệnh chết dần nên gia đình có làm thịt ăn một số con, còn lại có con vứt bỏ xuống kênh. Riêng con dâu nhà tôi là Sà Vượl chỉ làm gà chứ không ăn”.

Chị Danh Thị Giỏi, chị chồng bệnh nhân nói: “Vào ngày 28-29 tết (21-22/1/2012) thấy Sà Vượl bị sốt, nhức đầu nên có đến trạm y tế xã khám bệnh và chích thuốc rồi về. Mùng 1 tết (23/1), Sà Vượl còn mệt tôi đưa đến bệnh viện Phú Lộc và cũng được chích mũi thuốc rồi về. Qua sáng mùng 2 tết, trong người em dâu tôi tiếp tục khó chịu, tôi đưa lên Phú Lộc lần nữa. Nhưng bệnh viện chỉ cho thuốc uống chứ không cho nhập viện. Đến hôm sau (25/1) thấy em không hết bệnh nên gia đình chở đi bệnh viện Bạc Liêu. Nhập viện điều trị nhưng nó không qua khỏi”.

Chúng tôi hỏi chuyện những người dân trong xóm. Một số người thú thật trước tết có một vài nhà nuôi gà, số ít từ vài chục, còn nhiều đến vài trăm con. Gần như nhà nào cũng có gà bị chết lai rai. Bà mẹ của anh Danh Sương cho biết: “Con tôi (Danh Sương) mua về 400 con gà nuôi được một tháng thì bắt đầu chết từ từ đến hết đàn luôn. Mấy nhà khác mua gà ở Vị Thanh về nuôi cũng bị chết. Tôi nhận thấy đàn gà đang ăn đột nhiên có con giẫy giụa, đầu tím bầm rồi chết rất nhanh. Điều lạ là gà lớn chết trước rồi mới tới gà con. Trong xóm nhiều nhà không ai biết gà bệnh gì, có người quăng xuống kênh, người tiếc làm thịt ăn hoặc làm khô treo trong nhà”.

Điều chúng tôi ghi nhận quanh ấp B1, xã Thạnh Tân, đa số bà con chăn nuôi còn thiếu hiểu biết về việc tiêm phòng cúm gia cầm cũng như chính sách hỗ trợ tiêu hủy nếu phát hiện dấu hiệu dịch bệnh. Do đó, bệnh dịch âm ỉ rồi bộc phát lúc nào không hay.

Sau khi bệnh nhân là Sơn Thị Sà Vượl tử vong, Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với cúm A (H5N1).

Viện Pasteur đã cùng các cơ quan địa phương đã tiến hành điều tra những người có liên quan để tiến hành lấy mẫu và cách ly. Kết quả có 11 người địa phương tiếp xúc với bệnh nhân; trong đó có 3 người nhà được cách ly điều trị tại bệnh viện Bạc Liêu và 8 người tại địa phương được trạm y tế xã theo dõi cho uống thuốc Tamiflu mỗi ngày. BS Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu những người có liên quan đều âm tính với virus cúm A, không lây lan.

Theo Trạm Thú y huyện Thạnh Trị, xác định phạm vi ổ dịch CGC dọc theo kênh 14/9 thuộc ấp B1, xã Thạnh Tân, kết quả phát hiện có 7 hộ trong số 48 hộ chăn nuôi có gà chết từ trước Tết Nguyên đán. Trong đó 4 trong 7 hộ mua gà từ nơi khác về nuôi và có gà chết đầu tiên tại địa phương.

Chỉ sau 15 ngày thả nuôi, ông Danh Hiền có đàn gà chết nhiều nhất 100 con bắt đầu từ ngày 16/11/2011. 4 hộ dân này cho biết mua gà từ Long Mỹ (Hậu Giang) về nuôi và tất cả đều không khai báo với thú y địa phương để được tiêm phòng vacxin CGC. Kể cả khi phát hiện gia cầm chết dân cũng không khai.

Riêng gia đình có bệnh nhân tử vong, sau khi phát hiện, lực lượng thú y, y tế địa phương cùng với tỉnh tiến hành các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp như: phun thuốc tiêu độc sát trùng, giám sát dịch bệnh, tiêu hủy gia cầm trong vùng dịch, lấy mẫu xét nghiệm, lập danh sách những người tiếp xúc với ca tử vong để hướng dẫn theo dõi và cách ly theo quy định.

Hiện nay tình hình dịch bệnh ở Thạnh Tân, Thạnh Trị tạm lắng, nhưng nỗi lo vẫn còn hiện hữu. Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng nhận định: Dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh trong tầm kiểm soát. Lực lượng thú y địa phương tăng cường kiểm tra, khống chế các ổ dịch nguy cơ nhỏ lẻ bộc phát. Tại xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên cán bộ thú y và chính quyền địa phương vừa phối hợp tiêu hủy đàn gà trên 200 con của một hộ dân khi phát hiện dấu hiệu bệnh CGC.

Tuy nhiên, trên thực tế, do gà nuôi gần nhà, thả rông nên nguy cơ dễ xảy ra bệnh. Đối với đàn vịt chạy đồng phải kiểm soát chặt chẽ sổ tiêm phòng của cơ quan thú y địa phương cấp. Nếu chưa tiêm phòng vacxin đầy đủ buộc chủ hộ chăn nuôi phải tiêm đủ liều, nhất là trong tình hình dịch CGC đang nguy cơ cao và lúa ĐX đang vào mùa thu hoạch.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm